04/06/2022 11:00 GMT+7

Nhớ thời 'vượt rào' đổi mới - Kỳ 3: Ra Hà Nội, thuyết trình với ông Sáu Dân

PHAN CHÁNH DƯỠNG
PHAN CHÁNH DƯỠNG

TTO - Chính sách 'giá, lương, tiền' đã đẩy tình trạng giá cả tăng phi mã, làm cho cả nền kinh tế nguy kịch, đến nỗi Trung ương phải ra chỉ thị là mọi cấp mọi ngành phải cùng nhau kéo giá xuống.

Nhớ thời vượt rào đổi mới - Kỳ 3:  Ra Hà Nội, thuyết trình với ông Sáu Dân - Ảnh 1.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong một buổi họp mặt với Nhóm Thứ Sáu (ông Phan Chánh Dưỡng ngồi bìa trái) - Ảnh: TGCC

Chọn phương án để kéo giá xuống trở thành đề tài thời sự và Thành ủy TP.HCM đã giao nhóm chuyên viên kinh tế của Cholimex (nhóm nghiên cứu chuyên đề kinh tế quận 5 hay Cholimex, dưới đây gọi tắt là Nhóm Thứ Sáu) nghiên cứu đề ra giải pháp để kiến nghị với Trung ương với tên gọi của đề án là: "Các biện pháp chủ động về tiền tệ, giá cả nhằm phát triển kinh tế", nội dung cốt lõi là phản biện đối với chủ trương kéo giá xuống của Trung ương.

Kết quả, Nhóm Thứ Sáu đã chứng minh điều ngược lại là giá hàng sản xuất đã xuống đến mức làm tan rã nền kinh tế. Bây giờ phải thay đổi cơ chế quản lý kinh tế, phải để quy luật cung cầu định giá, tạo động lực phục hồi nền kinh tế.

Những chiếc Lada và cơ chế trói buộc

Sau khi gửi đề án "Các biện pháp chủ động về tiền tệ, giá cả, nhằm phát triển kinh tế" lên lãnh đạo TP.HCM vào đầu năm 1987 khoảng một tháng, chúng tôi nhận được giấy mời của văn phòng Hội đồng Bộ trưởng và được biết rằng phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt lúc ấy đề nghị chúng tôi ra Hà Nội trực tiếp trình bày đề án.

Chúng tôi thật sự bất ngờ, tâm trạng vô cùng xúc động và cũng rất lo lắng nên không dám báo lại cho tất cả anh em. Cuộc trình bày lần này sẽ do anh Huỳnh Bửu Sơn, Trần Bá Tước và tôi đảm trách. Khi liên lạc với anh Bửu Sơn thì được biết, anh đã ra Hà Nội bằng máy bay trước đó nên chúng tôi hẹn gặp nhau tại Hà Nội. 

Để chuyến đi thuận lợi hơn, chúng tôi mời anh Phan Lê Đoàn, nguyên giám đốc Cholimex (trước là thư ký Thủ tướng Phạm Văn Đồng) và anh Trần Ngọc (phó giám đốc Cholimex) cùng đi. Chúng tôi chọn đi bằng đường bộ để có thể được xem cảnh quan dọc tuyến Nam - Bắc.

Trên đường ra Bắc với chiếc xe Isuzu 12 chỗ ngồi, tay lái nghịch, hai tài xế luân phiên chạy theo tốc độ vừa phải, không có gì phải gấp gáp. Nơi nào có cảnh quan đẹp hay danh thắng lịch sử như đèo Hải Vân chẳng hạn thì chúng tôi dừng lại tham quan, quay phim, chụp ảnh lưu niệm. 

Đến đèo Ngang, anh em xuống xe nghỉ ngơi chốc lát. Nhìn cảnh vật chung quanh, một vài mái nhà xa xa qua ánh nắng chiều, lòng tôi dâng đầy cảm xúc như Bà Huyện Thanh Quan vừa đi qua đây không lâu. Bài thơ Qua đèo Ngang cảm cảnh sinh tình của bà quá hay!

Dọc đường trong hai ngày qua, thỉnh thoảng chúng tôi gặp một xe Lada (xe hơi bốn chỗ do Liên Xô sản xuất) rất mới, chạy ngược chiều nhanh như gió. Tôi đếm được trên 20 chiếc. Đến gần Quảng Ngãi, chúng tôi ghé vào quán ăn gặp thêm hai xe Lada chở đầy khách, tài xế ghé vào ăn cơm. 

Tôi tò mò hỏi thăm thì được biết xe Lada vừa mới nhận từ cảng Đà Nẵng, các tỉnh thành có hàng đối lưu từ Liên Xô đều đến đây nhận xe. 

Tôi hỏi anh em tài xế: "Xe mới nhận sao các anh chạy nhanh thế?". Anh tài xế nhanh nhẹn đáp: "Đói lâu quá rồi, có cơ hội thì tranh thủ khai thác chớ, còn chở thêm mấy khách để đỡ chi phí chuyến đi đấy!".

Hôm sau, chúng tôi qua cầu Hiền Lương thì bắt gặp thêm hai chiếc xe Lada. Một chiếc đã nằm gọn trên một chiếc xe tải, một chiếc đang được các anh em đẩy theo độ dốc của các tấm ván đưa lên một xe tải khác. 

Tôi rất ngạc nhiên dừng xe lại hỏi: "Tại sao phải đưa lên xe tải?". Họ trả lời: "Xe mới về chưa nhập kho nên không dám chạy xa!". Thật ngạc nhiên trước sự cẩn thận quá mức của những người này!

Chúng tôi đến Hà Nội, tôi tìm cách liên lạc với anh Bửu Sơn đồng thời nhờ anh Phan Lê Đoàn liên lạc với văn phòng Hội đồng Bộ trưởng. Khoảng 4h chiều hôm sau, chúng tôi mới được thông báo là đoàn sẽ làm việc tại phòng họp ở hồ Tây trong hai tiếng nữa. 

Khoảng 5h thì anh Bửu Sơn đến và người hướng dẫn của văn phòng Hội đồng Bộ trưởng đến đưa cả đoàn chúng tôi (anh Sơn, anh Tước và tôi đều có đưa bà xã đi theo) về khách sạn Thắng Lợi ở hồ Tây cho tiện. Và sau đó xe đưa các anh em có trách nhiệm trình bày đề án đến nơi họp.

Nhớ thời vượt rào đổi mới - Kỳ 3:  Ra Hà Nội, thuyết trình với ông Sáu Dân - Ảnh 2.

Nền kinh tế bao cấp đã làm thay đổi, khó khăn nhiều thứ như khách sạn - nhà hàng Đồng Khánh đổi thành... nhà ăn liên ngành kiểu miền Bắc - Ảnh: N.C.T.

Mở ra các cơ hội lịch sử

Bước vào phòng họp, tôi thật bị "ngợp" vì ở đó ngoài ông Võ Văn Kiệt (thường gọi là ông Sáu Dân) và một vài phụ tá còn có trên ba mươi người đang ngồi chờ chúng tôi. 

Ông Sáu đứng dậy vui cười bắt tay chúng tôi. Sau khi mọi người an tọa, ông hỏi chuyến đi có mệt hay không. Chúng tôi kể lại chuyến đi bốn ngày xem được nhiều phong cảnh của đất nước. Ông bèn hỏi dọc chuyến đi có gì khác trước không, chúng tôi nhớ lại là dọc đường các trạm kiểm soát đều biến mất. 

Đây là một trong những đề nghị của anh em trong đề án đã gửi lên trước đó. Ông vui cười hỏi thêm rằng, còn có điều gì hay nữa không?

Tôi đột nhiên nhớ lại đoàn xe Lada 23 chiếc chạy vào Nam nhanh như gió, còn hai chiếc ra Bắc thì phải nhờ xe tải "cõng", ông Sáu Dân bật cười giòn giã. 

Một cán bộ trong phòng họp nói: "Anh Dưỡng ơi, trong Nam các anh bị cơ chế bao cấp trói buộc mới mười mấy năm, nay được mở trói thì các anh chạy được ngay. Còn chúng tôi đã bị trói mấy chục năm rồi, khi mở trói tay chân chúng tôi đã bị tê cứng không thể chạy ngay được đâu!". 

Câu lý giải rất hay, mọi người đều vui vẻ. Cuộc họp được mở màn với không khí thật ấm cúng, thật thân tình làm cho chúng tôi yên tâm trình bày một cách thẳng thắn. 

Kết quả cuộc họp khá thành công, đánh dấu một giai đoạn mới, một niềm tin mới cho chúng tôi. Kết thúc cuộc trình bày, chúng tôi được thưởng năm chén chè hạt sen.

Những ngày sau, đoàn chúng tôi còn phải làm việc tiếp với các ngân hàng trung ương và cả Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch. 

Do giấy phép công tác của tôi đã hết, ông bộ trưởng đã gọi điện về UBND TP.HCM và chuyển đến lãnh đạo quận 5 biết về nội dung ở lại làm việc của chúng tôi. Do đó khi đoàn về đến TP.HCM, lãnh đạo thành phố gọi lên trình bày nội dung làm việc tại Hà Nội. Lãnh đạo quận 5 còn đề nghị tôi trình bày lại nội dung đề án.

Từ đó việc nhóm anh em trí thức mỗi chiều thứ sáu đến Công ty Cholimex họp mặt ít còn nghe lời ra tiếng vào nữa. Còn với riêng tôi, đó là chuyến đi đột xuất và rất vui. Nhưng bây giờ nhìn lại những gì đã xảy ra sau đó... thật sự là một chuyến đi lịch sử! 

Nó đã mở ra các cơ hội cho tôi để thực hiện thuận lợi các công trình (Khu chế xuất Tân Thuận, Khu đô thị mới Nam Sài Gòn - Phú Mỹ Hưng, cảng Hiệp Phước...), các đề án phát triển đưa TP.HCM tiến ra Biển Đông sau này.

Công ty cổ phần đầu tiên

Trước đó, một chủ trương táo bạo của TP.HCM ra đời, cho phép quận 5 thành lập một công ty với hình thức pháp lý là công ty công tư hợp doanh, với chức năng xuất nhập khẩu trực dụng lấy tên là Cholimex, giấy phép ký ngày 15-4-1981 thời hạn hoạt động 10 năm, do anh Ba Hòa (Hồng Tôn Như) làm giám đốc (hai anh thương gia gốc Hoa là Nghê K.Th. và Trần B.G. làm phó giám đốc, cô Kha Ch.Â. làm kế toán trưởng, tôi làm trưởng phòng kế hoạch).

Công ty huy động vốn tay nghề, kinh nghiệm của người Hoa trên địa bàn thành phố nhằm tổ chức sản xuất, kinh doanh và trực tiếp kinh doanh xuất nhập khẩu, phục vụ cho mục tiêu vực dậy nền sản xuất do lãnh đạo thành phố đề ra.

Đây thực sự là công ty cổ phần đầu tiên sau khi đất nước thống nhất.

Nếu bán không đúng mùa hoặc lỗi mode, áo đó có thể phải giảm giá khá nhiều. Vì vậy, mới có tình trạng bà con của ta mua đồ giảm giá ở nước ngoài về bán rẻ hơn rất nhiều so với đồ trong nước. Kinh tế thị trường là thế! Với tư duy bao cấp lúc bấy giờ thì thật sự khó hiểu!

Kỳ tới: Những chuyến đi nước ngoài

Nhớ thời Nhớ thời 'vượt rào' đổi mới - Kỳ 2: Bài học kinh doanh thời khó

TTO - Ngày hôm sau, chúng tôi đến thị trấn Năm Căn làm việc với công ty thương nghiệp huyện. Công ty có 8 tấn tôm khô cần bán, đổi lại họ cần xăng dầu, vải, lưới cá, bột ngọt, ống nước máy bơm, máy nổ hiệu Kohler và một vài mặt hàng tiêu dùng khác.

PHAN CHÁNH DƯỠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên