Nguyễn Tuấn Tài (hàng ngồi, thứ 2 từ phải sang) cùng nhóm tình nguyện viên thân thiết tại Bệnh viện Nhi đồng 2 - Ảnh: NVCC
Ngoài sự chung tay của bạn đọc, chương trình còn có sự tham gia của rất nhiều tình nguyện viên là sinh viên đến từ các trường đại học. Từ công việc thiện nguyện ban đầu, nhiều tình nguyện viên đã tìm thấy thêm những người bạn, học thêm nhiều giá trị để biết trân quý cuộc sống hơn.
Dành trọn thời gian chiều thứ năm
Với Nguyễn Tuấn Tài, tình nguyện viên gắn bó với chương trình "Ước mơ của Thúy" từ những năm đầu học tại Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đến khi đã gần ra trường, món quà lớn nhất mà bạn có được không chỉ là kinh nghiệm làm việc, tổ chức hoạt động, hay những người bạn trong nhóm "Nhi đồng 2" (tên gọi mà các tình nguyện viên nòng cốt tại Bệnh viện Nhi đồng 2 đặt cho nhóm), mà còn là ký ức về những em nhỏ, trong đó có Tú Nhi - cô bé 10 tuổi mắc bệnh ung thư máu nay đã qua đời.
Trước khi chính thức tham gia "Ước mơ của Thúy" thông qua CLB Sinh viên tình nguyện khoa đào tạo chất lượng cao tại Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Tuấn Tài đã biết về chương trình ngay từ những năm cấp III. Lần đầu trở thành tình nguyện viên, hằng tuần, cùng với các anh chị trong nhóm, Tài được phân công nhiệm vụ đến chơi với các bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng 2.
"Lúc đó mình còn mới lắm nên cũng hơi bối rối, thấy các anh chị làm gì thì chạy theo phụ. Nhưng mình rất muốn chơi với mấy đứa nhỏ. Nhìn tụi nhỏ, mình thấy tội lắm, rất thương. Mình cứ mong làm được gì đó cho mấy đứa, dù chỉ là việc nhỏ nhất", Tài kể. Vậy là từ đó, cứ mỗi lần đăng ký lịch học, Tài lại cố tình "né" chiều thứ năm để được dành trọn thời gian cho các em nhỏ ở Bệnh viện Nhi đồng 2.
"Nhiều năm làm tình nguyện viên, cho đến giờ mình vẫn nhớ Tú Nhi. Đó là cô bé đã để lại trong mình nhiều câu chuyện nhất. Tụi mình theo Tú Nhi từ lúc Nhi mới nhập viện, rồi tới khi vào thuốc, Nhi rụng tóc, sau đó là cưa mất đôi chân do di căn. Ngày Nhi bị bệnh viện trả về, tụi mình chạy xe máy từ TP.HCM xuống Đồng Nai thăm Nhi. Không lâu sau đó thì cô bé đã vĩnh viễn ra đi", Tài nhớ lại.
Mình kỳ vọng "Ước mơ của Thúy" sẽ tiếp tục được mở rộng đến với nhiều bệnh nhi ung thư khác trên khắp cả nước. Mình biết ơn chương trình vì không chỉ mang cho mình những kinh nghiệm thực tế, mà còn giúp mình có thêm những người bạn - đó là nhóm tình nguyện viên ở Bệnh viện Nhi đồng 2.
TUẤN TÀI
Cười tươi và lạc quan
Với Tuấn Tài và các anh chị tình nguyện viên, Tú Nhi là cô bé luôn gần gũi, rất dễ thương và thân thiện.
"Con bé 10 tuổi rồi nên cũng ý thức được căn bệnh của mình. Nhưng lần nào gặp các anh chị tình nguyện viên, Tú Nhi cũng cười tươi và rất lạc quan", Tài nói. Đợt Tú Nhi rụng tóc, cả nhóm bàn nhau mua tóc giả về cho Nhi đội nhân Ngày hội hoa hướng dương năm 2019. Sau đó, căn bệnh ung thư máu di căn, Tú Nhi, ở cái tuổi ăn tuổi lớn, còn biết bao mơ ước phía trước, đã bị cưa mất đôi chân.
Không lâu sau đó, Tú Nhi được trả về điều trị tại nhà. Biết tin, cả nhóm tình nguyện viên chạy xe máy từ TP.HCM về Đồng Nai thăm, nhưng không báo trước.
"Hồi Tú Nhi thấy tụi mình, con bé bật khóc. Lúc đó Nhi yếu lắm rồi, nhưng vẫn ráng chơi đùa cùng cả nhóm", Tài kể. Cuối chiều, khi các anh chị tình nguyện viên chuẩn bị ra về, Tú Nhi lại một lần nữa rơm rớm nước mắt.
"Tụi mình ráng cười đùa, nói chuyện cho con bé vui, không ngờ đó cũng là lần cuối cùng mình được gặp Nhi. Chỉ thời gian ngắn sau đó, Tú Nhi mất. Chuyến đi lần đó thật sự rất ý nghĩa", Tuấn Tài nói. Ký ức về Tú Nhi ùa về trong tâm trí của những người bạn. Họ nhớ về những lúc gặp Tú Nhi, thấy cách cô bé cười tươi mặc cho mái tóc đen đang rụng dần, rồi mất đi đôi chân, cho đến ngày Nhi rời cõi tạm.
"Tham gia cùng "Ước mơ của Thúy", điều mình "thấm" nhất chính là nhận thấy bản thân còn quá may mắn. Có quá nhiều em nhỏ khổ hơn mình rất nhiều. Vậy nên, mình luôn cố gắng sống lạc quan, và chia sẻ cho tụi nhỏ nhiều nhất có thể", Tuấn Tài nói.
Từ một tình nguyện viên chân ướt chân ráo, Tài chuyển sang phụ các anh chị tổ chức nhiều hoạt động hơn, rồi sau này trở thành người hướng dẫn cho các em khóa sau tham gia chương trình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận