29/11/2024 13:30 GMT+7

Nhờ like giúp cháu thi hùng biện tiếng Anh, hóa ra lừa đảo

Tôi nhận được tin nhắn: "Cả nhà, có đứa cháu đang thi hùng biện tiếng Anh, nhờ mọi người có Zalo vô like giúp nhé". Hóa ra đó là trò lừa đảo.

'Có đứa cháu đang thi hùng biện tiếng Anh, nhờ vô like giúp': Hiện nguyên hình là... lừa đảo - Ảnh 1.

Tin nhắn rác quảng cáo dịch vụ cờ bạc vẫn được gửi đến người dùng - Ảnh: ĐỨC THIỆN

Như Tuổi Trẻ Online thông tin, với nhiều kịch bản vô cùng tinh vi, thời gian qua kẻ gian đã mạo danh rất nhiều người để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thậm chí mạo danh một cuộc thi nào đó đang được quan tâm để nhờ mọi người bình chọn rồi hack tài khoản.

Chia sẻ dưới đây của bạn đọc Thu Hiền góp thêm góc nhìn xung quanh chuyện này.

Giả y chang giọng nói

Tôi nhận được tin nhắn từ em họ trên Facebook: "Cả nhà, có đứa cháu đang thi hùng biện tiếng Anh, nhờ mọi người có Zalo vô like giúp nhé!". Rồi em ấy gửi cho tôi trang Zalo hùng biện tiếng Anh 2024...

Nhấp vào trang này thì xuất hiện dòng đánh số mã được cung cấp trên trang Zalo của tôi.

Trong quá trình thao tác bị lỗi, em họ bảo nhắn tin cho nó ba người quen trên Zalo để nó khôi phục.

Tôi nghi ngờ chưa làm theo thì em họ gọi video call nói đang ở nhà, hôm nay nghỉ làm, không cho thấy hình, chỉ nghe giọng nói. Và giọng nói y hệt em họ. 

May thay, trong lúc hoang mang, tôi đọc bài post trên tường của em họ rằng Facebook bị hack, mọi người cẩn thận kẻo bị lừa.

Thấy nghi nghi, tôi gọi lại bằng Facebook thì người này nghe máy, giọng y hệt bảo là em đây, chỉ là vào like giúp cháu em, chứ có lừa tiền chị đâu mà giả dạng này kia.

Tôi gọi cho chị gái của em họ thì được biết em họ nói điện thoại bị đơ, lỗi nhưng không để ý. Khi điện thoại khôi phục thì nhận được nhiều điện thoại, tin nhắn của người quen hỏi về việc mượn vay tiền em mới vỡ lẽ kiểm tra lại điện thoại và sốc.

Hỏi vay mượn tiền, bẻ khóa ngân hàng

Công nghệ deepfake hiện rất tinh vi và ngày càng phát triển, có thể giả y hệt giọng, nhái được cả mắt miệng và khuôn mặt (full face deepfake). Ngay cả người thân sống chung một nhà nhiều khi còn không nhận ra.

Nhiều trường hợp đã bị lừa tương tự và đều là cho họ hàng người thân vay tiền với giá trị lớn. Vì thế mọi người cần bình tĩnh, không được bất cẩn, cho vay mượn tiền hay bất cứ mục đích gì. Gặp mặt rồi mới đưa tiền, không đưa dù là video call hay nghe giọng chính chủ.

Trường hợp bất khả kháng như tai nạn không tránh được, hãy giới hạn số tiền được chuyển, đặt ra các câu hỏi kiểm chứng mà đảm bảo chỉ có mình và chính chủ trả lời được. Chính chủ có khóc lóc, van xin, cầu cứu gây áp lực, nhất quyết yêu cầu đợi và gọi cho càng nhiều người liên quan để xác minh càng tốt, nhất định không được mất tinh thần.

Trước đây nghe mọi người kể chuyện rất nhiều kiểu lừa đảo qua mạng khác nhau, tiền trăm triệu và tiền tỉ, tôi từng nghĩ sao họ lại hành động thiếu cẩn trọng như thế, tôi mà vào trường hợp vậy sẽ tỉnh táo hơn nhiều. Nhưng khi gặp chuyện mới biết có đủ kiểu lừa.

Đứng từ góc nhìn của người ngoài cuộc, nghe xong quên liền nên khi rơi vào trường hợp tương tự, bị những kẻ lừa đảo dùng đòn tâm lý mới thấy hoang mang cực độ. Vì thế tôi chia sẻ kinh nghiệm của mình, mong nhiều người tránh bị lừa tiền trong phút chốc. Tiền mất, tâm lý và sức khỏe bị ảnh hưởng trầm trọng.

Mọi người nên nhắc nhở gia đình, ba mẹ, người quen biết cách xử lý những tình huống khi gặp bọn lừa đảo qua mạng.

Liên quan chiêu lừa mời gọi bình chọn cuộc thi, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân nên thận trọng trước những bài đăng hoặc những thông tin không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội.

Người dân cần thực hiện kiểm tra tính xác thực của thông tin. Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn, không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho các đối tượng lạ.

Không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm dưới bất kỳ hình thức nào. Không truy cập vào các đường dẫn lạ.

Tuyệt đối không chia sẻ số tài khoản ngân hàng, mã OTP, mật khẩu, hoặc bất kỳ thông tin nhạy cảm nào.

Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.

'Có đứa cháu đang thi hùng biện tiếng Anh, nhờ vô like giúp': Hiện nguyên hình là... lừa đảo - Ảnh 2.Mỗi ngày nhận 5-7 cuộc gọi hỏi xem nhà có bán, cho thuê không, quá phiền toái

Nhiều khi đang bận việc mà cứ phải vội vàng nhấc máy nghe vì không biết ai đang gọi, để rồi sau tiếng 'Alo, chào anh/chị…' là sự bực mình, khó chịu vì quá nhiều cuộc gọi làm phiền.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên