Đồ nghề không tới 2 triệu đồng của người hàn nhựa - Ảnh: QUỐC MINH
Các bạn không tin sự thật có một thời như thế, cái thời bao cấp sau chiến tranh, miếng cơm, manh áo còn thiếu thốn thì đôi dép nhựa cũng rất quý.
Cái đế mòn vẹt vẫn cố mang, cái quai bị đứt thì ra ông thợ chuyên hàn đồ nhựa hay ngồi ở các vỉa hè, góc chợ. Và không chỉ hàn dép, họ còn khéo tay hàn vá luôn cả thau nhựa, bửng xe bị bể.
Dép nhựa - "đôi bạn nhỏ" thời nghèo khó
Sau năm 1975, nhà tôi ở bên ngã tư Bảy Hiền, nơi được xem cửa ngõ nhà quê lên phố. Mẹ tôi đổi nghề, chạy "chợ trời", buôn bán lặt vặt kiếm sống ở vỉa hè. Nói đói thì không đến nỗi, nhưng thời kỳ đó cái gì cũng quý, mua được cái quạt điện Liên Xô bằng nhựa nhỏ xíu cả xóm cũng trầm trồ nhìn ngó.
Bây giờ đồ nhựa bị nâng lên đặt xuống vì làm ô nhiễm môi trường và người ta đắn đo sức khỏe, chứ bận đó ai mua được hàng nhựa để sử dụng thay đồ tre, trúc lại được xem là "sạch sẽ, sang trọng", từ cái thau, cái rổ, đến móc áo, lồng bàn...
Cũng như hầu hết đứa trẻ khác, anh em tụi tôi lớn lên gắn liền những đôi dép nhựa. Loại dép mà ngoài Bắc hay gọi "dép tổ ong", còn ở Sài Gòn chúng tôi chỉ quen gọi nó là dép nhựa nhìn sạch sẽ, dẻo dai và được làm bằng nhựa trắng dễ hàn lại nếu bị đứt. Năm 1977, nhà tôi đi "kinh tế mới" về miệt bưng biền biên giới Long An.
Đôi dép nhựa theo chúng tôi như "đôi bạn nhỏ thân thương", mang dấu tích của dân thành phố. Bởi dân quê thuở khó khăn đó đa phần đều quen đi chân trần với đôi bàn chân chai sần, nứt nẻ, họ chỉ xỏ dép khi rửa chân đi ngủ hoặc dự giỗ chạp, cưới xin.
Những năm cuối thập niên 1970 sang đầu thập niên 1980, đôi dép nhựa đối với chúng tôi quý giá lắm. Ở miệt bưng biền, mưu sinh với cây lúa, con cá, đám nhỏ chỉ được mang dép khi đi học và để rửa chân trước khi lên giường ngủ.
Thời gian còn lại chỉ có đôi chân ban ban (đi) trên bờ ruộng, đồng bưng. Dù ít mang và giữ gìn rất kỹ, nhưng dép nào không đến lúc phải hư. Những đôi dép nhựa mang lâu ngày hay bị đứt quai, và ở quê thì tôi chỉ có cách duy nhất là kiếm cọng kẽm nhọn xỏ xuyên qua nhựa để cột giằng lại phần quai bị đứt mà mang tiếp.
Đầu xoắn kẽm được đưa ra ngoài quai dép hoặc quặp xuống dưới đế để khỏi bị cứa vào bàn chân. Một lần chơi đùa, tôi đã vô tình để đầu kẽm đó cứa vào chân bạn khiến máu chảy ròng ròng.
Khi mẹ tôi quay về Sài Gòn, chạy "chợ trời" mưu sinh, anh em tụi tôi vẫn ở lại đồng bưng với ông bà nội để học tiếp phổ thông. Mùa hè, tôi được lên thành phố với mẹ, và đó cũng là dịp để hàn vá lại những đôi dép nhựa quý giá bị đứt quai phải cột dây mang tạm.
Nhà tôi ở gần ngã tư Bảy Hiền, quận Tân Bình, có thể dễ dàng tìm những ông thợ chuyên hàn dép nhựa ở các khu chợ Ông Tạ, Tân Bình, Bà Quẹo, thậm chí họ ngồi ngay ở vỉa hè các con đường.
Bây giờ anh Bảy chủ yếu hàn đồ nhựa xe máy, ôtô, nhưng thi thoảng vẫn hàn dép giúp cho ai cần - Ảnh: QUỐC MINH
Bóng thợ hàn dép năm nào đã vắng
Ngày đó, tôi mới là cậu bé học sinh cấp II, đã biết xin mẹ vài đồng cắc để đi tìm các ông thợ hàn dép này. Tôi vẫn nhớ tìm họ rất dễ, ngay từ xa đã biết họ ngồi làm chỗ nào vì cái mùi hàn nhựa nồng nồng, khen khét không thể lẫn vào đâu.
Tôi thì hay đi ra chợ Tân Bình trên đường Lý Thường Kiệt để tranh thủ "một công hai chuyện": hàn vá dép và dạo chợ ngắm các sạp bán xe đạp, đồng hồ điện tử, máy cassette xanh xanh, đỏ đỏ.
Tôi vẫn nhớ ông thợ hàn nhựa tên Năm gầy gò, đen thui với gương mặt khắc khổ, ngồi ở góc đường bên hông chợ. Nhìn ông có vẻ cơ cực, nhưng thật ra hồi đó ông có nhiều việc và hình như dễ kiếm tiền hơn so với không ít nghề khác.
Đồ nghề của ông chỉ là cái bàn gỗ nhỏ bé, cũ kỹ, nứt nẻ. Ngoài hàn điện, ông còn có cả cái bếp than để nung nóng đầu sắt hàn khi bị cúp điện, cái thuở Sài Gòn bị cúp điện mấy ngày mỗi tuần không có gì là lạ.
Với chiếc dép bị đứt một bên quai, ông hàn rất nhanh, chỉ chừng 5-10 phút nhưng tôi thường phải chờ đến lượt mình. Tôi tò mò nhìn ông cắt miếng nhựa nhỏ xíu gá vào chỗ đứt ở quai dép rồi hàn dính lại một cách khéo léo. Mũi hàn gí vào nhựa, khói bốc lên, mùi khét lẹt nồng nặc. Hình như cái thời đỏ mắt tìm miếng ăn, chẳng mấy ai nghĩ tới chuyện độc hại.
Không hàn dép ở chợ Tân Bình, tôi cũng hay tìm người ở gần khu Bà Quẹo. Tôi nhớ cha con ông thợ với thùng đồ nghề ngồi ngay vỉa hè bên đường Cách Mạng Tháng Tám. Gương mặt họ cũng gầy gò, sạm đen như ông thợ ở khu chợ Tân Bình, nhưng không hiểu do nắng, bụi đường sá hay vì hơi nóng hàn nhựa.
Tôi không nhớ rõ tiền công hàn dép nhựa hồi đó, nhưng chừng chỉ bằng khoản tiền mua nửa ổ bánh mì thịt. Cái thời khó khăn, bánh mì còn được cắt đôi, bán nửa ổ. Đó là dép bị đứt một góc bên quai, còn đứt hết cả quai thì tiền công nhiều hơn.
Hồi đó, tôi cũng có vài lần hàn vá dép nhựa ở chợ gần khu chung cư Ngô Gia Tự, quận 10. Khu này có cả những người ngồi sửa đầu bi, bơm mực viết bic và châm gas hộp quẹt. Đất nước dần phát triển, một số người hàn dép nhựa đã "nâng cấp" lên hàn bửng xe máy, đồ nhựa xe hơi.
Còn những người bơm mực viết bic, châm gas hộp quẹt hình như vắng bóng hoàn toàn. Một nghề trong những nghề lặng lẽ biến mất khi không còn khách hàng có nhu cầu theo dòng chảy thời cuộc.
Sau này, nhà tôi chuyển đi vài nơi. Một thời gian ở quận 4, rồi sang Bình Tân, tôi cũng hay để ý coi người hàn dép nhựa còn không, đặc biệt là ở "cái lò" hàn đồ nhựa trên đường Nguyễn Chí Thanh.
"Không còn mấy kẻ chịu hàn dép nhựa nữa đâu, giờ hư chút là người ta vất để mua đôi mới liền. Những người thợ năm xưa phần qua đời vì tuổi tác, phần già cả hết làm nổi, lứa cầm hàn thì chuyển qua làm đồ nhựa xe máy, xe hơi. Nhưng thợ hàn nhựa cũng không còn nhiều, cả quận Bình Tân chỉ còn đếm trên đầu ngón tay" - anh Lê Văn Bảy, biệt danh Bảy "hàn mủ", nhiều năm làm nghề này trên đường Đặng Nguyên Cẩn, quận 6, tâm sự.
Bảy kể anh vào nghề hàn nhựa đã hơn 15 năm, học với người thầy gốc Hoa ở đường Nguyễn Chí Thanh. Thời của anh không còn hàn dép nhựa nữa, nhưng lứa thầy của mình thì từng làm nhiều năm.
Ông thầy nói cái nghề hàn nhựa học đơn giản, chỉ một vài tháng là tự làm được, nhưng khó nhất là sự kiên nhẫn. Ngồi còng lưng gá gá, hàn hàn đôi dép nhựa bị đứt quai, cái thau bị bể không phải ai cũng đủ kiên nhẫn, nhất là phải "chịu trận" trực tiếp khói và mùi nhựa cháy khét lẹt để kiếm bạc lẻ.
Cùng làm bên cạnh tiệm sửa xe, Bảy kể hiện nay 80% khách hàng của mình là các thợ sửa xe quen biết đem đồ đến cho anh hàn vá trước khi sơn lại. Có cái anh chỉ được công 10.000 đồng, nhưng có khi được 200.000 - 300.000 đồng như hàn vá cả bộ đồ nhựa chiếc xe SH cũ tân trang lại.
"Họa hoằn cũng có vài ông bà già đi ngang hỏi tui có hàn quai dép nhựa bị đứt không? Vừa hỏi, họ vừa cười như sợ quê. Tui nói cần thì tui hàn giùm thôi, hông công cán gì" - Bảy "hàn mủ" cười kể và cho biết anh 43 tuổi, cũng từng một thời cầm đôi dép nhựa bị đứt quai đến tìm ông thợ hàn vá bên đường...
Hàn dép dạo
Những năm sau 1975, ngoài các thợ hàn dép nhựa ngồi vỉa hè, góc chợ, nhiều người còn đạp xe đi rao "Ai hàn dép, hàn thau bể không?". Tiếng rao khàn khàn, văng vẳng khắp phố xá, đường quê, vậy mà nhiều người cần họ trong thời buổi khó khăn. Có thợ hàn dép dạo "trúng mánh" vừa được người gọi hàn dép, lại thêm hàng xóm nhìn thấy nên đưa dép, thau bể của mình tới sửa. Họ ngồi một chỗ làm cả ngày không hết.
--------------------
"Có chiếc quần, chiếc áo cũ rách nhưng người ta vẫn mang đến sửa khóa vì đó là kỷ niệm. Tôi giữ nghề này không phải vì tiền bạc mà vì kỷ niệm của khách, mà đa số họ là khách quen".
Kỳ tới: Người thợ 60 năm sửa khóa quần áo
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận