Một số bậc phu huynh đọc báo để giết thời gian - Ảnh: VIỆT CHUNG
Chuyện cách nay gần 20 năm rồi, nhưng tôi vẫn nhớ như in những ngày đưa con đi thi vào Đại học Bách khoa TP.HCM.
Với một loạt thành tích: Thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THCS huyện Cần Đước (Long An); được tuyển thẳng vào lớp 10 trường THPT Rạch Kiến (Cần Đước); học sinh giỏi toán cấp tỉnh( Long An); tốt nghiệp loại giỏi kỳ thi THPT năm 17 tuổi... vì vậy tôi an tâm và tràn đầy hy vọng khi chọn cho con mình thi vào trường Đại học Bách khoa TP.HCM.
Trước khi 2 cha con khăn gói từ huyện Cần Đước lên tạm nhà người quen ở quận 6, TP.HCM, vợ tôi động viên: "Đi thi lần này con mình đậu đại học là cái chắc".
Chưa kịp hỏi vì sao thì vợ tôi cười nịnh: "Nó thừa hưởng cái gen thông minh của anh mà, phải hôn?".
Sáng ngày đầu tiên thi môn toán với thời lượng 180 phút. Tôi nghĩ rằng với thành tích học tập như trên, chỉ cần 120 phút thôi con tôi cũng đủ để hoàn thành bài thi rồi.
Tôi chọn một góc quán cà phê bên lề đường Nguyễn Chí Thanh, nơi có trường tiểu học Phạm Văn Hai, là một trong nhiều điểm thi của trường Đại học Bách khoa TP.HCM.
Ngồi đợi con gần 120 phút, lòng tôi ngổn ngang vui buồn lẫn lo âu. Ngộ lỡ con làm bài không được thì làm sao? Còn nếu đậu rồi thì ăn đâu, ở đâu, tiền chi phí ăn học trong 4 năm tới, lấy đâu ra một khoảng tiền không nhỏ này? Cứ nghĩ tới là lòng tôi như trăm mối tơ vò.
Lác đác thí sinh ra cổng. Có những khuôn mặt cười vui hí hửng, cũng có đứa lầm lũi bước đi buồn xo.
Tôi bắt đầu lo sợ điều không ổn xảy ra cho con. Nỗi lo ấy kéo dài hơn 180 phút khi con tôi bước ra cổng với gương mặt nhăn nhó. Tôi an ủi con với những lời động viên có cánh để con lên tinh thần.
Buồi chiều thi với môn Lý, tôi cũng chọn cho mình một góc cà phê kín đáo như hôm qua vì nghĩ mình chắc phải dài hơi chờ đợi.
Nhưng không, có tiếng gọi " ba" ở phía sau lưng khi chưa đầy 120 phút: "Con làm được 100% rồi ba".
Đó là câu nói mà tới bây giờ, sau 20 năm tôi còn cảm nhận được cái niềm vui buổi thi thứ hai nó lớn như thế nào. Vui đến ông chủ quán phải gọi với theo hai cha con tôi: "Anh ơi, anh quên trả tiền cà phê!".
Buổi sáng ngày thứ hai, ngày thi cuối cùng, môn Hoá, nỗi buồn lại đến với hai cha con tôi không khác chi ngày thi thứ nhất.
Đúng một tháng sau đó, lần thứ hai trở lại Đại học Bách khoa TP.HCM. Niềm vui quá lớn làm cho hai cha con tôi quên cái lạnh trong mưa, đi suốt một mạch từ TP.HCM về tới nhà.
Con tôi chạy vội vào nhà, còn tôi thì gần la lớn: "Em ơi, con mình đậu vô Đại học Bách khoa rồi!".
Không nhớ tôi cảm hứng bài thơ năm nào, xin ghi lại sau đây:
Sáng nay trời trở lạnh
Chợt nhớ sáng mưa mùa
Tháng bảy con vào thi
Đại học, ba thi cùng
Phòng thi đông, vắng ngắt
Con cắn bút đôi lần
Ba mồ hôi rịn trán
Cà phê cạn mấy tuần
Thi cùng con từng buổi
Từng giờ từng bài thi
Lúc vui trên môi ba
Thoạt buồn qua mắt con
Rồi mùa mưa tháng tám
Thành phố ba cùng con
Tung tăng trong mưa ấm
Không thấy xa đường về.
Bâng khuâng ngùi nhớ lại
Những tháng ngày chông gai
Ba dìu con từng bước
Sáng nẻo đường tương lai.
Mời bạn tham gia viết bài 'Những ký ức đẹp'
Điều gì đã đọng lại trong bạn để trở thành ký ức không thể quên? Gợi nhớ ký ức không phải là khơi lại đống tro tàn. Ký ức đôi khi là hành trang, là chiêm nghiệm... để ta bước tiếp với đôi chân vững chãi. Có những ký ức rất đẹp, cũng có những ký ức khi hồi tưởng lại, ít nhiều trong chúng ta vẫn còn cảm thấy "nợ" người trong cuộc.
Nhằm ghi lại những câu chuyện của chính bạn hoặc của người khác nhưng gây nhiều xúc động trong bạn, Tuổi Trẻ Online kính mời bạn viết bài với chủ đề 'Những ký ức đẹp' cho chuyên mục Bạn đọc làm báo.
Bài viết không giới hạn về thể loại bao gồm: văn xuôi, văn vần, thơ, vè... dài tối đa 1.200 từ (có thể kèm clip, hình ảnh). Những bài viết khi đăng sẽ được trả nhuận bút.
Mọi thư từ, bài viết xin vui lòng gửi về: [email protected] hoặc [email protected]. Thông tin bạn đọc, tài khoản... xin ghi rõ dưới bài viết. Chân thành cảm ơn!
TUỔI TRẺ ONLINE
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận