TTCT - Ở Sài Gòn, mùa thu, mùa đông chỉ có trong phim ảnh, nhưng mùa mưa là thực. Mưa Sài Gòn làm cho Sài Gòn khác biệt. Cali đang bắt đầu vào thu. Vài cây phong đã bắt đầu chớm đổi màu lá. Trong những ngày giao mùa, thời tiết nóng lạnh thất thường này, xem những tin tức, hình ảnh về Sài Gòn đang mưa lũ mà nhớ xót xa những cơn mưa Sài Gòn.Mùa thu hay mùa đông thường làm người ta nhớ về những kỷ niệm, nhưng ở Sài Gòn, mùa đông, mùa thu chỉ có trong thi ca và phim ảnh.Mưa Sài Gòn. Ảnh: TRẦN VIỆT ĐỨCCó một thời, tôi mong mỏi những ngày bão rớt hiếm hoi về trên phố Sài Gòn. Những ngày đó, có thể gọi là mùa đông tạm thời. Trời âm u, gió lành lạnh và mưa nhè nhẹ, nghe như có bão từ nơi xa xăm rớt xuống, Sài Gòn đổi màu áo. Các thiếu nữ lục lọi rương quần áo, diện ngay lên mình những chiếc áo len, áo khoác, áo pardessus, thậm chí cả những chiếc manteau hiếm hoi có dịp khoác lên người. Không khí Sài Gòn chợt rực rỡ đủ màu sắc, chợt Tây hẳn lên, hay chí ít cũng gần giống như Đà Lạt (cùng thời). Những ngày bão rớt đó rất hiếm hoi.Sài Gòn chỉ có hai mùa, mưa và nắng. Và bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu hoài niệm đều đổ về mùa mưa. Có ai nhớ mùa nắng Sài Gòn bao giờ, chỉ có nhà thơ Nguyên Sa mới xem tình yêu như chiếc máy "điều hòa" trong cơn nóng tháng 3 Sài Gòn.Tôi đã trải qua biết bao mùa mưa ở Sài Gòn, những mùa mưa từ thuở thiếu thời theo mãi cho đến khi trưởng thành, ra đi rồi quay lại, nhưng chưa ở những nơi nào đủ lâu để có được hoài niệm như mưa Sài Gòn. Đối với tôi, mưa Hà Nội, mưa Huế, mưa Đà Nẵng, mưa Hội An, mưa Cần Thơ, và cả mưa… Campuchia vẫn không đủ để lại những dấu ấn như những cơn mưa Sài Gòn.Thuở nhỏ, mỗi lần mưa lớn, tôi thường đứng dưới mái hiên và nhìn ra đám bạn trẻ con chạy vòng vòng trong mưa mà thèm thuồng, nhưng hãn hữu lắm mới được cho phép chạy ra nhập bọn tắm mưa. Phải nói, cảm giác sướng gì đâu khi chạy vòng vòng trong màn nước từ trời đổ xuống!Rồi những cơn mưa theo tôi đến trường, những cơn mưa báo hiệu hè về trên sân trường, những cơn mưa tầm tã đón tôi trong mùa tựu trường trong khi ráng tưởng tượng ra "Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều...".Hồ Con Rùa (quận 3, TP.HCM) trong mưa. Ảnh: CÙ MAI CÔNGMùa hè, tuổi trẻ, tuổi học sinh qua thật chậm rồi vụt nhanh, những cơn mưa mùa hè vui chơi cùng bạn bè không còn nữa. Những cơn mưa của "Mùa hè đỏ lửa" đã làm tan biến những ngây thơ vọng tưởng, đưa sự thật trần trụi chết chóc và khốc liệt đến bên mình. Và rồi, những cơn mưa mù trời, rầm rập suốt đêm của những ngày cuối tháng 4, những cơn mưa xối xả mà tôi nhớ mãi, ngưng đọng lại trong tâm trí tôi. Tôi không hiểu sao, những năm sau này mùa mưa Sài Gòn thường đến muộn hơn, tháng 6, có khi thàng 7 mới bắt đầu mưa.Mưa Sài Gòn là như vậy. Là mưa mù mịt, tối trời, tưởng chừng không bao giờ ngớt, nhưng đột nhiên ngưng lại không một lời báo trước. Và cũng không một lời báo trước, trời đang nắng chang chang, đang hiên ngang đạp xe vã mồ hôi, đột nhiên nước từ đâu trên trời đổ xuống, thắng gấp vào lề cũng đã đủ để ướt sũng người. Và cũng vừa kịp lúc lôi được áo mưa ra, vừa mặc vào thì mưa tạnh, ông mặt trời lại chợt hiện ra như trêu ngươi. Và lại tiếp tục đạp xe cho đến khi khô ráo như chưa hề có chuyện gì xảy ra!Có những cơn mưa không kịp ướt áo. Cũng có những cơn mưa lì lợm, mưa thối đất, đến đất phải nổi bong bóng lên, không hề đẹp "như đóa hoa nở muộn". Nhưng lồng trong những cơn mưa đó, là những kỷ niệm, những câu chuyện… Những kỷ niệm cuộn lẫn vào nhau, gây ra những xúc cảm mỗi khi mưa về, những rung động mơ hồ không rõ ràng, có thể gọi là những hoài niệm của quá khứ, không thể tách bạch ra được. Nhiều khi, đứng nhìn mưa mà lòng quặn lên những cơn đau ẩn chứa từ sâu thẳm của tiềm thức, không có hình ảnh rõ rệt, chỉ biết, lòng đang đau.Rồi cuộc đời lại trôi đi. Lần đầu sống xa khu trung tâm náo nhiệt, cơn mưa đầu tiên đã mang lại một cảm giác hơi bàng hoàng, chợt đánh thức những ký ức xa xôi trong tiềm thức, khi nghe tiếng ếch nhái, ễnh ương hòa nhịp kêu vang sau cơn mưa lớn. Đã lâu lắm rồi, hầu như tôi không còn nhớ đến những âm thanh, những bản hòa âm của ếch nhái trong không khí ẩm ướt sau một cơn mưa lớn. Và chợt nhớ lại, ngày xưa sau những cơn mưa đầu mùa, cùng bạn bè kéo nhau đi bắt dế cơm dưới ánh đèn vàng vọt của những cây cột điện. Dế cơm bây giờ không còn thấy nữa, ít nhất là tại những thành thị mà tôi sống.Ngày xưa nhà có mái tôn, mỗi khi mưa lớn, tiếng mưa sầm sập trên mái tôn làm tôi ấm lòng khi cảm thấy mình an toàn trong nhà, ôm chăn gối ngủ ngon trong đêm. Từ khi dọn về ở chung cư không còn cảm giác đó nữa, mưa mịt mù ngoài trời mà trong nhà không hề nghe được tiếng mưa rơi, chỉ còn nhìn thấy mưa bằng mắt chứ không còn được nghe tiếng mưa bằng tai, cũng mất đi thú vị ngủ trong tiếng mưa ngày trước. Cuộc sống và làm việc trong những cao ốc cũng tạo ra một cảm giác mới, ngắm mưa không tiếng động trên thành phố, giống như qua một màn sương mờ, nhiều khi không phân biệt được đâu là mưa, đâu là sương mù. Và cũng sinh ra một thói quen mới, mỗi khi mưa (thỉnh thoảng) lại bấm thang máy xuống dưới đường để được ngắm mưa, nghe mưa và hứng những giọt mưa li ti rơi lên mặt.Tôi còn nhớ lần cơn mưa lịch sử năm 1999, lần đầu tiên khu trung tâm Sài Gòn ngập mênh mông nước, cảnh tượng giống như một biển nước trải dài nối liền hai bên bờ đại lộ Lê Lợi thật lạ lùng, như có một dòng sông vừa xuất hiện giữa thành phố quen thuộc, với những sóng nước nhỏ lăn tăn chạy vào bờ. Cho đến ngày đó, Sài Gòn vẫn thi thoảng bị mưa ngập, nhưng hiền hòa hơn, không ngập tràn lũ sóng cuốn phăng người và xe như bây giờ. Có lẽ nhờ vậy, những ấn tượng về mưa Sài Gòn vẫn nhẹ nhàng, dịu dàng với chút niềm vui. Hình như chỉ những ấn tượng ngày xưa cũ mới để lại những dấu vết thấm sâu vào tâm khảm, sâu đến mức xóa mờ cả những hình ảnh hiện tại, như không còn chỗ để thu nhận thêm một điều gì mới!Sài Gòn không chỉ có mưa rào, mưa sầm sập tối trời, mà cũng có cả những cơn mưa phùn, những cơn mưa ngâu rỉ rả không ngớt. Không hiểu sao tôi ít có những cảm xúc hoài niệm về mưa phùn, mưa ngâu của Sài Gòn. Có lẽ vì mưa phùn Sài Gòn vẫn đủ để ướt áo, không như mưa bụi của Hà Nội. Và mưa ngâu Sài Gòn không quá dài, không buồn rười rượi như mưa xứ Huế.Những cơn mưa dông, mưa bão với từng cơn gió tốc lên, thổi tung những màn nước, khiến ta có thể nhìn thấy được gió, làm tôi nhớ nhiều hơn so với mưa phùn, mưa bụi lãng mạn của Hà Nội. Đơn giản, vì nó gắn bó với biết bao kỷ niệm, bao hồi ức quyện lẫn, đan xen vào nhau. Mỗi khi chạm vào chỉ thấy dậy lên một niềm thương nhớ không rõ nét, không biết vì đâu, từ bao giờ.Hôm rồi người bạn ở Sài Gòn nhắn tin "Sài Gòn đang mưa, mưa từ chiều qua, tối qua, đêm qua, sáng nay vẫn còn mưa, lúc to lúc nhỏ…". Tôi hỏi, có nghe thấy tiếng mưa rơi không? - Nghe chứ, nghe rất rõ từ mái tôn nhà bên cạnh. Tin nhắn lúc 9h sáng Sài Gòn, là 7h tối Cali. Tôi nhớ tiếng mưa Sài Gòn quay quắt!■ Tags: Mưa Sài GònTản vănVăn hóaSài Gòn Mùa mưa
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Quân đội nhân dân Việt Nam: Niềm tự hào dân tộc TỔNG BÍ THƯ TÔ LÂM 19/12/2024 Tuổi Trẻ Online đăng toàn văn bài viết của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Quân ủy Trung ương TÔ LÂM về Quân đội nhân dân Việt Nam.
Lời khai của nghi phạm đốt quán cà phê khiến 11 người chết DANH TRỌNG 19/12/2024 Nghi phạm Cao Văn Hùng khai do xảy ra mâu thuẫn, đánh nhau với nhóm khách 7 người nên bực tức đi mua xăng về phóng hỏa đốt quán cà phê, khiến 11 người tử vong.
Tôi từ chối lời tri ân sau khi xem phim Công tử Bạc Liêu PHAN TRUNG NGHĨA 19/12/2024 Lời tòa soạn: Nhà văn Phan Trung Nghĩa, tác giả tập khảo cứu Công tử Bạc Liêu sự thật và giai thoại, gửi cho Tuổi Trẻ những cảm xúc của ông sau khi xem phim Công tử Bạc Liêu.
Vụ cháy quán cà phê do phóng hỏa: Nữ nhân viên chạy lên tầng 3 thoát nạn DƯƠNG LIỄU 19/12/2024 Khi thấy lửa bùng lên, khói bao trùm, nhiều người tá hỏa chạy lên tầng 2, tầng 3 của quán cà phê. Bốn người thoát khỏi vụ cháy được lực lượng cứu hộ đưa ra ngoài và cấp cứu tại Bệnh viện E.