Các em thiếu nhi trong ca khúc Chiếc đèn ông sao hát mừng sinh nhật tuổi 88 của nhạc sĩ - Ảnh: VÂN NGỌC |
Điều khác biệt đầu tiên mà chương trình mang tới là trên sân khấu cũng như dưới khán đài, người trình diễn cũng như khán giả, có biên độ tuổi chênh lệch khá lớn: từ khoảng 8 đến 80 tuổi. Đến gần sát giờ biểu diễn, sảnh Trung tâm hội nghị quốc gia vẫn là hai hàng dài khán giả thuộc đủ mọi lứa tuổi chờ xem, không quản ngại rét mướt.
Không khí của chương trình được mở ra rộn rã ngay từ tiết mục đầu với sự tham gia trình diễn của thế hệ thiếu sinh quân và cựu chiến binh Việt Nam đầu tiên, giờ đã trở thành các cụ ông, cụ bà. Kết hợp với các bô lão là các cháu nhỏ, hai chất giọng trầm lắng, nhẹ nhàng hòa cùng cao vút, trong trẻo trong các bài hát Chiếc đèn ông sao và Tiến lên Đoàn viên.
Dàn hợp xướng thiếu nhi trên sân khấu đêm nhạc - Ảnh: VÂN NGỌC |
“Kỷ lục” thứ hai là tiết mục kết thúc của dàn hợp xướng gồm 200 em thiếu nhi cùng đứng trên sân khấu để hát liên khúc khép màn Gặp nhau giữa trời thu Hà Nội. Và sau khi hàng ngàn trái bóng bay bất ngờ tràn xuống khán phòng càng khiến cảm xúc trong nhiều khán giả thêm dạt dào, nhiều người còn nán lại như để níu giữ những khoảnh khắc hồi ức.
“Kỷ lục” thứ ba thuộc về nhân vật chính của đêm nhạc, là nhạc sĩ Phạm Tuyên. Ở tuổi 88, ông đã xuất hiện trên sân khấu bên cây dương cầm, dạo nhạc cho cô con gái út Hồng Tuyến hát một đoạn trong bài Tiễn thầy đi bộ đội và sau đó đệm đàn cho giọng ca nhí Như Khôi hát ca khúc này cùng hoạt cảnh với 30 em thiếu nhi.
Đây có lẽ là khoảnh khắc đặc biệt và đáng nhớ nhất đêm nhạc với liên tưởng về sự trao truyền, kết nối thế hệ, với tình cảm của người nhạc sĩ và người hát có chung sự ân cần, trong sáng hòa vần, khớp nhịp cùng nhau.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên đệm đàn cho con gái út Hồng Tuyến hát - Ảnh: VÂN NGỌC |
Sau tiết mục cảm động đó, nhạc sĩ Phạm Tuyên được xếp ghế ngồi giữa sân khấu để trò chuyện cùng MC Lại Văn Sâm. Tác giả của Thành phố mười mùa hoa nói, ông không được biết trước chương trình về âm nhạc của mình sẽ có những gì, nên ông xem như một người thưởng thức.
Từ lâu nhiều em nhỏ và người lớn gọi tôi là nhạc sĩ của các cháu thiếu nhi và có người hỏi tôi nghĩ sao về điều đó. Tôi thấy quanh mình có rất nhiều người cũng yêu thiếu nhi như tôi, nên tôi được gọi như thế là vì tôi viết nhiều bài hát cho các em... |
Nhạc sĩ Phạm Tuyên |
Trong đêm nhạc, sau hai phần đầu là Những bài hát theo chiều dài lịch sử và Những nốt nhạc từ trái tim qua sự thể hiện của những giọng ca kỳ cựu như NSDN Trung Kiên, ca sĩ Thanh Lam, Đăng Dương, Trọng Tấn, Việt Hoàn, Lan Anh, Vũ Thắng Lợi…
Phần thứ ba Những nốt nhạc cho tuổi thơ đã khiến khán giả trở nên rộn ràng, hứng khởi, liên tục bắt nhịp vỗ tay trong khán phòng gần kín chỗ. Có thể nói, lúc này đêm nhạc đã khơi dậy cảm xúc, hồi ức của khán giả, cùng hướng đến những điều sáng trong của chân - thiện - mỹ.
Bắt đầu từ những hình ảnh đen trắng từ thuở con gái Hồng Tuyến của nhạc sĩ Phạm Tuyên còn nhỏ và cất tiếng hát Trường của cháu đây là trường Mầm non trên sóng phát thanh, chương trình đưa khán giả về với thế giới thân thuộc và quá đỗi yêu thương của mỗi người.
Với các nhạc phẩm thiếu nhi, khán giả đã được hòa ca trong không khí của của liên khúc đồng dao với Gánh gánh gồng gồng, Rềnh rềnh ràng ràng, liên khúc những bài hát nhạc Nga với Nụ cười, Ở trường cô dạy em thế, rồi gặp Trần Hiếu cùng giọng ca nhí Jayden Trịnh và các em thiếu nhi cùng hát Chú voi con ở bản Đôn, Tiếng chuông và ngọn cờ hòa bình…
Tinh thần tươi vui, trong trẻo, hồn nhiên như lan tỏa khắp khán phòng, đến các bậc ông, bà, bố mẹ và trẻ nhỏ. Đó là lý do tại sao nhạc sĩ Phạm Tuyên viết được nhiều bài hát thiếu nhi có sức sống nhiều chục năm như thế.
Ca sĩ Thanh Lam và nhạc sĩ Thanh Phương trong bài Năm bông hồng trắng - Ảnh: VÂN NGỌC |
Ở bài Khúc hát ru của người mẹ trẻ (phổ thơ Lâm Thị Mỹ Dạ) được NSND Thanh Hoa trình bày, Phạm Tuyên đã viết: “Sữa mẹ trắng trong con ơi hãy uống, sữa mẹ trắng trong con ơi hãy uống/ Rồi mai khôn lớn con ơi hãy nghĩ, hãy nghĩ những điều trắng trong”.
Một người nghĩ được về lẽ sống giản dị ấy của cuộc đời thì hẳn sự thấu suốt ấy có thể chuyển hóa trong tác phẩm, biểu đạt tâm hồn của người đó khi là tác giả. “Những điều trắng trong” ấy luôn thấy được không chỉ ở tác phẩm mà còn ở cách ứng xử, phong thái nhẹ nhõm trong cuộc sống của nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Đêm nhạc Phạm Tuyên - Nhớ và quên sẽ được biên tập và phát sóng trên kênh VTV6 lần đầu tiên lúc 19h30 ngày 25-1 (tức 28 Tết) và phát lại trên kênh VTV1 lúc 21h30 ngày 3-2 (tức mùng 5 Tết).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận