27/05/2018 17:12 GMT+7

Nhọc nhằn nghề gác chắn tàu ở Sài Gòn

THU DUNG
THU DUNG

TTO - Bất kể thời tiết nắng mưa, công nhân gác chắn đường tàu vẫn miệt mài làm việc. Mấy ai hiểu được rằng, họ đã phải đánh đổi nhiều thứ, thậm chí cả sự an toàn của bản thân.

Nhọc nhằn nghề gác chắn tàu ở Sài Gòn - Ảnh 1.

Chị Hoàng Thị Bình- nhân viên gác chắn Ưu Đàm (Q.Thủ Đức) đang hì hục đẩy barie chắn đường lại chuẩn bị đón tàu đi qua. Ảnh: THU DUNG

Áp lực trăm bề

Trưa 27-5, chúng tôi ghé thăm trạm gác chắn chùa Ưu Đàm (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức). Dưới cái nắng hè gay gắt, chị Hoàng Thị Bình- nhân viên gác chắn đang hì hục đẩy thanh barie xuống chắn ngang con đường, rồi chị nhanh nhảu đứng làm hiệu để các phương tiện khác dừng lại. 

Gần đó, một vài người đi xe máy cố lấn tới, tràn qua barie để sang đường bất chấp nguy hiểm.

Nhọc nhằn nghề gác chắn tàu ở Sài Gòn - Ảnh 2.

Đoạn đường ngang qua trạm Ưu Đàm (Q.Thủ Đức) là đoạn cong khá nguy hiểm. Người gác tàu cần luôn tỉnh táo. Ảnh: THU DUNG

Tàu đi qua, chị trở lại trạm gác với khuôn mặt đẫm mồ hôi. Chị Bình cho biết đã gắn bó với cái nghề gác chắn tàu này được hơn 4 năm liền. Suốt quãng thời gian đó, không ít lần chị trăn trở liệu có nên bỏ nghề vì quá áp lực, quá vất vả. 

Chị Bình tâm sự: 'Nhiều hôm, trời mưa to gió lớn, tôi vẫn phải chăm chăm cạnh trạm gác để bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông. Mỗi ca trực thường kéo dài 12 tiếng, trung bình một ngày có từ 25-30 lượt tàu ngược xuôi. 

Những chuyến tàu chạy không cố định, có hôm chạy vào ban đêm nhiều nên những người đứng gác như chị phải tập trung cao độ, không được lơ là. 

Có những hôm thiếu nhân viên thay ca, tôi phải tham gia trực liên tục suốt 24 tiếng. Vì cứ cố gồng gánh như vậy, sức khỏe của tôi cứ ngày càng giảm sút. Tôi mới 43 tuổi mà ai cũng chê già nua như ngoài 50 tuổi".

Cũng theo chị Bình, khác với những trạm chắn khác, trạm Ưu Đàm không được trang bị máy móc tự động. Đoạn đường này lại là khúc cong, khuất tầm nhìn rất nguy hiểm. Vì vậy, khi làm ca đêm, những nhân viên gác chắn phải thức trắng để canh tàu. 

Nhiều lúc buồn ngủ quá thì chị phải pha trà đặc, uống cà phê hoặc đi vào nhà vệ sinh rửa mặt để giữ mình luôn tỉnh táo. Ấy vậy mà vẫn chưa hết lo lắng, hễ tới giờ mà chưa thấy người trực ban điện thoại báo tàu tới là bồn chồn không yên.

Không dừng lại ở việc thời gian áp lực, gò bó mà những người làm nghề gác chắn tàu cũng gặp phải vô vàn áp lực khác. 

Chị Bình chia sẻ, rất nhiều người đi đường, lái xe tải thiếu ý thức chấp hành luật lệ giao thông. Khi barie hạ xuống, họ thường cố ý băng qua đường hoặc tự ý mở barie để đi rất dễ gây ra tai nạn nghiêm trọng. Khi người gác chắn ngăn cản thì liền bị những người này quát nạt, đe dọa đánh đập.

Chúng tôi đang trò chuyện thì điện thoại trực ban reo báo tàu sắp tới, chị Bình lại tất bật chuẩn bị đón chuyến tàu mới ngang qua.

Nhiều người dân sống tại khu vực này cũng kể lại, những người gác chắn tàu này thường xuyên bị đe dọa đánh đập. Cách đây  không lâu, trạm gác Hiệp Bình (Q.Thủ Đức) còn bị ném đá vỡ nát 3 tấm cửa kính khiến nhân viên sợ hãi.

Lương "ba cọc, ba đồng"

Cả hai vợ chồng chị Hoàng Thị Bình đều làm nhân viên gác chắn, gác cầu trong ngành đường sắt. Mức lương mà họ nhận được lại rất thấp, chỉ từ 3,8 triệu -5,6 triệu đồng/tháng (tùy thuộc vào việc tăng ca). 

Với số tiền ít ỏi như vậy, hầu như họ không đủ chi tiêu trong cuộc sống. Sau khi trừ tiền thuê trọ, tiền ăn uống, xăng xe…thì số tiền còn lại chẳng có bao nhiêu.

Do đồng lương eo hẹp, mỗi ngày, sau khi hết ca làm việc, chị Bình tranh thủ hái rau mang đi bán kiếm thêm bữa cơm cho gia đình. Còn chồng chị, cứ 3h sáng, anh thức dậy đi chạy xe ôm kiếm tiền trang trải học phí cho cô con gái mới học hết lớp 2. 

"Đến nay, cả gia đình vẫn sống tạm trong căn phòng 12m2 ở khu tập thể. Đời sống khó khăn thế này, vợ chồng tôi chẳng mong mua được nhà ở TP", chị Bình hạ giọng nói.

Tương tự, một nhân viên gác chắn tàu tại trạm Bình Triệu cũng cho biết, mức lương của chị chỉ vỏn vẹn 4 triệu đồng. Thế nhưng, chi phí nhà trọ lại quá đắt đỏ. Trong khi đó, vào những ngày lễ tết, những người trực gác chắn tàu phải làm việc hết công suất. 

Chị tằn tiện mãi cũng chẳng dư dả được là bao. Chính vì vậy, đã 2 năm nay, chị không về Bắc thăm gia đình được.

Chị Đỗ Thị Trang – một cán bộ công đoàn tại trạm Hiệp Bình nói: "Có thể thấy, cuộc sống của những người làm nghề gác chắn tàu vẫn còn nhiều khó khăn. Phần lớn họ chọn cho mình một công việc làm thêm sau giờ trực. 

Tại trạm Hiệp Bình có anh Phan Văn Dương gần hai mươi năm trong nghề cũng chỉ nhận mức lương gần 5 triệu đồng/tháng. Sau giờ làm, anh phải tranh thủ chạy Grab kiếm thêm thu nhập. 

Chúng tôi mong rằng những người gác chắn này sẽ nhận được chế độ tốt hơn để họ bớt đi những nỗi lo trong cuộc sống".


THU DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên