19/11/2019 13:02 GMT+7

Nhớ hoài bài thơ trò tặng dù thầy không dạy ngày nào

THÁI HOÀNG
THÁI HOÀNG

TTO - Nhận món quà bất ngờ, tôi hỏi em: 'Sao em biết thầy?'. Em trả lời: 'Em nghe các anh chị và các bạn kể về thầy'. 'Nhưng em đã hiểu gì về thầy đâu?'. 'Em quý thầy từ những câu chuyện mà các anh chị kể'.

Nhớ hoài bài thơ trò tặng dù thầy không dạy ngày nào - Ảnh 1.

Học sinh ở TP.HCM vẽ tranh mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Đang bước sang năm thứ 17 trong sự nghiệp trồng người, ngày 20-11 gần đến, tôi lại nhớ đến những món quà đặc biệt từ những học trò đặc biệt - những em tôi chưa từng trực tiếp dạy dù chỉ một lần.

Hồi còn dạy ở Trường THPT H.T.K, tôi nhận được hai món quà từ em T.V và em C.B mà tôi không chủ nhiệm, cũng không dạy môn nào. Hỏi các em vì sao tặng quà cho thầy, hai em nói vì quý tôi. Thực lòng tôi rất vui và có phần hãnh diện vì tình cảm chân thành mà các em dành cho tôi. 

Còn ở Trường THPT T.N, cứ đến ngày 20-11 cũng như ngày tạm biệt năm học, cậu học trò P.N.M.T lại tặng tôi một món quà, đó là… cái ôm. Em ôm tôi và nói lời chúc mừng (em thường gọi tôi thân mật là bố chứ không gọi thầy). Trong ba năm, tuy không trực tiếp dạy em nhưng em vẫn thường tặng tôi "món quà" ý nghĩa như thế.

Và tôi còn nhận được một món quà rất đặc biệt khác ở một ngôi trường đặc biệt - Trung tâm bảo trợ - dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM (215 Võ Thị Sáu, quận 3). Đây cũng là một trong những món quà tôi nhớ nhất trong mười mấy năm gắn bó với sự nghiệp trồng người.

Đầu giờ chiều hôm đó, tôi đang rảo bước từ sân lên lớp, bỗng có một cậu học trò chân khập khiễng, giọng nói không tròn chữ lắm (em bị khuyết tật) bước lại tặng quà cho tôi - một bài thơ khá dài trên tờ giấy A4. 

Tôi bất ngờ vô cùng. Bài thơ mộc mạc, giản đơn mà ý nghĩa lắm. Tôi đọc mà nghẹn ngào. Nếu tôi trực tiếp dạy em, khi nhận món quà này thì tôi sung sướng và xúc động lắm. Còn đây lại là món quà của học trò mà tôi không biết tên, không biết cậu ta học lớp nào, học nghề hay học văn hóa... nên niềm hạnh phúc càng được nhân lên.

Nhớ năm đó tôi mới về dạy ở Trung tâm bảo trợ - dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM. Học ở đây đa phần là học sinh khuyết tật, chỉ một số ít là học sinh nghèo.

Ở trung tâm, nhiều học sinh từ bậc tiểu học cho đến THPT và cả một số học viên nghề biết đến tôi. Có lẽ một phần là sự thân thiện của tôi, một phần là tôi hay mua bánh kẹo tặng học sinh các khối lớp nhân dịp nào đó (một số em học sinh cấp 1 gọi tôi là "Thầy phát kẹo"), một phần do tôi hay biểu diễn văn nghệ khi trung tâm tổ chức các buổi lễ...

Khi ấy tôi hỏi em: "Sao em biết thầy?". Em trả lời: "Em nghe các anh chị và các bạn kể về thầy". "Nhưng em đã hiểu gì về thầy đâu?". "Em quý thầy từ những câu chuyện mà các anh chị và các bạn kể". 

Tôi vui sướng vô cùng và cảm ơn em vì món quà quý ấy. Món quà đã trở thành kỷ niệm đẹp trong tôi. 

Tôi luôn nhớ mãi hình ảnh hôm ấy của em, nhớ mãi món quà em dành cho một người thầy chưa dạy em dù chỉ một tiết học.

Nghề dạy học thiêng liêng và cao quý là vậy. Khi nhận được món quà từ tấm lòng thành của học sinh, thầy cô vui sướng và hạnh phúc lắm, đồng thời nó còn là động lực giúp thầy cô càng yêu trò, yêu nghề và tự hào về sự nghiệp trồng người của mình.

Giờ đây nghĩ về các em, tôi thương các em nhiều lắm. Cảm ơn những món quà đặc biệt mà các em tặng tôi...

Dưới mái trường thân thương, hẳn thầy cô, học sinh đều có những kỷ niệm xung quanh Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11. Những kỷ niệm ấy, với nhiều người, là hành trang khó quên trong đời. Mời quý thầy cô, bạn đọc chia sẻ những câu chuyện kỷ niệm của mình đến Tuổi Trẻ Online qua địa chỉ: [email protected].

'Sáng giờ em bắt được ba con cá, em kính tặng thầy'

TTO - Sau buổi lễ, em hối hả vào trường, thưa: 'Sáng giờ em đi bắt cá nên không dự lễ được. Em cố gắng lắm nhưng chỉ bắt được ba con cá lóc và một số tôm, em kính tặng thầy'...

THÁI HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên