04/12/2018 13:52 GMT+7

Nhớ mãi quán phở ông Tư Lùn

NGUYỄN KIM ANH
NGUYỄN KIM ANH

TTO - Bát phở nhà ông Tư thơm nức mùi nước dùng nấu từ xương bò, quế chi thảo quả, điểm thêm hành khô và gừng nướng kỹ, không cần mì chính vẫn ngọt ngào béo ngậy.

Nhớ mãi quán phở ông Tư Lùn - Ảnh 1.

Một góc quán Phở Tư Lùn trên phố Hai Bà Trưng hôm nay, do con cháu ông Tư nối nghiệp - Ảnh: Ha Noi Pho

Con uống thuốc ngoan đi, rồi mẹ mua phở cho ăn...

Đó là câu nói thường xuyên của mẹ mỗi khi chị em chúng tôi ốm. Đối với những đứa trẻ 6X, phở là món ăn vô cùng xa xỉ. Chỉ khi nào ốm thật xiêu vẹo, lờ đờ, nằm bê bết với khăn mặt mát đắp trên trán để hạ sốt thì mới được ăn phở. Khi ấy, miếng phở thơm ngon đưa lên miệng cũng chỉ thấy vị đắng ngắt, ốm mà...

Nhà chúng tôi ở đầu phố Hai Bà Trưng (Hà Nội), trong con ngõ nhỏ đối diện chênh chếch "Phở Tư Lùn" - tiệm phở lừng danh một thời bao cấp. Ông Tư thấp lắm, chắc độ mét bốn lăm, nên ông tự trào đặt tên cho quán phở gia đình ông là phở "Tư Lùn".

Quán có bề ngang độ 1m, hẹp tới mức không thể tin được. Một dãy mặt bàn rộng 20cm, ngả ra từ tường, dài suốt chiều dài căn nhà, trên để ống đũa, lọ tương ớt, ớt tươi ngâm giấm, hạt tiêu.

Thực khách sẽ ngồi trên một ghế đẩu nhỏ xíu, ghế ấy mà nặng độ 80 ký thì khó mà ngồi nổi, may thời ấy đói nên người ta mảnh mai. Thế là hết 60cm. Còn lại độ 40cm là đường đi, khi mà các con ông Tư lách lách nghiêng người vác xô nước dùng từ bên trong mang ra trút vào thùng nước phở ở ngay cửa nhà thì cứ vừa đi vừa hét như còi "nước sôi nước sôi!".

Nếu chỉ có lương cán bộ nhà nước của bố mẹ thì chúng tôi không bao giờ được ăn phở. Những khi bố có món tiền dịch tài liệu Nga - Việt, hay mẹ mới lĩnh tiền tô tranh tết kế hoạch 3 thì cả nhà bốn người chúng tôi sẽ hân hoan kéo nhau sang phở Tư Lùn, mỗi người một bát phở chín, và tuy còn trẻ con nhưng dứt khoát là phải đủ vị nước béo, hành chần, tương ớt, hạt tiêu như người lớn.

Những khi "giáp hạt" - tức là lúc bố mẹ chả còn đồng nào, chúng tôi vẫn bằng lòng với việc mẹ xách cặp lồng sang đường mua một bát phở xin thêm thật nhiều nước dùng, về tới nhà dùng kéo cắt nhỏ thịt ra, đun lại, chan với cơm nguội, vẫn xì xụp vô cùng hào hứng...

Bát phở nhà ông Tư thơm nức mùi nước dùng nấu từ xương bò, quế chi thảo quả, điểm thêm hành khô và gừng nướng kỹ, không cần phải mì chính vẫn ngọt ngào béo ngậy. Thịt bò chín luôn đầy đủ chín nạm, chín gầu, được thái mỏng tang trải một lớp trịnh trọng lên mặt bánh phở mịn màng, bóng bẩy. Hành lá, rau thơm láng, rau mùi, và không thể thiếu dăm đọt hành chần trắng xanh duyên dáng.

Sau này có thêm phở tái. Người bán lấy một gắp thịt bò tái đặt lên thớt, vung con dao phay đập "bét" một cái, dàn mỏng đặt lên mặt bát phở. Nước phở sôi sùng sục chan lên làm thịt tái chín ngay, vị thịt bò tươi đậm đà không thể tả.

Gần như lần nào chúng tôi cũng ăn hết sạch cả bát, húp đến giọt nước dùng cuối cùng, và như bố tôi nói, cầm cái bát không đi rửa vẫn còn bỏng tay.

Đôi khi bố mẹ dắt chúng tôi ra hàng phở mậu dịch ở mặt phố Ngô Quyền. Phở mậu dịch tất nhiên rẻ hơn phở nhà ông Tư, và chất lượng thì kém hẳn. Nước phở không thơm, ngọt, bánh phở cũng to, thô, cứng. Và đặc biệt thịt bò luôn hôi hôi, thái sẵn dày bình bịch. Nhưng hơn hàng phở ông Tư ở chỗ, nếu ai vào gọi bát "phở không người lái" - chỉ có bánh phở và hành thơm mùi, không thịt - cũng có ngay.

Rồi ông Tư mất. Các con ông nối nghiệp ông mở hàng phở ở nhiều nơi trong thành phố. Cửa hàng ở Hai Bà Trưng giờ vẫn còn, rộng hơn xưa rất nhiều, vẫn đông khách, đôi khi khách phải ngồi cả vỉa hè, tuy bây giờ phải cạnh tranh với rất nhiều quán phở khác.

Phở Hà Nội giờ nhiều lắm, nhiều hàng phở ngon, tên gọi cũng rất hay. Phở Vui, phở Sướng, phở Nhớ, phở Mặn, lại còn phở Vuông, phở Bát Đàn, Gầm Cầu... Nhưng ký ức về phở đậm nét nhất với chúng tôi vẫn là hình ảnh ông Tư mặc bộ quần áo nâu, chân đi guốc mộc, vắt cái khăn mặt trên vai, thái thịt nhịp nhàng cạnh nồi nước dùng nghi ngút, tươi cười và đon đả, đón chào những khách hàng trung thành mà dù đi xa Hà Nội đến đâu, nghĩ về món ăn yêu thương gần gũi nhất, "Hà Nội" nhất, luôn là PHỞ!

Nhớ mãi quán phở ông Tư Lùn - Ảnh 2.
18 cá nhân, tập thể nhận giải thưởng tình nguyện quốc gia 2018

TTO - 10 cá nhân và 8 tập thể tiêu biểu nhất vừa vinh dự nhận giải thưởng tình nguyện quốc gia năm 2018, là những cá nhân, tập thể mang đến nhiều điều tốt đẹp cho cộng đồng.

NGUYỄN KIM ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên