Tôi nhớ Huề Trì những ngày sau tết. Tàn tết mà chưa tàn thực. Đào đã phai nhưng nhụy còn đương phong. Cả làng ngái ngủ trong những ngày đầu năm mà chút se lạnh vẫn còn vướng vít.
Sau khi thức dậy, trùm vội cái áo len, xỏ dép, thể nào đám con nít chúng tôi cũng chạy ù vào bếp đòi thầy u lấy mấy thỏi bánh lòng ra ăn. Dù là món ăn dân dã, được làm chủ yếu từ sản vật địa phương nhưng hồi đó, còn nhiều khó khăn, kiếm được mấy ống gạo làm bánh chưng đã là phúc rồi, nói gì bánh lòng.
Chưa kể, để làm một khuôn bánh lòng đâu có ít công, nên hơn nửa thế kỉ trước, đây vẫn là món ăn chơi vào hàng sang của người dân đất Kinh Môn của tỉnh Hải Dương.
Sau này, điều kiện vật chất của người dân khấm khá hơn, đây mới trở thành món ăn quen thuộc mỗi khi tết đến xuân về. Món bánh lòng, chỉ có ở Kinh Môn. Và người Kinh Môn, thấy người ta bánh chưng và bánh lòng là thấy tết.
So với món bánh lòng cách đây hơn nửa thế kỉ, giờ đây người ta làm khuôn bánh nhỏ hơn, không to "trùng trục" như thời trước. Bao bì, nhãn mác cũng đẹp hơn. Cầm khuôn bánh cũng tiện tay hơn.
Xắt thỏi để ăn cũng dễ hơn, không phải cần tới dùi đục, dao phay để chặt. Miếng bánh lòng cũng mềm, mịn hơn, không có cứng. Nhưng rồi, trong cái nồm nồm của tiết trời Giêng Hai, chẳng biết ra làm sao, vẫn nhớ không quên được cái vị bánh lòng cũ.
Tôi nhớ mấy ngày gần tết, u tôi lúi cúi chuẩn bị nguyên liệu để làm món bánh lòng. Sau khi rang thóc nếp cái hoa vàng mới thu hoạch hồi tháng 10 để nổ bỏng, thầy u bắt đầu sàng sảy để bỏ vỏ trấu.
Công đoạn tiếp, sau khi cho vào cối giã vừa (không giã nhỏ như giờ) xong, sẽ cho vào nồi nước đường vừa kịp trong. Hồi đó chủ yếu dùng đường đen, đường mía. Rồi thể nào, u cũng giục thầy lên nhà trên lấy nước thảo quả, quế chi, tò o… xuống, kết hợp với gừng, lạc… quấy đều cho tới khi bột quyện lại.
Sau đó, là công đoạn đổ bánh vào khuôn (to bằng hai - ba hòn gạch chỉ). Cuối cùng lăn bánh vào ít bột nếp đã giã nhuyễn sẵn từ trước, lấy lá chuối bọc lại. Hồi đó, dù không nhiều nhà làm bánh lòng, nhưng gần tết, cả làng cũng dậy lên mùi thơm của nếp, ngọt của đường, nồng nồng của các loại quả lấy trên rừng.
Đi từ đầu làng tới cuối làng, tết chưa đến thực mà lòng người đã liêng biêng trong thứ mùi vị của một năm nữa sắp qua mất rồi.
Trưa Ba Mươi tết, cùng các món để cúng tất niên quen thuộc khác, thầy u tôi bao giờ cũng đặt thêm một, hai khuôn bánh lòng dâng lên bàn thờ gia tiên. Còn lại, treo lên xà ngang dưới bếp, ăn từ tết cho đến hết tháng 2 âm lịch; có năm ăn dè tới hết tháng 3.
Nguyên lí làm bánh lòng giờ đây cũng tuân theo nếp cũ, chỉnh lại một chút về bao bì, kích thước, nhãn mác cho hợp thị hiếu. Khi ăn, thực thì cũng ngon, lại rắn, mịn và mềm hơn.
Nhưng sao lòng đứa trẻ Huề Trì năm xưa nay đầu đã bạc trắng hết thảy, lại phân cách đến vậy? Có phải giờ, người ta "lười" cho những phẩm vị của quế chi, của thảo quả… nên ăn miếng bánh lòng, dù ngon, mà vẫn thấy thiếu thiếu không yên cho được?
Hay vì lòng tôi vẫn còn gửi về cố lý, dù quê nay đẹp đẽ, khang trang, văn minh, hiện đại hơn nhiều? Hay vì cảm giác nào nữa khác? Những ngày tháng Giêng, mùa xuân còn sót lại. Ăn miếng bánh lòng, nhớ một thời đã qua không còn trở lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận