Phóng to |
Cùng nhảy sạp trong lễ hội Tết ở Brussels (Bỉ) - Ảnh: K.B.Hương |
Tôi vẫn biết có phong trào “trốn Tết” ở quê nhà, ngấm ngầm hoặc công khai trên Facebook của nhiều bạn bè cùng trang lứa. Ngẫm lại, có bao nhiêu thứ Tết không thuần là Tết nữa đang trói buộc ta, đẩy ta xa cách Tết. Mới Tết Nhâm Thìn thôi, sau hai mùa thiếu Tết Việt, tôi được về vui năm mới ngay ở quê nhà. Gọi điện, nhắn tin cho bạn, vậy mà bạn cứ khất lần gặp mặt. Bạn là kế toán doanh nghiệp, ngày cuối năm bạc mặt khắp nẻo đường quà cáp biếu Tết. Năm nay kinh tế khó khăn hơn, liệu gói quà có nhẹ bớt?
28 Tết bạn mới hớt hải gặp tôi, đưa ánh mắt vô cảm, bơ phờ nhìn tôi háo hức nâng niu cành đào chúm chím nụ: “Mùng 1 Tết tớ lên tàu đi Sa Pa một tuần, đừng hỏi vì sao, và đừng trách móc nếu ngày cậu bay không gặp lại tớ nhé”. Chị gái tôi vừa về lúc đó, mặt cũng thất thần: “Đường chật như nêm, đã thế đám đông còn xúm quanh chiếc xe máy nát vụn, những hộp mứt méo mó, những gói hạt dưa vung vãi khắp đường!”.
Tôi nhìn ra chiếc xe máy tay ga của bạn dựng trước cửa, gói quà Tết nghễu nghện cao vượt mặt còn chưa kịp giao. Người đang được yêu Tết một cách thật thà như tôi không thể trách bạn. Bạn tôi, trước đây cứ Tết về với gia đình là bị tra hỏi bao giờ lấy chồng. Bạn tôi, giờ bỏ chồng làm mẹ đơn thân, về với Tết lại bị lục vấn ở vậy hay đi bước nữa. Cứ thế và cứ thế. Tết này và Tết khác. Chuyện cá nhân bỗng trở thành món nhậu trong bữa cơm sum họp, lai rai suốt ba ngày Tết. Sao không mệt! Sao chẳng muốn đi! Sao mà ngại Tết!
Ở châu Âu xa xôi về địa lý nhưng không còn xa cách về sự liên kết (qua điện thoại, Internet) nữa, chúng tôi đang đón Tết, tận hưởng Tết một cách thật thà biết bao. Thiếu vắng hẳn khung cảnh đường hoa lộng lẫy đầu xuân và không khí râm ran nhà nhà đón Tết, nhưng cũng xoay xở ổn thỏa cả thôi, miễn có Tết ở trong lòng.
Hồi tậu được căn nhà gần hồ nước rộng ở Duffel (Bỉ), anh Vinh, chị Hòa đã chạy xe 150km qua gần biên giới Hà Lan mua cá về thả hồ, phóng sinh ngày mùng 1. Tiện đường, anh chị ghé chợ châu Á mua mớ rau sống, hành ngò về nấu bún riêu, đổ bánh xèo mời bạn bè chung vui và kể chuyện cố hương, cũng coi như đón Tết, có Tết.
Tết Việt đến muộn hơn Tết Âu cả tháng trời, nên niềm vui Tết của lũ trẻ nhà chị Linh và anh Marc thật dài lâu. Chúng biết sáng mùng 1 Tết thế nào mẹ cũng dậy sớm, lên chùa Hoa Nghiêm ở đường Anderlecht (Brussels) thỉnh đồ ăn chay. Mẹ bảo bà ngoại luôn ăn chay vào ngày đầu năm cầu nguyện sức khỏe cho cả nhà, vạn sự như ý cả năm. Nếp nhà này chị Linh tiếp nối. Những cậu bé lai của anh chị háo hức với đủ món chay, nào bò bía, canh chua, bún xào, gỏi cuốn, dĩ nhiên có cả bánh chưng và bánh tét bày ra, ngon lành, đẹp mắt.
Chùa Hoa Nghiêm tôi đã viếng thăm hai lần. Rất dễ định vị mái chùa cong cong chìa ra khỏi những bức tường nhà trên phố thẳng tắp. Vào chùa, dù ở xứ xa vẫn là cái cảm giác vô cùng thoải mái ấy. Chuông cửa hiện đại là thế, nhưng nụ cười mở ra thân quen gần gụi biết bao. Mình tôi men hành lang hẹp, leo cầu thang lên gác, quỳ lạy trước bàn thờ Phật, tiếng chuông ai đó đánh giúp bỗng ngân lên sâu thẳm, linh thiêng, an bình. Tôi không còn đơn độc nữa. Tết đến, trong mùi trầm hương lan tỏa còn có cả mùi bánh mứt ngọt ngào, món chay thơm phức của phật tử đến phụ nhà chùa làm cơm trưa, phát lộc đầu năm.
Lòng người giữa ngày chuyển giao năm mới năm cũ rất dễ cô đơn, hay bồi hồi nhớ tiếc về những cái Tết tròn đầy người thân, còn ông leo ghế thắp hương bàn thờ tổ, còn bà bổ cau têm trầu cánh phượng kể chuyện ngày xửa ngày xưa... Vì thế, hãy chỉ chọn những niềm vui, sự sum họp ý nghĩa nhất để cho yêu thương tràn đầy.
Ở Pháp, nơi luôn có đông kiều bào và đặc biệt nhiều du học sinh Việt nên đón Tết thường rôm rả hơn. Cô bé Bích xinh xắn, yêu kiều đang ở tuổi hai mươi tôi mới quen, nếu ở nhà chắc sẽ cau có, giận hờn vì bị mẹ lật chăn bắt dậy rửa lá dong trong buổi sáng đầu xuân mưa dầm rét mướt. Nhưng ở Strasbourg xa xôi này đủ để em ý thức được niềm hạnh phúc quây quần quanh nồi bánh chưng đón Tết. Em hối hả cùng nhóm bạn trẻ tổ chức gói bánh để vừa có niềm vui tâm hồn vừa có món ăn bổ rẻ! Lá dong đắt thì mua lá chuối, khoảng 4-5 euro một gói lá chuối xanh hai lạng rưỡi. Bánh chưng gói bằng lá chuối buộc dây nilông đỏ, ninh trên bếp điện.
Trưa 30 Tết, ký túc xá trời Tây tỏa ra những mùi thơm thân quen quyến rũ, nào gà luộc, bí xào, nem chua, xôi gấc, canh măng canh miến, bánh chưng xanh bên cành đào thắm. Tối trời khúc khích tiếng cười bạn trẻ rủ nhau đi hái lộc, xông nhà quanh khu ký túc xá.
Vợ chồng tôi làm gì với Tết? Chúng tôi cùng gia đình bốn người bạn khác tìm đến vùng Ardenes phong cảnh đẹp tuyệt trần của Bỉ để vui Tết cổ truyền. Tracy người Singapore, Lin người Đài Loan đều reo lên thú vị khi biết Tết Việt của tôi trùng dịp Tết của các bạn. Càng có cớ để lên đường nghỉ cuối tuần và chung vui Tết. Chúng tôi hợp thành gia đình lớn, nấu những bữa ăn giản tiện, dành chủ yếu thời gian cho dạo bộ ngắm thiên nhiên mơn mởn xuân thì, ôm đàn dạo bản nhạc xưa hồi tưởng thời mới yêu đương nồng thắm.
Và khi bên này mới là chiều muộn, không ai bảo ai, phút giao thừa lặng lẽ mỗi người tách ra một góc đồng loạt gọi điện về nhà. Tôi gọi về cho mẹ chúc mừng năm mới và nghe chị gái, em gái tường thuật bông nhà ai nở đẹp giữa trời đêm thôn quê. Mẹ, vốn hay che giấu cảm xúc, vậy mà giờ phút này cũng dễ nói nhất câu: “Mẹ cảm ơn. Các con và các cháu nhớ giữ gìn sức khỏe nhé”. Chị Linh sợ nghẽn mạch, cẩn thận gọi về trước cả tiếng đồng hồ, hối em trai mở máy tính ngắm gương mặt mẹ như trẻ lại khi nhìn lũ cháu đồng thanh tiếng Việt “Chúc ngoại mạnh khỏe, sống lâu” qua webcam.
24g ở Việt Nam, 18g ở Pháp, Bích và nhóm du học sinh Việt ngừng tiệc tùng, trở lại phòng để gọi điện chúc Tết bố mẹ, người thân. Ai cũng bần thần giờ khắc đó, kỳ lạ thay, đang vui Tết mà lại nhớ Tết! Nhớ Tết thật thà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận