16/11/2016 10:12 GMT+7

Nhờ người khác đứng tên mua cổ phiếu coi chừng bị lừa

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Nhiều người bỏ tiền mua cổ phiếu và cử một người đại diện được xem là có uy tín đứng tên. Đến thời hạn chi trả cổ phiếu, người đại diện đứng tên “trở mặt” khiến họ bị trắng tay.

minh hoa 15-11

Năm 2012 và 2013, Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi có chính sách phát hành cổ phiếu ưu đãi bán cho người lao động trong toàn công ty. Khi đó Nhà máy bia Dung Quất (thuộc Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi) được phân một số suất cổ phiếu để bán cho người lao động có lựa chọn.

Trao niềm tin, nhận thiệt thòi

Tại phân xưởng thành phẩm có 5 người đại diện đứng tên mua cổ phiếu cho công nhân. Ông Nguyễn Phước Uy được khoảng 60 công nhân tín nhiệm giao hơn 27.000 cổ phiếu gốc, đến thời điểm hiện tại số cổ phiếu gốc và cổ tức lãi đã tăng lên hơn 60.000 cổ phiếu (gần 5 tỉ đồng). Và có hợp đồng quy định rõ quyền và nghĩa vụ của hai bên.

Theo hợp đồng này, người lao động nộp tiền mua cổ phiếu cho ông Uy chi trả cho công ty. Còn ông Uy là người đại diện đứng tên mua cổ phiếu cho công nhân, thu tiền mua cổ phiếu hằng năm của người lao động nộp cho công ty và ghi vào sổ theo dõi do ông Uy cất giữ và nhận cổ tức hằng kỳ để chia lại cho công nhân.

Đến tháng 7-2016, ông Uy phải giao lại số cổ phiếu trên cho công nhân nhưng ông này cắt đứt liên lạc. Kiểm tra tài khoản chứng khoán do ông Uy đại diện đứng tên thì phát hiện chỉ còn 35.000 cổ phiếu, 25.000 cổ phiếu còn lại ông Uy tự ý bán mà không có sự thống nhất của công nhân.

Ông Uy cũng nghỉ việc không có lý do và bị công ty kỷ luật buộc thôi việc.

Hàng chục công nhân gửi đơn tố cáo đến cơ quan điều tra. Ông Uy cho rằng số cổ phiếu này thuộc về mình vì người lao động không nộp tiền mua cổ phiếu theo hợp đồng. Lúc này, khoảng 60 công nhân mới phát hoảng khi không có bất kỳ biên lai nộp tiền mua cổ phiếu. “Cùng là công nhân nên chúng tôi tin ông Uy. Chúng tôi không nghĩ bị lừa như vậy” - công nhân Võ Thị Ngọc Thu nói.

Còn công nhân Trần Văn Dũng cho biết trong bốn năm qua ông Uy vẫn chi trả một phần cổ tức bằng tiền mặt cho công nhân. Ngày 1-6, khoảng 60 công nhân vẫn nhận số tiền này từ ông Uy.

“Nếu nói chúng tôi không nộp tiền thì tại sao lại chia cổ tức cho chúng tôi. Hơn nữa người thân ông Uy đã làm việc với giám đốc công ty xin được hưởng số cổ tức lãi để chi trả nợ nần. Ban giám đốc đã có văn bản xác nhận việc này” - ông Dũng bức xúc.

Chỉ là tranh chấp dân sự?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Võ Văn Dương, phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi, cho biết đã tiếp nhận đơn tố cáo của công nhân Nhà máy bia Dung Quất và khẳng định đây là tranh chấp dân sự trong quan hệ giữa người lao động với nhau.

“Chỉ có khoảng 5, 6 người có giấy biên nhận giao tiền mua cổ phiếu cho ông Uy. Còn lại phần lớn là tin tưởng vào uy tín của ông Uy mà không có giấy tờ gì. Đây là thiệt thòi của người lao động. Đáng ra phải có giấy biên nhận giao tiền thì người lao động sẽ không rơi vào tình cảnh này.

Hiện nay chỉ có lãnh đạo, công đoàn nhà máy có biện pháp can thiệp, bảo vệ quyền lợi cho công nhân” - ông Dương nói.

Ngoài ra, theo ông Dương, cơ quan điều tra cũng đã tiếp nhận nhiều vụ việc tương tự. Nhất là các vụ việc chơi hụi, gom tiền làm ăn... Khi làm ăn bị “bể” người đứng ra nhận tiền rời khỏi địa bàn.

Nếu căn cứ theo luật hiện hành thì có cơ sở xử lý tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, người chiếm đoạt tài sản bỏ trốn nên không bị khởi tố.

“Vừa rồi tỉnh Quảng Ngãi phải đình chỉ hai, ba vụ án tương tự như vụ việc vừa xảy ra. Hiện tại Bộ Công an đang yêu cầu đưa dấu hiệu bỏ trốn vào lại trong luật để xử lý những vụ việc như thế này” - ông Dương cho biết.

Có thể khởi kiện ra tòa

Luật sư Lê Cao cho rằng vẫn có những cơ sở để các công nhân khởi kiện ra tòa, thậm chí có thể yêu cầu xem xét dấu hiệu vi phạm Luật hình sự trong trường hợp này.

Trên thực tế có một số người có chứng cứ là các giấy biên nhận giao tiền, những người khác chỉ là giao dịch bằng lời nói nhưng điều đó cho thấy có các giao dịch này xảy ra.

“Nếu đã nhận tiền của người khác dưới hình thức hợp đồng, kể cả hợp đồng bằng lời nói, thì người nhận tài sản phải sử dụng đúng mục đích như thỏa thuận hợp đồng, tức là đứng tên mua cổ phiểu giúp những người khác, phải chi trả cổ tức, phải hoàn trả cổ phiếu cho người đã đóng tiền.

Nếu có hành vi gian dối để chiếm đoạt số tài sản này hoặc sử dụng tài sản đã nhận cho mục đích trái pháp luật thì có thể xem xét về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo điều 140 của BLHS 1999” - luật sư Cao nói.

Trong vụ việc này, điều cơ bản là phải xác lập các chứng cứ, đó là các chứng cứ từ các giao dịch nhờ đứng tên, giao dịch chuyển tiền, giao dịch nhận cổ tức, xác nhận của công ty, sự làm chứng của những người biết rõ nội dung vụ việc...

Với một quan hệ được giao dịch trong một thời gian dài, có nhiều người chứng kiến như vậy, những công nhân bị mất tiền có thể hợp sức cùng nhau thu thập các chứng cứ.

“Đây là kinh nghiệm xương máu từ biết bao nhiêu vụ việc có dấu hiệu lật kèo tương tự, như chúng ta đã thấy hàng loạt vụ vỡ hụi, rất nhiều trường hợp vay nợ miệng với nhau, khi sự xác lập giao dịch giữa các bên quá sơ sài thì rủi ro có thể ập đến bất kỳ khi nào và hậu quả sẽ rất nặng nề” - luật sư Cao cảnh báo.

Phải trực tiếp đứng tên

Mọi người phải thực sự cẩn trọng trong các giao dịch hợp đồng, khi tham gia mua cổ phần, cổ phiếu, vốn góp... thì người bỏ tiền ra mua phải trực tiếp đứng tên.

Nếu có hợp tác cùng mua với người khác thì phải có những thỏa thuận, hợp đồng hợp pháp ràng buộc trách nhiệm cụ thể. Bất kỳ giao dịch gì mà quá tin tưởng và chỉ bằng lời nói thì sẽ rất khó chứng minh khi tranh chấp xảy ra.

Luật sư LÊ CAO (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng)

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên