16/10/2020 10:29 GMT+7

Nhớ nụ cười người chỉ huy giải cứu vụ sập hầm Đạ Dâng

DUY THANH - NAM TRẦN
DUY THANH - NAM TRẦN

TTO - 6 năm trước, đại tá Nguyễn Hữu Hùng chỉ huy giải cứu thành công 12 công nhân vụ sập hầm Thủy điện Đạ Dâng. Nhớ nụ cười ông ngày ấy, chúng tôi nhói lòng trước tin ông hi sinh khi cứu nạn vụ sạt lở Thủy điện Rào Trăng 3...

Nhớ nụ cười người chỉ huy giải cứu vụ sập hầm Đạ Dâng - Ảnh 1.

Đại tá Nguyễn Hữu Hùng với nụ cười thường trực trên môi khi trả lời phỏng vấn phóng viên Tuổi Trẻ ngay sau khi giải cứu thành công 12 công nhân vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng năm 2014 - Ảnh: DUY THANH

Hơn 17h ngày 19-12-2014, khi chiếc xe cứu thương đưa nạn nhân cuối cùng trong số 12 công nhân thi công hầm thủy điện Đạ Dâng (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) hụ còi chạy về hướng Bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng, thì ngay khu vực hiện trường, chúng tôi thấy các anh bộ đội trẻ đang công kênh một vị mang hàm đại tá như kiểu các cầu thủ tung hê huấn luyện viên khi ăn mừng chiến thắng, cùng những tiếng hô vang: "Hoan hô thủ trưởng! Hoan hô thủ trưởng!".

Tôi bước lại khu vực đó và đọc được trên bảng tên mà vị "thủ trưởng" đang đeo trên ngực áo bên phải là "Nguyễn Hữu Hùng". Hỏi thăm thì mới biết ông là phó tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh công binh, là người được giao nhiệm vụ chỉ huy các lực lượng quân đội tham gia cứu hộ cứu nạn vụ sập hầm thủy điện rúng động dư luận lúc bấy giờ. 

Suốt 4 ngày "bám trụ" ở hiện trường vụ sập hầm Thủy điện Đạ Dâng, chúng tôi gặp gỡ và trao đổi với rất nhiều người, nhưng chưa được gặp đại tá Hùng. 

Vậy nhưng gặp chúng tôi, ông bắt tay siết chặt và cười thật tươi như đã quen từ lâu. Có lẽ là vì tâm trạng ông vui mừng khôn xiết khi đã giải cứu thành công toàn bộ 12 công nhân bị kẹt trong hầm suốt 82 giờ trước đó, tính mạng tưởng đã "ngàn cân treo sợi tóc". 

Đại tá Nguyễn Hữu Hùng trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ ngay sau khi giải cứu thành công 12 công nhân vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Video: DUY THANH

Tôi còn nhớ các nạn nhân được giải cứu lúc 16h20 ngày 19-12-2014. Đó quả là khoảnh khắc vô cùng bất ngờ vì trước đó chừng 1 giờ đồng hồ, chúng tôi phỏng vấn lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng thì được trả lời là công binh đang tiếp cận, dự kiến nhanh nhất phải rạng sáng hôm sau, nếu may mắn thì mới đến được nơi các công nhân đang bị kẹt.

Khi đó, đại tá Hùng trực tiếp chỉ huy hơn 300 người của các lực lượng quân đội, trong đó có 110 cán bộ, chiến sĩ của lực lượng công binh đến từ lữ đoàn 293 và tiểu đoàn 93. Ông "tiết lộ" rằng lực lượng công binh có mặt tại Đạ Dâng muộn, sau 2 ngày so với lực lượng ứng cứu đầu tiên. 

Với nụ cười không tắt trên môi khi trả lời phỏng vấn chúng tôi, đại tá Hùng nói: "Điều rất phấn khởi là phương án của công binh đề xuất (đào hầm - PV) đã được Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý. 

Nhờ sự chỉ đạo trực tiếp của Phó thủ tướng và sự ủng hộ của địa phương, lực lượng công binh vững tin để đưa ra các giải pháp, tìm ra con đường ngắn nhất, biện pháp tốt nhất để đưa các công nhân ra".

Chúng tôi được biết trước khi lực lượng công binh vào Đạ Dâng thì đã có các lực lượng tham gia đào hầm bằng phương pháp hầm mỏ để cứu các nạn nhân. 

Đại tá Hùng nói phương pháp đó hiện đại và đảm bảo an toàn nhất, nhưng đường hầm phải đào sẽ dài và tốn nhiều thời gian, trong khi các nạn nhân ở trong hầm tối và lạnh, ngập nước suốt gần 4 ngày, kiệt sức, khủng hoảng tinh thần.

"Do vậy chúng tôi đề xuất mở con đường ngắn nhất và có thể nói lực lượng công binh khó khăn nhất. Bằng các phương pháp thi công khoa học nhất, chúng tôi thi công bằng biện pháp 'hầm trong cát'. Công binh đã khắc phục khó khăn trong điều kiện nước ngầm cao, đất đá phong hóa nặng, nhưng tạo được gương hầm, kê trống không gian để đào và thành công" - đại tá Hùng kể.

Lúc ấy ông cũng nói rằng ngay 12h trưa 19-12-2014, lực lượng quân đội đã hội ý và tiên liệu có thể đưa được các công nhân ra vào tối cùng ngày hoặc vào sáng hôm sau, tức 20-12-2014. 

"Tuy nhiên cái khó là địa chất và chúng tôi chưa xác định được mực nước trong hầm, vì vậy mà chúng tôi chưa xác định chính xác thời gian nên chưa báo cáo với ban chỉ đạo và chúng tôi cứ lặng lẽ thi công, đảm bảo tốt tiến độ đề ra. Chúng tôi chỉ đào đường hầm dài 20m và tiếp cận, giải cứu thành công toàn bộ 12 công nhân" - đại tá Hùng nói.

Nhớ nụ cười người chỉ huy giải cứu vụ sập hầm Đạ Dâng - Ảnh 3.

Đại tá Nguyễn Hữu Hùng bắt tay chúc mừng thượng tá Lê Đình Hùng, khi đó là phó lữ đoàn trưởng quân sự lữ đoàn công binh 293, đơn vị chủ công giải cứu 12 công nhân vụ sập hầm Thủy điện Đạ Dâng - Ảnh: DUY THANH

Đại tá Hùng nói chiến công giải cứu thành công 12 công nhân vụ sập hầm Đạ Dâng là nhờ công tác chuẩn bị bộ đội ngay thời bình và trước khi nhiệm vụ diễn ra. 

"Chuẩn bị bộ đội tốt, huấn luyện tốt, nuôi quân tốt, rèn luyện ý chí, bản lĩnh cho cán bộ chiến sĩ. Nhà báo nào vào hầm thì cũng thấy là sụt trượt rất lớn, nếu không có ý chí quyết tâm, không dũng cảm thì không thể thi công được, không thể đảm nhiệm được nhiệm vụ trong hầm được" - ông nói vậy.

Vị chỉ huy giải cứu 12 công nhân sập hầm thủy điện Đạ Dâng ngày nào giờ lại gặp nạn khi trên đường đi giải cứu những công nhân thủy điện Rào Trăng ở tỉnh Thừa Thiên - Huế bị sạt lở núi vùi lấp. Đau đớn thay, người chỉ huy tài ba đó giờ đã vĩnh viễn không trở về...

"Anh ấy rất tốt, sống tình làng nghĩa xóm"

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đình Thụy - bí thư Đảng ủy xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai, Hà Nội) - cho biết đại tá Hùng là người địa phương, đến khu vực UBND xã Sài Sơn hỏi nhà ai cũng biết.

Ông Hùng sinh ra trong gia đình có truyền thống tham gia lực lượng vũ trang. Bố ông Hùng là bộ đội, anh em ông người tham gia quân đội, người công tác trong lực lượng công an. Con trai lớn của đại tá Hùng cũng là sĩ quan công binh, con út đang học lớp 10, các con ông ai cũng học giỏi, năm nào cũng được nhận khen thưởng.

"Anh ấy là con người tốt, sống đúng mực, chững chạc, sống tình làng nghĩa xóm, anh em rất hòa thuận, rất thân thiết với địa phương", ông Thụy chia sẻ. Ngày nghỉ hay cuối tuần, ông Hùng vẫn hay về thăm nhà, mới đầu tháng ông về còn lên thăm anh em ở Đảng ủy và UBND xã Sài Sơn.

Từ lúc hay tin đại tá Hùng trực tiếp vào Huế tham gia đoàn công tác giải cứu công nhân mắc kẹt sau sự cố sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 nhưng không may gặp nạn, bà con hàng xóm láng giềng ai cũng túc trực mong ngóng thông tin từ Huế... (HÀ THANH)

photo-1

Cựu lính công binh Nguyễn Hữu Oanh lần giở lại những bức ảnh về con trai - đại tá Nguyễn Hữu Hùng - Ảnh: NAM TRẦN

'Cơ quan gọi đi chống lụt, bố cháu phải đi'

Từ lúc mất liên lạc với con trai, bố đại tá Hùng chỉ biết tin con trai đang làm nhiệm vụ từ đứa cháu nội: 'Cơ quan gọi đi chống lụt, bố cháu phải đi'. Nay cơ quan về báo tin anh hi sinh, cựu lính công binh rơi nước mắt đau đớn nhớ về con.

Hơn 10h sáng 16-10, đoàn công tác của Uỷ ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn về đến thôn Thụy Khuê, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội thăm hỏi, động viên, gia đình đại tá Nguyễn Hữu Hùng, phó Cục trưởng Cục cứu hộ cứu nạn.

Từ lúc hay tin tìm thấy đại tá Hùng cùng 12 đồng chí đồng đội của anh hi sinh tại trạm quản lý bảo vệ rừng 67 (trạm 67), mẹ anh, vợ anh khóc lịm đi. Còn bố anh - ông Nguyễn Hữu Oanh, 80 tuổi, cựu lính công binh rơi nước mắt đau đớn nhưng vẫn kiên cường đón nhận tin dữ.

Nơi làng Thụy Khuê, anh em bạn bè, hàng xóm từ sáng sớm lui tới động viên gia đình. "Cố lên Thoa ơi (vợ anh Hùng - PV), Hùng đi vinh quang vì nước vì dân, mạnh mẽ lên em", những người xung quanh liên tục động viên vợ anh.

Ông Oanh, bố anh Hùng từng là lính công binh, nhà có 5 người con 3 trai 2 gái, anh Hùng nối nghiệp bố và đến đời con trai anh cũng nối nghiệp cha ông. "Đi bộ đội là ước mơ của Hùng, học giỏi lắm", ánh mắt người lính công binh ngày nào vẫn luôn tự hào về cậu con trai.

Ông nhớ chiều thứ bảy vừa rồi, Hùng còn về đoàn tụ với gia đình họ hàng, cùng nhau ăn bữa cơm họp bàn công việc gia đình. Cậu con trai thứ của ông vẫn thường xuyên về thăm hỏi gia đình dù bận công tác liên miên. Ông không ngờ, đó là lần cuối cùng ông được gặp con.

"Chiều chủ nhật anh đi luôn, anh đi chả nói với bố mẹ đâu, kể cả trước có đi Nga, đi Mỹ, đi Pháp, đi nhiều nước lắm thì lúc về mới nói. Từ lúc anh đi vào trong, không gọi được, gọi cơ quan thì nói ở trong không phủ sóng", ánh mắt vị lính già đỏ hoe.

Từ ngày không liên lạc được với con trai, cả nhà ông Oanh đứng ngồi không yên. Gọi điện cho cháu nội là con lớn của anh Hùng, ông Oanh chỉ nghe cháu nói: "Cơ quan gọi đi chống lụt, bố cháu phải đi".

Gia đình gọi điện liên tục nhưng cứ "thuê bao quý khách vừa gọi". Tối nào họ cũng xem thời sự, với hi vọng biết đâu đại tá Hùng cùng đồng đội anh sẽ gặp may mắn. Nhưng đêm qua 15-10 họ nhận thông tin tìm thấy 13 thi thể ở trạm 67.

"Bác ấy là người sống tình cảm, chu đáo, nhiệt tình giống mẹ lắm. Anh nhiệt tình, lúc nào cũng xung phong đi đầu, mới đi chống dịch, nay xung phong đi vùng lũ", bà Nguyễn Thị Hà, em gái đại tá Hùng xót xa. (NAM TRẦN)

Đã tìm thấy 13 thi thể chiến sĩ, cán bộ hi sinh khi cứu nạn thủy điện Rào Trăng 3 Đã tìm thấy 13 thi thể chiến sĩ, cán bộ hi sinh khi cứu nạn thủy điện Rào Trăng 3

TTO CẬP NHẬT - Đến 19h30 hôm nay, lực lượng tìm kiếm cứu nạn Sở chỉ huy tiền phương Quân khu 4 đã tìm thấy thi thể 13 thành viên trong đoàn công tác gặp nạn tại Trạm bảo vệ rừng 67.

DUY THANH - NAM TRẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên