08/06/2022 11:44 GMT+7

Nhớ thời 'vượt rào' đổi mới - Kỳ 7: Sài Gòn hướng ra Biển Đông

PHAN CHÁNH DƯỠNG
PHAN CHÁNH DƯỠNG

TTO - Hướng ra Biển Đông là sự phát triển về không gian. Khu vực phía Nam TP.HCM theo cách hiểu mở rộng gồm các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ thuộc TP.HCM, các huyện thị thuộc Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang.

Nhớ thời vượt rào đổi mới - Kỳ 7: Sài Gòn hướng ra Biển Đông - Ảnh 1.

Phía Nam Sài Gòn cần được đầu tư hạ tầng nhiều hơn nữa để phát triển thế mạnh - Ảnh TỰ TRUNG

Vùng đất tiềm năng và khó khăn

Hiện khu vực này còn kém phát triển do thiếu cơ sở hạ tầng, mặt đất thấp trũng, địa hình bị chia cắt bởi sông rạch, dân cư thưa thớt. Tuy nhiên, đây là vùng đất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển và hội đủ các điều kiện cần và đủ cho các chương trình, dự án lớn với tính khả thi cao.

Xét về lợi thế, nơi đây rất thuận lợi để hình thành hàng loạt cảng biển và khu công nghiệp, dịch vụ hàng hải. 

Một loạt các cảng lớn đã và sẽ được xây dựng dọc theo sông Soài Rạp ra Biển Đông; sông Thị Vải, Cái Mép (thuộc Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu); cảng Sao Mai - Bến Đình (thuộc Vũng Tàu); cảng ở khu vực Thiềng Liềng, vịnh Gành Rái thuộc TP.HCM... 

Một loạt các hành lang, khu công nghiệp lớn của Bình Dương, TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và cả Long An, Tiền Giang gắn liền với các cảng này.

Nơi đây cũng sẽ là trung tâm dầu khí - năng lượng lớn nhất nước với nhiều cơ sở chế biến, dịch vụ liên quan sản phẩm dầu khí. 

Tuy nhiên, đây mới chỉ là điều kiện "cần" là tiềm năng, lợi thế. Còn điều kiện "đủ" là phải có thị trường, có nhà đầu tư có tâm, biết tìm kiếm lợi ích trong sự phát triển bền vững của đối tượng đầu tư, đồng thời phải có cơ chế, chính sách thông thoáng, hợp lý, ổn định, thủ tục hành chính đơn giản, minh bạch, hướng về phục vụ xã hội.

Chúng ta có thể quan sát một tam giác phát triển với ba đỉnh là Mỹ Tho (Tiền Giang), Biên Hòa (Đồng Nai), Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) với TP.HCM là trung tâm. Phát triển thành phố ra Biển Đông sẽ tạo điều kiện gắn kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam Bộ cùng phát triển. 

TP.HCM như thân con chim đại bàng với hai cánh là vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. 

Điều này chứng tỏ ý tưởng phát triển TP.HCM ra Biển Đông không chỉ nhằm phát triển cho thành phố mà còn tạo sự gắn kết toàn vùng thành một vùng động lực phát triển cho cả nước, cũng là mũi đột phá đưa Việt Nam giành được lợi thế trong hội nhập toàn cầu.

Khó khăn lớn nhất của cải cách hành chính nước ta có thể thấy là:

Về không gian: nước ta chia ra quá nhiều và nhỏ đơn vị hành chính (63 tỉnh thành); mỗi đơn vị tỉnh, thành là một đơn vị hành chính, kinh tế hoàn chỉnh. 

Trừ Hà Nội và TP.HCM có cơ số diện tích và dân số đủ lớn để phát triển như một đơn vị kinh tế đủ sức lan tỏa cho vùng xung quanh, những tỉnh thành còn lại thì không đủ lớn về dân số. 

Hơn nữa, các tỉnh xung quanh là một đơn vị hành chính kinh tế hạch toán độc lập, tính cục bộ cao nên khó liên kết nhau. 

Chúng ta thấy lớn như nước Mỹ chỉ có 51 tiểu bang, doanh nghiệp kinh doanh có thể trải rộng xuyên các tiểu bang. Như Trung Quốc, cũng chia ra 28 tỉnh và 5 thành phố trực thuộc trung ương, mỗi đơn vị hành chính kinh tế của họ rất lớn, nên đủ sức thực thi những đề án kinh tế quy mô lớn.

Về hàng dọc, nước ta cũng chia ra nhiều bộ, trong bộ lại có nhiều vụ chức năng như các bộ nhỏ, do đó bộ máy khá kềnh càng, trùng dụng, nhưng cũng sơ hở nên hiệu quả sẽ kém đi.

Do đó, cải cách hành chính của nước ta rất khó khăn, nhưng không thể không tiến hành chiến lược cải cách hành chính - kinh tế vì đó là yếu tố tiên quyết để giải phóng tiềm lực kinh tế và lực lượng trí tuệ, lao động của chúng ta. 

Bài toán này cần đến giới chuyên gia kinh tế, hành chính, luật pháp... cùng nhau tìm ra mô hình phù hợp nhất cho nước ta.

Nhớ thời vượt rào đổi mới - Kỳ 7: Sài Gòn hướng ra Biển Đông - Ảnh 2.

Ông Phan Chánh Dưỡng và nhóm Thứ Sáu đã có nhiều góp ý về hướng phát triển thành phố với Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Tầm nhìn chim đại bàng

Thử phác họa Tầm nhìn mở rộng vùng TP.HCM theo ý tưởng kinh tế vùng, với mô hình chim đại bàng vươn cánh liên kết 3 vùng, trong đó TP.HCM - Bình Dương là phần thân chim. 

Tây Ninh và 1/2 Bình Phước là chân chim. Hai cánh chim là: Bến Tre - Tiền Giang - Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và 1/2 Bình Phước. Khi chim đại bàng vươn 2 cánh thì trùm khắp từ Khánh Hòa đến Cà Mau.

Phải xây dựng hệ thống giao thông đường bộ (cao tốc thông thoáng) nối các tỉnh trên về TP.HCM. 

Hệ thống giao thông trên sẽ trở thành động lực của hai cánh chim đại bàng. Có như thế thì sự bố trí cơ cấu kinh tế và phân bổ dân cư của vùng TP.HCM như nêu trên sẽ trở thành vùng động lực của cả nước và thật sự trở thành đầu tàu; là trung tâm dịch vụ thương mại, khoa học kỹ thuật, trung tâm văn hóa, giáo dục... của toàn miền Nam. 

Từ đó, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng như cơ cấu dân cư toàn vùng trong tương lai.

Phát triển không gian trên khu vực phía Nam trước tiên là sự hình thành chùm đô thị vệ tinh bao gồm: đô thị cảng Hiệp Phước; đô thị sinh thái Cần Giờ; đô thị cảng Cần Đước, Gò Công Đông (Tiền Giang) cùng với đô thị thương mại Phú Mỹ Hưng tạo thành chùm đô thị vệ tinh mang tính chất kết cấu của thành phố về hướng Nam, trên đường tiến ra Biển Đông. 

Chùm đô thị này có mối quan hệ phát triển và đô thị hóa với đô thị Thủ Thiêm, tạo thành không gian phát triển rộng lớn và hoàn chỉnh trong quan hệ với thành phố hiện hữu, tạo không gian kinh tế thống nhất thuộc khu vực phía Nam TP.HCM.

Đô thị Phú Mỹ Hưng có thể mở rộng ra là khu đô thị Nam thành phố với diện tích 2.600ha chính là đô thị trung tâm, nơi có các lĩnh vực phát triển đi trước các đô thị khác trong khu vực phía Nam về dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; dịch vụ thương mại, chứng khoán, trung tâm bán buôn, kho trung chuyển, các dịch vụ tiện ích công cộng như y tế, giáo dục, thể dục thể thao, công viên...

Trên đường tiến ra Biển Đông sẽ xuất hiện ba đô thị vệ tinh, vượt khỏi ranh giới hành chính các tỉnh, thành phố là: (1) đô thị cảng Hiệp Phước phát triển qua Cần Giuộc, Long An; (2) đô thị sinh thái Cần Giờ, sau này có đường hầm xuyên vịnh Gành Rái qua Vũng Tàu; (3) đô thị cảng Cần Đước, cặp theo sông Vàm Cỏ, nối liền qua Gò Công Đông, Tiền Giang.

Sự hình thành chùm đô thị vệ tinh này sẽ hoàn tất định hướng và quy mô phát triển về không gian của TP.HCM trong thế kỷ 21. 

Định hướng phát triển này tiếp tục khẳng định lợi thế so sánh của thành phố trong phát triển kinh tế biển, các loại hình kinh tế dịch vụ cao cấp về ngân hàng, tài chính, đầu tư, chứng khoán, thương mại quốc tế... với tư cách là trung tâm phát triển vùng đối với vùng châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long.

Đây chính là mối liên hệ khách quan, tất yếu về phát triển với Đồng bằng sông Cửu Long đã được hình thành trong hàng trăm năm lịch sử.

TP.HCM sẽ được nâng tầm và mở rộng các chức năng, thế mạnh vốn có đối với khu vực là trung tâm tài chính, ngân hàng, trung tâm giao lưu hàng hóa thương mại thủy - bộ cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà lịch sử hình thành phát triển thành phố đã khẳng định trong hơn 300 năm qua...

Ăn tối ở Vũng Tàu, ngủ ở Sài Gòn

Về hạ tầng cơ sở, ý tưởng phát triển ra Biển Đông được định vị như là cạnh huyền của một tam giác mà các đỉnh là TP.HCM - Biên Hòa - Vũng Tàu. Như vậy từ nội thành thành phố phải có tuyến đường rộng lớn xuống Khu công nghiệp Hiệp Phước, sau đó xây cầu vượt sông Soài Rạp và sông Lòng Tàu, nối qua vùng đất Nhơn Trạch (Đồng Nai), mở rộng đường Bình Khánh xuống Cần Giờ.

Sau này khi kinh tế TP.HCM đã phát triển đủ sức, sẽ làm đường hầm qua vịnh Gành Rái nối với Vũng Tàu (khoảng cách theo đường chim bay từ khu đô thị Nam Sài Gòn đến Vũng Tàu chỉ khoảng 40km).

Như vậy, ước mơ của nhiều người sẽ trở thành hiện thực: sau giờ làm việc, người dân sống tại đô thị Nam Sài Gòn sau 40 phút sẽ được tắm biển Vũng Tàu, ăn đặc sản biển, 10 giờ tối còn kịp trở về TP.HCM.

Khu chế xuất Tân Thuận là viên gạch đầu tiên của ý tưởng "TP.HCM tiến ra Biển Đông".

Kỳ tới: Những viên gạch đầu tiên cho Sài Gòn

Nhớ thời Nhớ thời 'vượt rào' đổi mới - Kỳ 6: Ước mơ 'Thâm Quyến Việt Nam'

TTO - Năm 1989, tôi cầm Đề án xây dựng Khu chế xuất Tân Thuận đến gõ cửa từng cơ quan ban ngành, từ TP.HCM đến Trung ương. Người cuối cùng tôi cần có chữ ký là ông Lê Văn Triết, bộ trưởng Bộ Ngoại thương bấy giờ.

PHAN CHÁNH DƯỠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên