Để chuẩn bị cho Đại hội VI, Tổng bí thư Trường Chinh đã đi thực tế tại gần 20 tỉnh, thành để tìm ra những bài học thành công và thất bại của cơ sở, phát hiện những yêu cầu và sáng tạo trong nhân dân cả nước, trên cơ sở đó đổi mới cách nghĩ, cách làm trong xây dựng và phát triển đất nước - Ảnh tư liệu
Khi ông Trường Chinh lên làm tổng bí thư, báo cáo chính trị trình Đại hội VI (tài liệu quan trọng nhất trong các văn kiện trình ra Đại hội VI) đã đưa xuống đại hội đảng bộ các cấp. Qua phản ảnh từ dưới lên, nhiều ý kiến cho rằng nội dung chưa đáp ứng được tình hình thực tế đang diễn ra rất phức tạp, đòi hỏi phải có những đổi mới trong chủ trương, chính sách.
Tổng bí thư Trường Chinh quyết định: Phải viết lại báo cáo chính trị trình Đại hội VI! Trong báo cáo đó, quan trọng nhất là phải đưa quan điểm và nội dung đổi mới kinh tế vào.
Nhìn thẳng vào sự thật
Tổng bí thư Trường Chinh đã đề nghị bổ sung vào tổ biên tập báo cáo chính trị trình Đại hội VI ba người, là thành viên nhóm tư vấn 10 người do chính ông lập ra năm 1983 khi còn giữ chức chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Ba người đó là anh Hà Nghiệp (thư ký tổng bí thư), anh Lê Văn Viện (tiến sĩ khoa học về kinh tế) đang làm cố vấn cho ông Kayson Phomvihan (tổng bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào) và tôi - Trần Đức Nguyên.
Hai anh kia đang rất bận công việc hằng ngày, nên chỉ có tôi tập trung tham gia nhóm biên tập văn kiện Đại hội VI. Ăn, ở và làm việc tại một khu nhà của trung ương bên hồ Tây. Khi đó, tổ biên tập báo cáo chính trị do ông Hoàng Tùng, bí thư Trung ương Đảng, làm tổ trưởng.
Đầu tiên, chúng tôi đề nghị với Tổng bí thư Trường Chinh 3 vấn đề kinh tế lớn cần đổi mới về quan điểm để xin Bộ Chính trị thảo luận, cho ý kiến, từ đó mới có thể viết lại báo cáo chính trị.
Một là quan điểm đổi mới cơ cấu đầu tư và cơ cấu kinh tế, thay quan điểm cũ lấy công nghiệp nặng làm nền tảng bằng thực hiện 3 chương trình lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.
Hai là áp dụng kinh tế nhiều thành phần thay cho chủ trương cải tạo xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ kinh tế tư nhân.
Ba là đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, nhưng chưa thấy được rõ cơ chế quản lý mới như thế nào, chỉ mới xác định là chuyển sang cơ chế hạch toán kinh doanh, bước đầu vận dụng quan hệ hàng hóa - tiền tệ gắn với cơ chế kế hoạch hóa.
Đây là ba quan điểm thay đổi lớn đường lối phát triển kinh tế, được Tổng bí thư Trường Chinh ủng hộ và trực tiếp duyệt nội dung trước khi đưa ra Bộ Chính trị.
Người xác định quan điểm đổi mới
Sau khi Bộ Chính trị thảo luận, nhất trí với 3 quan điểm nêu trên, chúng tôi bắt tay vào viết và hoàn chỉnh báo cáo chính trị trong khoảng một tháng. Khi đưa ra đại hội, báo cáo chính trị được các đại biểu tán thành với sự nhất trí rất cao.
Nhìn lại quá trình chuẩn bị Đại hội VI, có thể nói cố Tổng bí thư Trường Chinh là người xác định các quan điểm đổi mới về kinh tế, đánh dấu bước thành công của Đại hội VI mở đầu công cuộc đổi mới ở nước ta, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội.
Tôi nhớ kết thúc Đại hội VI, Trung ương tổ chức cuộc chiêu đãi các anh em trong tổ biên tập văn kiện. Phát biểu tại buổi chiêu đãi, tân Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh lúc ấy thừa nhận: "Tôi chưa được chuẩn bị trước về việc gánh vác trách nhiệm tổng bí thư Đảng, nhưng Đảng đã quyết định, tôi chấp hành và cố gắng thực hiện trách nhiệm. Điều tôi yên tâm là các đồng chí trong Bộ Chính trị khóa trước vẫn ở lại làm cố vấn, đặc biệt là nguyên Tổng bí thư Trường Chinh, người đã xác định quan điểm đổi mới".
Vì ý thức với quyền lợi của dân, Tổng bí thư Trường Chinh luôn là người cấp tiến, sẵn sàng thay đổi cả những quan điểm vốn có từ lâu của chính ông. Vì dân nên khi chúng tôi nói những ý kiến giúp ích cho dân, ông rất lắng nghe.
Chính tinh thần vì nước vì dân, gắn bó với thực tế, tôn trọng cấp dưới đã giúp cố Tổng bí thư Trường Chinh khắc phục tư duy bảo thủ, xây dựng quan điểm làm nền móng tạo nên thành công của công cuộc đổi mới.
Uy tín của ông Trường Chinh phủ bóng suốt nhiều thời kỳ của Đảng nhưng ông không bao giờ tự đề cao, chỉ nghĩ cho mình. Khi cần, ông cũng thừa nhận sửa sai và sẵn sàng từ chức. Ông từ chức tổng bí thư năm 1956 và tiếp tục được Đảng tín nhiệm bầu giữ chức tổng bí thư năm 1986.
Lắng nghe và thay đổi
Giữa bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội đất nước chỉ vài năm sau khi thống nhất rơi vào khủng hoảng, Tổng bí thư Trường Chinh đã nêu hàng loạt vấn đề mới để tổ tư vấn 10 người chúng tôi đưa ra ý kiến thảo luận cho ông lắng nghe.
Tôi nhớ mãi buổi đầu tiên tổ tư vấn đến làm việc với ông Trường Chinh, ông nói: "Tôi năm nay cao tuổi rồi (năm đó ông đã gần 80 tuổi), tôi sẽ lắng nghe các đồng chí, còn ghi chép thì tôi nhờ các đồng chí thư ký của tôi giúp". Nói vậy nhưng khi thành viên nhóm tư vấn phát biểu, ông vẫn giở sổ cặm cụi ghi, thể hiện rõ sự trân trọng ý kiến của nhóm tư vấn.
Ông thường chỉ nêu vấn đề cho nhóm tranh luận, "cãi nhau thoải mái", ông lắng nghe tất cả và không phát biểu, không kết luận. Ngày đó (trước Đại hội VI), có cuộc tranh cãi rất sôi nổi trong nhóm 10 người chúng tôi về vấn đề "thị trường là một hay là hai".
Nhóm 10 người chúng tôi chia làm hai phe. Một phe bảo vệ quan điểm kinh tế hàng hóa chỉ có một thị trường, không thể có hai thị trường vì bất cứ một sản phẩm nào cũng là sự kết tinh của nhiều thành phần kinh tế. Hơn nữa, toàn bộ hàng hóa như vậy đều tính giá theo một đồng tiền thống nhất, chứ đâu có hai đồng tiền, nên thị trường chỉ có một, phải buôn bán, lưu thông thông suốt. Phe thứ hai lại cho rằng nền kinh tế đang ở thời kỳ quá độ nên phải có hai thị trường.
Giữa cuộc tranh luận nảy lửa của hai phe trong tổ tư vấn 10 người, ông Trường Chinh chỉ lắng nghe, không kết luận. Tuy nhiên, những tư duy đổi mới trong các cuộc tranh luận của nhóm chuyên gia đều được ông lựa chọn và tổng kết để hình thành các quan điểm cực kỳ quan trọng về đổi mới kinh tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận