05/08/2014 07:36 GMT+7

Nhớ lời ông Trần Trọng Tân: Báo chí phải chân thực, chính xác

NGUYỄN TRỌNG XUẤT
NGUYỄN TRỌNG XUẤT

TT - Đầu năm 2014, anh Vũ Hạnh và tôi đến thăm anh ở Bệnh viện Thống Nhất. Anh đã yếu nhiều nhưng tiếp chúng tôi trên giường bệnh vẫn với nụ cười lạc quan của người cán bộ tuyên huấn năm nào, cùng chúng tôi đấu tranh trong lòng địch...

2XVu6tHJ.jpgPhóng to
Ông Trần Trọng Tân trong một lần trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ vào năm 2010 - Ảnh: Minh Đức

Những năm chuẩn bị cho trận tập kích chiến lược Tết Mậu Thân 1968, anh Võ Văn Kiệt chủ trương: cách mạng phải đứng chân ngay trong sào huyệt đối thủ để tác chiến.

Khu ủy phân công bộ phận phụ trách tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn - Gia Định lúc đó gồm các đồng chí Trần Bạch Đằng, Trần Trọng Tân, Nguyễn Trọng Xuất, Nguyễn Văn Tương (Mười Ngà), Phạm Thị Đào (Hai Hà), Nghiêm Khả Minh (Bến Nghé)...

Anh Trần Trọng Tân phụ trách phân ban nội đô. Lực lượng cơ sở nội thành của cánh tuyên huấn lúc đó gồm nhiều bộ phận, trong đó có cả một hệ thống vũ trang tuyên truyền với quân số khá đông.

Bộ phận này từng phá kềm, xây dựng các lõm chính trị ở một số khu xóm đông đảo công nhân lao động, thường gọi là “căn cứ nhân tâm”, như ở ngã tư Bảy Hiền, Gò Vấp, quận 4, Bình Thới... Bộ phận vũ trang tuyên truyền được anh quan tâm chỉ đạo, do các đồng chí Phạm Thị Đào, Tư Bốn, Hoàng Thị Khánh... trực tiếp tổ chức thực hiện.

Cuộc vũ trang tuyên truyền táo bạo ở ngay trung tâm chợ Bến Thành đúng vào dịp Nguyễn Văn Thiệu đi thăm chợ, hay cuộc tiêu diệt mật thám ngay ở ngã tư Bảy Hiền năm 1968 chỉ với ba đồng chí nữ... đã gây xôn xao dư luận Sài Gòn lúc bấy giờ.

Tờ báo Cờ Giải Phóng, tiếng nói của nhân dân Sài Gòn - Gia Định, anh phân công đồng chí Nghiêm Khả Minh và tôi phụ trách.

Dưới sự chỉ đạo của anh Trần Trọng Tân, cánh tuyên huấn chúng tôi đã góp phần quan trọng vào công tác cách mạng trong lòng đô thị Sài Gòn vào những năm từ 1965 đến 1969...

Từ sự chỉ đạo của Khu ủy mà đứng đầu là các đồng chí Võ Văn Kiệt, Trần Bạch Đàng, Trần Trọng Tân, tờ báo cách mạng Cờ Giải Phóng đã vượt mọi khó khăn, chuyển từ vùng giải phóng Củ Chi vào đứng chân ngay trong lòng địch, nhờ đó các bài viết phản ánh sát tình hình quần chúng công nhân lao động hơn.

Kỷ niệm sâu sắc của tôi với anh Trần Trọng Tân trong Tết Mậu Thân là về một kỳ báo Cờ Giải Phóng xuất bản tại Sài Gòn trong thời gian trận “tập kích chiến lược Mậu Thân” đang diễn ra ác liệt.

Câu chuyện như sau: Hôm đó, sau khi giao bài cho anh Tư Cao để in, tôi nhận lại báo và chuyển cho cơ sở để phân phối. Vì quá gấp, tôi đã không kiểm tra lại bản vỗ. Khi tôi đưa anh Tân bản đầu tiên, anh lật ra xem ngay. Lát sau anh quay sang hỏi tôi:

- Đồng chí đã đọc chưa?

- Thưa anh chưa. Vì gấp quá nên lần này tôi để anh em tự làm. Tôi chưa kịp xem lại.

- Không nên như thế. Báo chí sở dĩ thuyết phục được quần chúng là ở tính chân thực và chính xác. Kỳ báo này quá nhiều lỗi về nội dung và hình thức. Không thể phát hành được.

Tôi rất ân hận về lỗi của mình. Nhưng anh thì nói rất từ tốn, nhẹ nhàng. Và chính cái từ tốn, nhẹ nhàng ấy lại càng làm tôi thấm thía bài học về làm báo cách mạng: phải chân thực và chính xác, vì thực chất đó là công tác vận động quần chúng làm cách mạng.

Tháng 5-1968, vào đợt 2 Mậu Thân, tôi hoạt động bị lộ. Khi phát hiện địch theo dõi, tôi nhờ liên lạc báo cáo ngay với anh để xin chủ trương. Anh quyết đoán ngay: phải tìm cách thoát khỏi theo dõi của địch.

Nhờ quyết đoán ấy của anh mà tôi không bị bắt. Nhưng đến lượt anh thì anh không thoát được. Và anh phải chịu tù ở Côn Đảo hơn sáu năm. Khi tôi đón anh từ Côn Đảo về, anh tươi cười nói đùa: Với tôi, thật là “chuyện người thì sáng, chuyện mình thì tối”!

Sau giải phóng, ở Đại hội Đảng lần thứ VI, anh được bầu vào Ban Chấp hành trung ương, cùng với đồng chí Nguyễn Văn Linh thực hiện đường lối đổi mới của Đảng.

Gặp anh tại đại hội năm 1986, tôi nhớ mãi câu nói của anh về sự nghiệp đổi mới của Đảng: “Tinh thần dân chủ đang trở thành sức mạnh thúc đẩy Đổi mới” (sách: Góp phần đổi mới công tác lý luận - tư tưởng của Trần Trọng Tân, NXB CTQG, Hà Nội, 1995, trang 11).

Hôm nay đau buồn vĩnh biệt anh! Nhưng kỷ niệm về anh sống mãi trong chúng tôi, những người nặng lòng với sự nghiệp tư tưởng - văn hóa của đất nước.

ITp9GDZz.jpgPhóng to
Ông Trần Trọng Tân, nguyên phó bí thư Thành ủy TP.HCM, nguyên trưởng Ban Tư tưởng văn hóa trung ương, từ trần lúc 7g30 ngày 4-8-2014 (nhằm mồng 9 tháng 7 năm Giáp Ngọ), hưởng thọ 88 tuổi.

Ông Trần Trọng Tân (tên thật là Trần Trọng Hoãn) quê quán tại xã Tân Mỹ, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Ông tham gia cách mạng từ năm 10 tuổi.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, ông từng giữ các chức vụ: bí thư Tỉnh ủy Đảng bộ Quảng Trị; bí thư Đảng ủy đoàn chuyên gia tại Campuchia; ủy viên Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản VN khóa VI, VII; trưởng Ban Tư tưởng văn hóa trung ương; đại biểu Quốc hội khóa VIII; phó bí thư Thành ủy TP.HCM; trưởng Ban tư tưởng văn hóa Thành ủy TP.HCM.

Ông được nhận Huân chương Độc lập hạng 1, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng 2, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng 1, Huân chương Lao động hạng 1 của Nhà nước Cộng hòa nhân dân Campuchia, Huy chương vì sự nghiệp tư tưởng văn hóa, huy hiệu 65 năm tuổi Đảng...

Tang lễ được tổ chức tại nhà tang lễ thành phố, số 25 Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM.

Lễ viếng bắt đầu lúc 11g ngày 5-8-2014 (mồng 10 tháng 7 năm Giáp Ngọ).

Lễ truy điệu lúc 6g ngày 7-8-2014 (12 tháng 7 năm Giáp Ngọ).

Lễ động quan lúc 6g30 ngày 7-8-2014 (12 tháng 7 năm Giáp Ngọ). An táng tại nghĩa trang thành phố, quận Thủ Đức, TP.HCM.

NGUYỄN TRỌNG XUẤT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên