14/04/2019 19:05 GMT+7

Nhớ 'một câu nhịn chín câu lành', người Việt sẽ không hung dữ

TẤN KHÔI
TẤN KHÔI

TTO - Hơn nhau không phải ở nắm đấm mà là ở khả năng học tập, làm việc, chia sẻ, thương yêu, tử tế với mình, với người trong mối quan hệ với cuộc sống xung quanh!

Nhớ một câu nhịn chín câu lành, người Việt sẽ không hung dữ - Ảnh 1.

Hạ cẳng tay, thượng cẳng chân sau khi va chạm giao thông - Ảnh do bạn đọc cung cấp

Cách đây mấy bữa, trên đường đi làm về, tôi thấy một đám đông ở Hàng Xanh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), nghĩ là có kẹt xe. Tới gần mới phát hiện là vừa có vụ va quẹt và hai tài xế đang cãi nhau, người đi đường ngang qua ai cũng lắc đầu.

Chuyện va quẹt trên phố đông như Sài Gòn giờ tan tầm là chuyện cơm bữa, nếu cảm thông và chia sẻ được thì có lẽ người ta sẽ nhẹ nhàng cho qua, tôi nghĩ vậy!

Môi trường nhiều mầm mống bạo lực

Thường người ta sẽ nổi nóng khi gặp một chuyện bất như ý nào đó, như vừa bị sếp la, ra cổng cơ quan bảo vệ đùa một câu, liền sân si. Nỗi buồn, sự bực bội là thứ năng lượng chi phối hành xử khiến người ta không thể kiềm chế được cơn tức dâng lên, lây sang người khác.

Vì vậy, có người dễ nổi nóng đã cảnh báo: "Thấy tôi ‘khó ở’ là tránh xa xa giùm, không ăn mắng ráng chịu". Theo đó, người nóng lâu ngày họ cũng biết tính khí của mình nên có "chống chỉ định" chuyện nói đùa, tiếp xúc lúc họ đang không vui, căng thẳng. Thực ra, khi quá mệt mỏi, phiền muộn trong lòng, ta không còn giữ được mình.

Có người bạn của tôi bình thường hiền queo, ai nói gì cũng cười. Bỗng một ngày, tôi hỏi "sao buồn dữ rứa?" lại bị bạn nạt cho một câu nghe chưng hửng. Trời, bạn mình đây sao? Mới đầu tôi phản ứng vậy, nhưng chợt dừng lại vì nhớ ra, đây không phải là bản chất của bạn. Có thể bạn đang có một nỗi niềm, áp lực từ cuộc sống, gia đình, tình yêu hoặc bản thân đang trải qua bệnh tật, sự cố…

Ai cũng có lúc nóng giận, nếu mình hiểu thì sẽ không khiến ngọn lửa trong họ cháy phừng. Tôi im lặng và không bỏ mặc, cuối cùng cũng nghe được thổ lộ từ bạn. Bạn bị nhiều áp lực trong công việc: sếp chèn ép, đồng nghiệp tìm cách chơi khăm, lương không cao, phải chật vật trang trải cuộc sống…

Tất nhiên, nhiều người khó khăn hơn nhưng họ không nổi nóng. Đó là tính cách và sức chịu đựng của từng người. Sự nóng tính là một thói quen được huấn tập hằng ngày theo nguyên lý: "Thói quen tạo nên tính cách, tính cách tạo nên số phận".

Vì thế, các chuyên gia tâm lý khi chia sẻ với tôi về thói vũ phu của chồng vẫn thường lưu ý, có thể anh ấy từng bị bạo hành lúc nhỏ, từng sống gần những gia đình lớn tiếng, ồn ào đánh cãi nhau như cơm bữa.

Sự tác động của cuộc sống xung quanh lên tính cách con người theo hướng đó được ông bà xưa đúc kết rằng "gần mực thì đen". Cái đen đó cần có thời gian thanh lọc để dần trắng, nhưng nếu vẫn tiếp tục nuôi dưỡng trong môi trường đen hơn thì sẽ đen đậm hơn.

Ngày nay các văn hóa phẩm mang tính bạo lực vẫn đầy rẫy trên mạng và tồn tại trong cuộc sống, giải trí của nhiều người: từ game online đến phim ảnh. Thường ngày tiếp xúc với sự đánh đấm, máu me trong các "thức ăn tinh thần" đó khiến não quen với những "mùi vị" của bạo lực, từ đó hành xử theo.

Những kẻ "giang hồ mạng" được ngưỡng mộ và thu tiền trăm triệu cũng chính là một "hình tượng" khiến người ta thay đổi suy nghĩ: cần gì học hành, tử tế, chỉ cần có "số má" là có thể lên đời.

Môi trường bên ngoài đã vậy, trong nhà trường, gia đình cũng đầy mầm mống bạo lực, tránh sao người trẻ không hoang mang và hành xử theo cách tương tự. Đây mới là điều đáng lo, và người lớn muốn thay đổi không khí bạo lực lan tràn thì chính bản thân phải nỗ lực để ứng xử nhẹ nhàng với nhau trước.

Nhẫn để yêu thương

Không thể có kết cục tốt với những người nóng nảy. Nhân vật Trương Phi trong Tam Quốc Chí là hình mẫu của nóng tính dẫn đến hư sự và mang họa sát thân. Ai cũng nóng nảy trong hành xử thì chiến tranh sẽ nổ ra, thương vong là tất yếu.

Một câu nói đùa cũng thành chuyện lớn vì con người ta quá nóng, quá hung dữ; đi nhậu lo hát karaoke cũng bị đánh chết thì… ôi thôi, cuộc sống quá kinh khủng. Pháp luật cần nghiêm minh để trừng trị việc vô cớ đánh, giết người nhưng đó là xử lý phần ngọn, còn cái gốc vẫn là giáo dục.

Làm sao để con người có thể chậm lại để phân tích kỹ hơn từng câu nói, từng biểu hiện của người khác, trong đó có thân nhân, bạn bè mình để không chụp mũ rồi hành xử như người điên, người say?

Sống thiền hay bình tĩnh sống, sống chậm, sống có chánh niệm… là những cách sống theo tinh thần "nhẫn để yêu thương". Đầu tiên là thương mình. Một người chỉ được người khác tin tưởng, nể trọng và giao việc khi có sự chín chắn, điềm tĩnh trong xử lý. Như vậy, người sống có lý trí, điềm tĩnh chính là cách sống lợi lạc tự thân.

Còn cái lợi cho người xung quanh, nhất là người thân - thương thì cũng dễ dàng để thấy. Con cái sẽ học được nhiều điều hay ho từ bố mẹ có cách sống nhẹ nhàng, tình cảm. Đó mới là gia tài quý giá để lại cho con.

Hành xử nóng tính dẫn tới hư việc, hại người thì vòng lao lý chờ mình là chắc chắn. Một khi đã gây ra sự cố mới hối thì đâu còn kịp. Nhiều người bình luận thiếu niên 16 tuổi rút dao đâm chết người nhắc mình chuyện chạy xe chính là "anh hùng rơm", chứng tỏ với bạn gái nhưng rồi được gì sau lần ra tay đó? Tù tội và có thể mất luôn bạn gái.

Ai đợi và ai chấp nhận một người giết người làm người yêu, người chồng, người cha tương lai?

Thực ra, sân si - ai cũng có. Cái chính là cách quản lý năng lương tiêu cực đó để những năng lượng tích cực phát triển. Để làm được điều đó, phải xây dựng lối sống nhân văn từ chính mỗi gia đình, người lớn dạy trẻ nhẫn nhịn để an lành như ông bà mình nhắc "một câu nhịn chín câu lành".

Hơn nhau không phải ở nắm đấm mà là ở khả năng học tập, làm việc, chia sẻ, thương yêu, tử tế với mình, với người trong mối quan hệ với cuộc sống xung quanh!

Người Việt hung dữ là

TTO - Lời nhận xét thật lòng của người bạn nước ngoài rằng "người Việt là những người hung dữ" đã "động chạm" đến tâm tư của rất nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online.

TẤN KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên