Trẻ tiểu học lên mạng tìm hình con gái khỏa thân vì nghe bạn giới thiệu là “xem vui lắm”… Những trường hợp này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi vì sao con trẻ không dám chia sẻ với cha mẹ chuyện giới tính.
Thậm chí, vì tò mò, nhiều em còn tự tìm những thông tin sai lệch, những cách tiếp cận không phù hợp trên internet hoặc nghe đồn thổi từ bạn bè.
Dạy giới tính kiểu “tránh né”
Chị Hồng Hoa (Q.9, TP.HCM) cho biết: “Nhiều cha mẹ nghe con hỏi về chuyện giới tính là gạt ngang rồi lảng sang chuyện khác. Dù mình không cực đoan như vậy nhưng mỗi khi con mình hỏi này nọ về chuyện này thì mình và chồng đều cảm thấy bối rối và không biết phải trả lời thế nào”.
Trong khi đó, bạn Tuấn Anh (ĐH Y dược TP.HCM) thắc mắc: “Giáo dục giới tính dường như chưa được xem trọng tại nước ta. Chẳng hạn như chương trình học phổ thông có rất ít nội dung đề cập đến vấn đề này. Theo em nhớ thì mỗi cấp học chỉ có một hai bài nhắc đến. Tới lớp 8 tụi em mới được học về bộ phận sinh dục nam nữ trong khi từ lớp 6 thậm chí là sớm hơn, nhiều bạn đã dậy thì”.
Nhiều bạn đọc cho rằng có rất nhiều sách, truyện, phim ảnh dạy con trẻ đạo đức, lối sống nhưng muốn tìm một tài liệu nào đó để dạy trẻ về giới tính thì thật sự rất khó. Môt số gia đình khi thấy con mình cầm sách đọc về những vấn đề này lại la mắng khiến trẻ sợ sệt.
“Vẽ đường cho hươu chạy đúng”!
TS tâm lý Bùi Hồng Quân (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) ví von việc giáo dục giới tính cho trẻ như “vẽ đường cho hươu chạy”. Nhưng “thà vẽ đường để hươu chạy đúng hướng còn hơn là không vẽ. Vì dù có vẽ hay không thì con hươu vẫn chạy”.
Ông Quân lý giải, trẻ em tính rất tò mò, nếu không được cha mẹ, nhà trường cung cấp những những kiến thức giới tính đáp ứng sự tò mò đó thì bằng cách này hoặc cách khác các em sẽ tự tìm hiểu dẫn đến hiểu sai, hiểu lệch.
“Bên cạnh việc giáo dục kiến thức, kỹ năng cho trẻ thì giáo dục giới tính cũng rất quan trọng, góp phần giúp trẻ hoàn thiện về nhân cách và hành vi ứng xử. Nếu như cứ nghĩ là trẻ nhỏ và cấm đoán thì hậu quả là trẻ lớn lên sẽ không biết cách cư xử phù hợp với những vấn đề liên quan đến giới tính, tình dục”, ông Quân nói.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội - cho rằng việc giáo dục giới tính không chỉ giúp trẻ tự bảo vệ mình khỏi bị xâm hại tình dục mà còn giúp trẻ phát triển nhân cách hài hòa. Tuy nhiên, hiện nay, giáo dục giới tính vẫn chưa được quan tâm và thực hiện bài bản do nhiều rào cản về văn hóa, sự hiểu nhầm, hiểu sai nên phương pháp giáo dục có nơi thái quá, có nơi e dè dẫn đến hiệu quả chưa cao.
Ông Lâm cho hay: “Ngăn cấm không bao giờ là tốt nhất là trong thời đại mạng xã hội, công nghệ phát triển. Nếu ta cứ úp úp mở mở thì trẻ cũng tự tìm hiểu. Hiểu đúng thì không sao, hiểu sai thì cực kỳ nguy hiểm”.
Dạy càng sớm càng tốt
Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ cho biết, nhiều gia đình đang nhầm tưởng giữa giáo dục giới tính và cung cấp kiến thức tình dục. Do đó, nhiều phụ huynh cứ nghĩ con trẻ không quan tâm hoặc còn quá sớm để nói những chuyện về giới tính.
Tuy vậy, họ không biết rằng, sự ngại ngần này vô tình tạo nên rào cản khiến đứa trẻ khó thậm chí là sợ chia sẻ những chuyện liên quan đến giới tính.
Theo bà Huệ, kiến thức về giới tính phải được học càng sớm càng tốt, ngay khi trẻ có nhận thức và có sự quan tâm, tò mò với thế giới xung quanh. Đến một giai đoạn phù hợp thì cha mẹ có thể chia sẻ với con về kiến thức tình dục.
Sự quan tâm của mỗi đứa trẻ về giới tính ở mỗi lứa tuổi là khác nhau. Trong những trẻ cùng tuổi lại có những trẻ không quan tâm, có những trẻ rất tò mò. Phụ huynh cần xác định chuyện giáo dục giới tính quan trọng như chuyện dạy con ăn, dạy con mặc thường ngày. Có như vậy thì trẻ mới có những kiến thức khoa học về giới tính, kiến thức an toàn trong tình dục, nhận biết được những nguy hiểm, phân tích tình huống để đưa ra những quyết định an toàn cho mình
TS Bùi Hồng Quân nhận định, phụ huynh cần phải thay đổi mạnh mẽ, xem giáo dục giới tính cho trẻ là trách nhiệm của mình thay vì đổ lỗi cho nhà trường, xã hội. Chính cha mẹ phải biết tìm hiểu các kiến thức này để có cách chia sẻ phù hợp với con cái.
Chuyên gia Minh Huệ cho rằng, nếu đơn giản hóa, hài hước hóa, dí dỏm hóa những kiến thức về giới tính thì trẻ sẽ dễ dàng tiếp nhận và hiểu rằng đây là một vấn đề quan trọng nhưng không quá nghiêm trọng.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, giáo dục giới tính là một khoa học và đã được các nhà tâm lý học, giáo dục học trên thế giới nghiên cứu từ rất lâu. Mỗi quốc gia đều có một chương trình áp dụng riêng cho từng cấp học. Các giáo viên dạy về giới tính phải được huấn luyện để hiểu tâm sinh lý trẻ và có cách chuyển tải nội dung phù hợp.
Nhiều quốc gia giáo dục giới tính bắt buộc Theo các chuyên gia, khác với VN, tại các nước có nền giáo dục phát triển, việc giáo dục kiến thức giới tính cho trẻ được phụ huynh rất quan tâm. Ở trường học, các kiến thức này cũng được chú trọng không thua kém những kiến thức khoa học, đạo đức. Tại một số nước như Anh, Nhật Bản, giáo dục giới tính là bắt buộc. Hình thức giáo dục giới tính cũng rất đa dạng từ việc dùng tranh ảnh sinh động đến các video mô tả bộ phận cơ thể, những tình huống có thể bị xâm hại tình dục thậm chí là những mô hình cơ thể người để các bé tìm hiểu. Trong khi đó, tại VN, những sách, tranh ảnh giáo dục về giới tính vẫn còn rất hạn chế và nếu có cũng chỉ dừng lại ở việc thể hiện chung chung, tránh né. |
Mời bạn đọc nghe các phát biểu:
>> TS Nguyễn Tùng Lâm
>> TS Bùi Hồng Quân
>> Chuyên gia tâm lý Minh Huệ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận