TT - Tháng tư. Tôi nhớ những con ngõ nhỏ miền Bắc, nắng bắt đầu về, có cảm giác những chồi non của cây dâu, cây bàng chìa ra xanh mướt mát đều được phủ lớp lông tơ mịn và vàng như lông gà con của nắng mới. Phóng to Minh họa: Đức Trí Dòng sông lá sấu vàng rụng xuống cuộn chảy dưới bánh xe chạy ầm ầm như bão trên đường Hà Nội. Những cây gạo ven đô nở bung hoa đỏ, rơi lộp bộp ven ruộng ven đường. Những ngày tháng tư chính là những ngày mùa xuân “chín” mọng (từ của Hàn Mặc Tử). Tiết trời chỉ đẹp sau tiết thu. Nắng về rực rỡ nhưng không gay gắt và gây bức bối. Người ta thích đi ra đường chẳng nón mũ che đậy. Mỗi khi đi giữa những ngày như thế, tôi thấy tâm trí xôn xao như một buổi trưa hè. Tháng tư, với nhiều người miền Bắc, như là tháng nhớ. Hoa loa kèn trắng tinh khôi. Hoa lựu đỏ bập bùng. Hoa nhài, hoa ngâu nở thì thầm mỗi đêm nhưng ngào ngạt hương thơm vào tận góc bếp. Hoa khế, hoa chanh, hoa bưởi rụng ran ngoài bờ ao. Tôi nhớ những cơn mưa mùa xuân, lặng lẽ thấm vào màn đêm mịn màng vẫn còn lạnh giá. Những đêm mưa như thế không khỏi nhớ đến thơ Nguyễn Trãi: Tịch mịch u trai lý, chung tiêu thính vũ thanh (Thính vũ). Tất cả đều câm lặng, chỉ tiếng mưa tan mãi vào canh thâu, và không ai nắm bắt được cái mình muốn. Mưa tô màu rêu từ lúc nào chẳng rõ. Bỗng một sáng, rêu lên xanh dày và mượt như nhung trên mái ngói, dọc bờ tường gạch không trát vữa. Con chim sẻ nâu chui ra chui vào ống tre đầu hồi gian bếp líu ríu suốt từ sáng đến trưa. Chắc nó mừng vì nắng về, như thể lấy được thêm mấy sợi vào tổ. Tháng tư còn có hoa xoan nở tím như mây đầu ngõ. Hoa nở thành vầng, trĩu nặng cành cong, rụng tơi bời và bị người qua lại giẫm nát thấy thương. Những cây lá xung quanh nhà đều nhắc nhớ về tuổi thơ của chị em tôi. Trong vườn hay bờ giậu, mỗi cây gợi đến một mùa trong năm. Khi nắng mới về, mọi vật đều bừng nở. Tôi nhớ đến bà ngoại sau khi gội đầu buổi trưa thường ngồi trên cái ghế tre, hong tóc dưới hiên nhà. Những sợi tóc trắng và rất thưa của bà không cần hong quá lâu nhưng vì bà thèm cái nắng sau mấy tháng lạnh giá nên ngồi hoài cả buổi. Tháng tư còn là tháng tóc phụ nữ rụng rất nhiều. Có những ngày gội đầu xong, các mẹ, các chị vo lại, cả búi tóc đầy lòng bàn tay. Bà cũng vậy, tóc càng ngày càng ít nên bà càng nâng niu gìn giữ, không dám chải mạnh. Mỗi lần bà tỉ mẩn gỡ từng sợi tóc ra khỏi cái lược thưa (bà đã chọn loại lược thưa nhất để chải tóc), vậy mà vẫn ra cả nắm và bà không ngừng xuýt xoa. Bà giắt những nắm tóc đó lên cây cọc tre giữa góc vườn và bể nước, dần dần cây cọc đầy những búi tóc nhỏ. Sau này khi bà mất, cũng vào tháng tư, tôi hay nhớ lại hình ảnh bà ngồi bên hiên nhà chan nắng tỉ mẩn lần hồi từng sợi tóc. Thi thoảng bà nói một câu gì đó với bọn tôi. Có những câu bà nói không ăn nhập lắm với ngữ cảnh. Có lẽ bà đang chìm đắm trong một thế giới xưa sau nào đó. Những ký ức đó, tôi đoán, chỉ đến khi hai mùa đưa tiễn nhau. Phải sống qua một mùa đông dài và lạnh lâu đến mức nào mới hiểu cảm giác nắng về ý nghĩa ra sao. Hôm nay, cô bạn tôi reo lên qua email, rằng ôi có nắng. Cô ấy viết những đoạn văn rất dài với những câu lộn xộn để miêu tả rằng cô ấy đang sung sướng đến mụ mị người. Với người Sài Gòn thì ai làm thế chắc chắn có vấn đề, nhưng với bạn tôi, một cô gái lấy chồng xa xứ và sống hơn mười năm ở Bắc Âu thì nắng vô cùng quý giá. Đơn giản vì cái xứ đó, một năm có đến chín tháng mùa đông. Gió vù vù ngoài cửa. Tuyết cao đến nửa người. Một năm có khoảng hai tháng gần như không có ánh sáng, 10g sáng trời vẫn tối như ban đêm. Có vô vàn những ngày không thấy mặt trời, và ít khi thấy mặt người ngoài phố. Bạn tôi, cô gái lớn lên ở xứ nhiệt đới là người thấm thía nhất cái tâm trạng một tia nắng vui cho bao tâm hồn (Mùa xuân đầu tiên, Văn Cao). Cô không thể không reo lên réo rắt dù trước đó cô ấy đã luôn reo bao mùa xuân như vậy. Tôi gửi cho cô ấy một câu chuyện của một nhà văn nổi tiếng, ý nói rằng có những người mù lòa trong chính ánh sáng nên đừng lo bóng tối nếu bạn giữ mùa xuân trong lòng. Sáng Sài Gòn, nắng đổ ào ào vào bancông từ bảnh mắt. Hai con chim sẻ trú dưới hiên cãi nhau một trận căng thẳng rồi bay đi hai nơi. Cô bạn ở “xứ tủ đông” lại kêu ca vì thiếu mặt trời, vì sao hết mùa xuân rồi mà tuyết vẫn hoài là tuyết, tôi hay an ủi một câu rất sến rằng thôi để tớ gửi cho ít nắng. Tất nhiên là quá ít để làm quà nhưng đủ để cô ấy ước mơ. Ừ thì tôi an ủi, cuộc đời có nắng có mưa. Còn bạn bảo tôi rằng ở giữa Sài Gòn mà nhớ nắng, đúng là bị hâm. TTCT cảm ơn các bạn: Lê Mạnh Tùng, Lê Ngọc Hạnh, Vân Anh, Nguyễn Quốc Việt, Dân Hùng, Bảo Tâm... đã gửi bài viết cho mục Nhật ký thành phố. Mọi thư từ, bài vở cộng tác mục này xin gửi: [email protected], mục Nhật ký thành phố. Tags: Nhật ký thành phố
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Nhân viên quán bia kể lúc đập khóa, dập tắt ngọn lửa trong căn nhà bốc cháy HỒNG QUANG 22/11/2024 Phát hiện đám cháy bùng lên trong căn nhà khóa cửa, 3 người đàn ông làm việc ở quán bia gần đó đã tiếp cận để phá khóa. Họ sau đó dùng bình cứu hỏa để dập tắt ngọn lửa.
Khám xét nơi ở và làm việc của viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM ĐAN THUẦN 22/11/2024 Ngày 22-11, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của ông Huỳnh Nguyễn Lộc, viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM.
Việt Nam có khoảng 70.000 ca tử vong mỗi năm liên quan đến kháng thuốc kháng sinh THANH HÀ 22/11/2024 Theo Tổ chức Y tế thế giới, đã có gần 270.000 ca tử vong do đề kháng thuốc kháng sinh tại Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2023.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.