08/04/2021 12:01 GMT+7

Nhớ lắm, tiếng rao thời nghèo khó - Kỳ 4: Nhớ mê bồ quây lúa

THÀNH NHƠN
THÀNH NHƠN

TTO - Không chỉ dân quê, mà ngay nhiều nhà ở thành phố TP.HCM sau chiến tranh khó khăn cũng không lạ gì tấm mê được đương (đan) từ cây trúc.

Nhớ lắm, tiếng rao thời nghèo khó - Kỳ 4: Nhớ mê bồ quây lúa - Ảnh 1.

Chị Lê Thị Thùy đan mê bồ gia công tại nhà - Ảnh: THÀNH NHƠN

"Hồi đầu những năm 1980, nhà tui ở ngay khu Bàu Cát, quận Tân Bình sang trọng bây giờ vẫn xài đầy mê trúc. Miếng ăn còn thiếu cho con, tiền đâu mua gạch xây tường, ngăn phòng, hồi đó cứ mua tấm mê trúc rồi nẹp thanh tre để chắn mưa tạt gió lùa. Vậy mà ở rất mát.

Bà NGUYỄN THỊ KHÁNH (cựu dân ở Tân Bình, TP.HCM)

Đến tận cuối thập niên 1980, không ít nhà dân nghèo khó ở các vùng ven Gò Vấp, Bình Chánh, Tân Bình, Hóc Môn, Nhà Bè vẫn dựng vách, che tường tạm bằng mê trúc, thậm chí làm cả trần nhà để giảm nhiệt mái tôn cũ kỹ.

Tìm lại tấm mê trúc thân thương

Những người sinh từ thập niên 1990 có thể đã quen mắt với đồ nhựa, đồ kim loại, chứ dân thành phố một thuở cũng từng gắn bó thiết thân với sản phẩm tre, trúc. Nhiều khu chợ ở Bà Điểm, An Sương, Nhà Bè, Tân Tạo... từng một thời xếp đống mê trúc để bán buôn.

Ở TP.HCM, những năm bao cấp khó khăn văng vẳng tiếng rao "ai mua rổ rá tre không?" từ những người đạp xe bán dạo. 

Còn các làng quê thuở ấy có cả những người đi bán dạo mê bồ quây lúa trên những chiếc ghe bầu. Nếu người mua cần nhiều, có thương lái còn sẵn sàng ở lại để mua trúc, chẻ, đương mê ngay tại chỗ... Thời nay, những tiếng rao "ai mua mê bồ không?" hầu như đã bặt hẳn dù chúng vẫn còn được sử dụng ít nhiều ở nông thôn.

Để tìm hiểu về nghề dân dã một thời khó quên này, tôi trở lại xóm nghề nhiều năm nổi tiếng ở xã Mỹ Trà và phường Mỹ Phú (TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) xem bây giờ ra sao. 

"Nay quy mô làng nghề chỉ còn chừng 1/10 ngày trước, nhà nào cũng chỉ làm cầm chừng chứ không ai ăn nên làm ra từ cái nghề này nữa. Nghề ông bà để lại thì mình cố gắng giữ gìn thôi" - ông Nguyễn Văn Chiến (72 tuổi, quê xã Mỹ Trà, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) chùng giọng tâm sự.

Chỉ cách trung tâm TP Cao Lãnh chừng 3km, từ đầu xóm đã nghe tiếng chẻ trúc, vót nan. Hai bên đường dẫn vào làng nghề đương mê bồ là những đống trúc chất cao ngất dưới mé kênh. Trước sân nhà, người dân canh ngày nắng hanh vàng đem mớ nan trúc ra sân phơi. 

"Bận trước chộn rộn dữ lắm. Trời vừa hừng sáng là đầu làng đến cuối xóm đã náo nhiệt tiếng chẻ tra, đương mê bồ rồi tiếng cười nói, đùa giỡn của nam nữ. Giờ chỉ còn chừng trăm hộ dân sống dọc theo kênh này duy trì nghề đương mê bồ thôi" - ông Chiến bồi hồi nhớ lại.

Theo ông Chiến, lúc ông mới bi bô tập nói đã thấy ông bà đương mê bồ. Các bậc lão niên cho biết nghề này đã tồn tại ở đây hơn trăm năm trước. "Tui là thế hệ thứ ba của gia đình làm nghề đương mê bồ. Nhà nào ở đây cũng có vài đời theo nghề này hết" - ông Chiến chia sẻ.

Thời điểm hưng thịnh của làng nghề khoảng 30 năm trước, hàng sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Người trong nhà từ già trẻ đều chụm nhau lại đương mê bồ để kịp giao cho khách. 

Để có tấm mê bồ bền đẹp phải trải qua nhiều công đoạn, được phân việc rõ ràng. Đàn ông có sức khỏe thì đảm nhận chẻ trúc, vót nan. Đàn bà thì đương mê bởi bàn tay khéo léo.

Từ thanh trúc, ông Nguyễn Văn He (62 tuổi, ngụ xã Mỹ Trà) chẻ thành bốn phần đều nhau rồi nói giọng tâm đắc: "Tùy cây trúc lớn, nhỏ ra sao mà chẻ. Đòi hỏi phải nhanh, dứt khoát để từ đầu đến cuối nan trúc bằng nhau. Gặp người mới vô nghề làm không quen chẻ trớt quớt à, đầu to đuôi nhỏ coi như bỏ luôn".

Nguyên liệu đương mê bồ chủ yếu là trúc, có nơi cũng sử dụng tre. Cây trúc được vận chuyển từ vùng Kiên Giang, Cần Thơ, Cà Mau bởi đặc tính lóng dài, tính dẻo dai. 

"Ngày xưa phải đi ghe xuống dưới đó lấy hàng về. Nay thì người ta chở lên giao cho mình. Một bó như vậy là 70.000 đồng, cỡ chừng 15-20 cây trúc" - ông He vừa nói vừa chỉ tay đống trúc dưới mé kênh.

Ai làm nghề chẻ trúc cũng gặp tai nạn. Có người bị cứa tay đứt đến xương, máu chảy đẫm phải chở vào bệnh viện may lại. Bàn tay những người đàn ông trong xóm mê bồ vì thế cũng chi chít sẹo. 

Dụng cụ chẻ trúc chuyên dụng được gọi là mác với phần sóng dày, lưỡi mỏng và bén. Thường người đương mê bồ phải đặt thợ làm chứ rất hiếm bán ngoài chợ. Nhìn những bậc cao niên tay thoăn thoắt chẻ trúc, nhiều du khách ghé ngang làng mê bồ cứ chặc lưỡi thán phục.

Trúc sau khi chẻ được phơi khoảng một ngày nắng cho "dốt" để dễ chẻ ra thành nan nhỏ. Phần nan ngoài vỏ sẽ được đương thành mê bồ hảo hạng, phần nan mỏng phía trong dùng đương mê chất lượng kém hơn. 

"Cái hảo hạng thì mình dùng quây lúa, kém hơn tí thì dùng lót sà lan chở lúa, làm giỏ trồng hoa kiểng" - ông He chia sẻ.

Bà Đinh Thị Kim Thủy, vợ ông He, thì đảm nhận việc đương mê bồ. Bàn tay phụ nữ tuổi gần thất thập thoăn thoắt đưa từng nan tre lên xuống đều đặn, tấm mê bồ chẳng mấy chốc thành hình dáng. 

Công đoạn đương mê bồ tương đối đơn giản nhưng để ra thành phẩm đẹp mắt thì không phải ai cũng làm được. "Mê bồ da sử dụng phần ngoài nan trúc đẹp bền hơn. Nhìn vậy chứ cũng khó lắm chứ" - bà Thủy chia sẻ.

Nhớ lắm, tiếng rao thời nghèo khó - Kỳ 4: Nhớ mê bồ quây lúa - Ảnh 3.

Sản phẩm mê bồ thành phẩm tại nhà ông Nguyễn Văn He - Ảnh: THÀNH NHƠN

Giữ nghề buổi "hoàng hôn"

Ngày nay, người dân đã bắt đầu sử dụng máy móc chẻ nan. Nhà nào có điều kiện thì đầu tư chiếc máy chẻ nan khoảng chục triệu đồng. Nan chẻ ra đều, đẹp và năng suất gấp 5-7 lần so chẻ tay. 

"Chẻ tay mất thời gian, với lại giờ toàn người lớn tuổi mần nên chịu khó đầu tư để đỡ mất công. Mình chỉ việc đem nan phơi là đương được rồi" - bà Thủy chia sẻ.

Với một tấm mê bồ kích thước 1x2,2m, người đương được trả công 5.000 đồng. Một ngày làm cật lực cũng chỉ đương được 5-7 tấm mê bồ, thu nhập chỉ khoảng 30.000 đồng. 

Ngoài việc nội trợ, chị Lê Thị Thùy (38 tuổi, quê xã Phương Trà) nhận đương mê bồ lúc rảnh rỗi. Chị cho biết đa phần người đương mê bồ trong làng đều lớn tuổi, chỉ ít người trẻ như chị nhận đan gia công. Định kỳ mỗi tuần sẽ có xe đến chở thành phẩm mang đi. 

"Mấy đứa trẻ không chịu làm nghề này đâu. Làm từ sáng đến tối kiếm có mấy chục ngàn đồng. Mình nội trợ, rảnh thì nhận về mần kiếm thêm chút đỉnh mua bánh kẹo cho con" - chị Thùy tâm sự.

Thật vậy, những năm gần đây người trẻ không còn mặn mà nghề xưa. Đi dọc kênh, hai bên đường đa phần là những bậc trung niên đến lão niên chật vật mưu sinh. 

Hằng năm, ông He và bà Thủy đều lên Đắc Nông hái cà phê mướn. "Mùa hái cà phê kéo dài chừng hai tháng, một ngày vợ chồng ráng hái cũng được 6,7 tạ, bỏ túi chừng 600.000 - 700.000 đồng, hơn hẳn mần mê bồ" - ông He chia sẻ.

Ngoài hái cà phê, những năm trước vợ chồng ông He còn sang tận Lào trồng cây cao su, cây ăn trái cho nông trường. Nhưng cứ rời quê vài tháng là họ lại về Việt Nam đương mê bồ, cái nghề như đã ăn sâu vào máu. 

"Biết sao được, gắn với nó mấy chục năm trời từ đời ông, đời cha truyền lại, giờ bỏ cũng không nỡ. Chỉ mong mấy đứa nhỏ tiếp nối nghề ..." - ông He bỏ lửng câu chuyện.

Hội quán Làng tre quảng bá mê trúc

Hội quán Làng tre (TP Cao Lãnh) tập hợp những người làm nghề đương mê bồ và các sản phẩm từ tre, trúc. Định kỳ hằng tháng, hội quán sẽ họp để trao đổi kinh nghiệm, tìm đầu ra cho sản phẩm của làng nghề.

"Ngày nay quy mô làng nghề chỉ còn khoảng 2% so với ngày trước, người dân cũng ít làm mê bồ truyền thống mà chuyển qua làm mê bồ theo nhu cầu của khách hàng như phơi bánh tráng, hủ tiếu, long nhãn...

Thời gian gần đây, làng nghề chuyển qua các sản phẩm khác như sàng, giỏ, rổ, rá bằng tre trúc kết hợp với du lịch trải nghiệm cho du khách" - ông Võ Văn Hữu, chủ nhiệm hội quán Làng tre, chia sẻ.

**********

Một thời đôi dép nhựa bị đứt quai vẫn được hàn lại để tiếp tục mang. Cái thau nhựa hay bửng xe bị bể cũng được hàn vá, bởi đâu mấy người có tiền mà mua cái mới.

>> Kỳ tới: Khen khét mùi hàn dép nhựa một thời

THÀNH NHƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên