19/11/2013 07:05 GMT+7

Nhớ mãi lời khuyên của bộ trưởng

NGUYỄN HỮU NHÂN
NGUYỄN HỮU NHÂN

TT - Năm 1983, tôi được Ty Giáo dục trưng dụng phục vụ chuyến thăm và làm việc của lãnh đạo Bộ Giáo dục với tỉnh nhà. Nhiệm vụ của tôi là chụp ảnh hoạt động của đoàn suốt thời gian ở địa phương.

qkhuHwp4.jpgPhóng to
Tác giả bài viết và Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình tại Sa Đéc, Đồng Tháp năm 1983 - Ảnh: Tác giả cung cấp

Nhờ nhiệm vụ đặc biệt này, tôi được tiếp cận một nhân vật nổi tiếng mà tôi từng ngưỡng mộ từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường. Tôi cũng không nghĩ đến ngày sẽ có sự may mắn đó. Người tôi muốn nhắc đến là nguyên bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình.

Năm đó mùa lũ còn hồi cao điểm. Ngày làm việc đầu tiên bà tiếp xúc với lãnh đạo Đảng và chính quyền địa phương. Tiếp theo, bà đi thăm nhà trẻ, trường mẫu giáo. Ở những nơi này, bà ân cần thăm hỏi và lắng nghe nguyện vọng của giáo viên. Những vấn đề có thể giải quyết ngay để cải thiện đời sống giáo viên, xây dựng cơ sở vật chất cho ngành giáo dục mầm non được bà trao đổi ngay với lãnh đạo một cách thẳng thắn, chân tình. Bà còn đặt vấn đề chuyển biên chế của cô giáo nhà trẻ từ ủy ban bảo vệ bà mẹ trẻ em về cho ngành giáo dục quản lý và thực hiện chế độ cho cô nuôi dạy trẻ như đối với giáo viên.

Không chỉ thăm các trường học ở vùng nội ô, bà còn đến tận vùng lũ ngập sâu huyện Tháp Mười. Tại đây, bà đến các trường bị ngập sâu nhất, vào tận từng lớp mà nước còn cao mấy tấc trong phòng học như một giáo viên đang đứng lớp ở địa phương. Bà cũng bày tỏ sự băn khoăn về trường lớp ở đây, mong muốn có sự đổi thay trong giáo dục để nâng cao dân trí. Cũng ngay những ngày này, bà còn lưu ý ngành giáo dục trong việc phát triển bậc học mẫu giáo và giữ an toàn cho học sinh trong mùa lũ. Cho đến nay, ý kiến đó vẫn còn có giá trị và được địa phương đưa vào đề án phát triển giáo dục mầm non.

Rồi ngày kết thúc chuyến về thăm và làm việc với tỉnh cũng đến. Trước lúc chia tay, bà ân cần chào tạm biệt mọi người. Khi tôi thực hiện các bức ảnh tư liệu xong, bà bước đến nói lời cảm ơn vì sự phục vụ của tôi trong mấy ngày qua. Tôi hết sức vui mừng và mạnh dạn đề nghị:

- Thưa cô, em xin được chụp một tấm ảnh với cô. Cô là người em ngưỡng mộ từ rất lâu.

Nói xong tôi hồi hộp lắng nghe câu trả lời mà lòng tự nghĩ chắc không có cơ hội rồi. Vì nếu bà đồng ý thì cũng chẳng biết ai sẽ chụp cho mình... Không ngờ bà cười vui và nói:

- Được, em lại gần cô.

Không thể nói hết niềm vui của tôi lúc bấy giờ. Tôi bước lại bên bà. Rất nhanh, bà nói với tôi:

- Em điều chỉnh máy đi, cô sẽ nhờ người chụp cho.

Bà bước đến gần một lãnh đạo Ty Giáo dục cười và nói:

- Mấy ngày qua, em đây đã chụp rất nhiều ảnh cho chúng ta. Bây giờ em cũng phải được phục vụ lại chứ. Anh giúp tôi nhé!

Thế là tôi trao lại máy ảnh cho vị này và được chụp chung với bà. Cũng chỉ có một tấm duy nhất. Khi tôi nói lời cảm ơn bà vừa xong, vị lãnh đạo ngành liền giới thiệu với bà rằng tôi tuy thực hiện nhiệm vụ chụp ảnh nhưng nghề nghiệp chính là giáo viên. Gia đình có nhiều người dạy học... Những lúc cần thiết, ngành điều động, tôi đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nghe vậy, nét mặt bà như vui hơn. Bà nắm lấy tay tôi, hỏi tôi tên gì, vào ngành được bao lâu, vì sao biết chụp ảnh, gia đình thế nào... Tôi trả lời tất cả những gì bà hỏi như với một người thân, gần như quên đi bà là một người quá nổi tiếng và đang giữ một chức vụ quan trọng của Nhà nước. Bà gọi tôi là em và xưng cô. Bà hỏi tôi về công việc hiện tại, về mức lương đang hưởng so với giá cả thị trường như thế nào... Tôi cũng thành thật nói lên suy nghĩ của bản thân về điều kiện công tác, về những thuận lợi, khó khăn trong cuộc sống, nhất là đối với giáo viên. Bà lắng nghe rồi nói:

- Cô rất vui khi biết người phục vụ chụp ảnh cho cô và cả đoàn là một giáo viên. Em ngoài việc dạy học còn biết thêm một nghề là rất tốt. Nghề nghiệp đó sẽ giúp em bớt khó khăn trong cuộc sống. Em có thêm thu nhập chính đáng ngoài lương...

Bà nói thêm về mức sống người giáo viên còn khó khăn, Đảng và Nhà nước thấu hiểu và sẽ từng bước cải thiện cho ngành. Riêng tôi bà căn dặn: “Em đã chọn nghề dạy học thì phải cố gắng giữ lấy nghề. Dạy học không giàu nhưng em sẽ có sự thanh thản và nhiều niềm vui từ học trò. Nhớ nghe em”.

Từ ngày bà dặn dò tôi như vậy đến nay đã tròn 30 năm. Thật ra, tôi cũng có lúc dao động khi nhiều bạn bè bỏ ngành chuyển sang nghề khác để có thu nhập cao hơn. Nhớ lời bà, tôi đã vượt qua những gian nan trong cuộc đời. Những lời dặn ấy thật chân tình, nhất là trong giai đoạn khó khăn chung của cả nước, bà vẫn tin tưởng vào sự đổi mới của ngành giáo dục nói chung và của địa phương tôi nói riêng.

Bức ảnh chụp chung với bà đã theo tôi suốt những năm tháng dạy học. Nhiều học sinh của tôi tự hào vì Sa Đéc là nơi chôn nhau cắt rốn của bộ trưởng Bộ Giáo dục đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất: Nguyễn Thị Bình mà khi về thăm quê, bà vẫn nhắc tên chính của bà là Nguyễn Thị Châu Sa.

NGUYỄN HỮU NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên