Nhà văn chụp cùng nhà văn Nguyễn Đông Thức - Ảnh: NVCC
Đó là buổi trưa 28-6-2002. Nhà văn Kim Dung từ phòng trong bước ra, bắt tay mọi người trong đoàn của Công ty Phương Nam (PNC) sang Hong Kong thương thảo mua tiếp bản quyền các bộ sách khác của ông.
Trước đó ông chỉ chịu bán làm quen 2 bộ Tiếu ngạo giang hồ và Anh hùng xạ điêu, và hôm nay PNC đem sách qua cho ông coi. Kim Dung có vẻ hài lòng khi nhìn thấy sách được làm kỹ, đẹp, có số phát hành khá (lúc đó số in đợt đầu đã là 8.000). Và nói sẽ ký tiếp cho những bộ còn lại.
Cô phiên dịch giới thiệu tôi là nhà báo - nhà văn ở Sài Gòn được mời đi theo, muốn xin phỏng vấn ông. Kim Dung nhìn tôi một chút bằng đôi mắt nhỏ xíu hấp háy dưới tròng kính dày, và đồng ý.
Ngoài niềm tự hào được là người hiếm hoi gặp và trò chuyện với thần tượng Kim Dung, cảm giác của tôi hôm đó thật sự rất dễ chịu. Bởi một người nổi tiếng như ông mà lại vô cùng khiêm tốn, giản dị, từ bộ quần áo đang mặc trên người cho đến cách ăn nói với mọi người. Thông minh, giấu mình và có óc hài hước.
Nhà văn Kim Dung và nhà văn Nguyễn Đông Thức - Ảnh: FBNV
Cùng với cảm giác dễ chịu là một chút gì đó ngạc nhiên. Con người tầm thước có phần nhỏ bé, ăn nói nhỏ nhẹ, không đẹp trai chút nào kia, lại là người đã tạo ra không biết bao nhiêu nhân vật anh hùng hào kiệt ăn sâu vào tâm khảm mọi người.
Lệnh Hồ Xung, Trương Vô Kỵ, Quách Tĩnh, Dương Qua, Tiêu Phong, Đoàn Dự... Cho tới từng nhân vật rất phụ, chỉ xuất hiện trong vài chương hồi, cùng đều được nhớ mãi, y như chàng Tăng A Ngưu chỉ đến với đời của Ân Ly có một lần mà lại được cô yêu nhớ suốt đời, chỉ vì bị "tiểu tử hôi thối" ấy cắn!
Chúng ta, người đọc, nhớ Kim Dung nhiều, có khi chính là vì ông đã "cắn" vào chúng ta bằng những nhân vật có tính cách rất rõ ràng, khác biệt.
Tôi cho rằng sự hấp dẫn của "tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình" của Kim Dung không chỉ nằm trong các cốt truyện ly kỳ, được tưởng tượng bởi một bộ óc siêu việt, mà chính là nhờ ông đã dựng nên các nhân vật quá sức độc đáo, sống động, nhờ đó đã thật sự "sống mãi" trong lòng người đọc.
Những nhân vật của ông còn đáng nhớ ở sự khác thường.
Kỷ Hiểu Phù bất chấp nội quy chết người của sư môn, đi yêu kẻ tà giáo.
Lệnh Hồ Xung đệ tử chính phái lại đi giao du với vô số dân du thủ du thực giang hồ.
Nhạc Bất Quần "Quân tử kiếm" hoá ra là "Nguỵ quân tử"... Từng nhân vật - ngồi kể cả ngày cũng không hết - đều có sự khác biệt.
Và những mối tình trong truyện Kim Dung cũng là điều nhớ đời.
Đã có vô số bài phân tích về mọi góc cạnh trong truyện chưởng Kim Dung, nên tôi xin không đi sâu về bút pháp và tài năng của ông ở đây. Chỉ xin ghi lại một điều học hỏi và một điều nể phục, từ ông.
Điều học hỏi, chính là sự uyên bác.
Kim Dung là người đã đọc "thiên kinh vạn quyển". Từ nhỏ ông đã rất mê đọc sách. Dòng họ khoa bảng của Kim Dung có một nhà để sách gọi là "Tra thị tàng thư" nổi tiếng khắp vùng Chiết Tây, chứa rất nhiều sách cổ, những cuốn sách này làm bạn với ông từ rất bé.
Căn phòng ông tiếp tôi, cũng chứa đầy sách. Đọc ông là thấy một kiến thức vô song, viết đâu ra đó. Chịu đọc chịu học hỏi có lẽ là điều kiện đầu tiên cho thành công của ông. (Ông đã có bằng cử nhân luật ở Đại học Tô Châu, thạc sĩ và tiến sĩ Triết ở Đại học Cambridge).
Điều nể phục, chính là sự "dừng tay gác kiếm" ở tuổi sung sức 48, khi đang ở đỉnh cao nghề nghiệp.
Truyện Lộc đỉnh ký vừa viết xong sau 3 năm ròng rã, một tuyệt chiêu khác hẳn các bộ sách trước đó, là ông đã tuyên bố nghỉ và giữ đúng quyết định của mình cho đến khi mất!
Dừng lại ở đỉnh, khi không muốn lặp lại và không thể vượt qua chính mình! Ý thức ấy là điều hầu như hiếm người cầm bút nào, có được.
Nhớ ông, xin có đôi dòng...
* Ông nhận thấy con người VN thế nào? Là người rất sành ăn như Hồng Thất Công, ông có thích thức ăn VN không?
- Con gái VN rất đẹp, đặc biệt là chiếc áo dài. Tôi xin tiết lộ, mẹ vợ hiện nay của tôi (Kim Dung đang sống với bà vợ thứ tư) sinh ở Hà Nội, thỉnh thoảng bà vẫn còn nói tiếng Việt và câu mà bà hay nói nhất là: "Hết tiền rồi!" (ông phát âm tiếng Việt rất chuẩn câu này). Về món ăn VN thì tôi rất thích phở bò, chả lụa, chả giò, chạo tôm... Nói chung, món ăn VN ngon lắm!
(trích bài phỏng vấn nhà văn Kim Dung của nhà văn Nguyễn Đông Thức)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận