Ngày 18-3, bà Rochelle Walensky - giám đốc Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ, kiêm giám đốc phụ trách Cơ quan Quản lý đăng ký độc chất và bệnh tật Mỹ - đã đến thăm hoạt động tầm soát lao miễn phí cho cộng đồng tại quận 5 (TP.HCM).
Tại đây, bà đã trao đổi với nhân viên y tế địa phương về quy trình chụp và trả kết quả X-quang phổi cho người tham gia, cũng như chia sẻ với người dân về lợi ích của việc tầm soát bệnh lao.
Đã có hơn 300 người dân cao tuổi, người mắc các bệnh đồng nhiễm và người có triệu chứng nghi lao được khám sàng lọc, test lao tiềm ẩn, chụp X-quang… miễn phí tại sự kiện này.
Nếu người dân có kết quả chụp X-quang bất thường, nhân viên y tế sẽ lấy thêm mẫu đờm để làm xét nghiệm gene X-pert tìm vi khuẩn lao, đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Chỉ mất khoảng một tiếng đồng hồ, vợ chồng bà Nguyễn Thị Lãng (82 tuổi, ngụ quận 5) đã tầm soát xong bệnh lao.
Kết quả chụp X-quang cho thấy phổi hai vợ chồng bà đều tốt. Về kết quả xét nghiệm lao tiềm ẩn, nhân viên y tế hẹn ông bà đến nhận sau hai ngày. “Đây là lần đầu tiên tôi được tầm soát bệnh lao miễn phí. Chương trình rất cần thiết khi tôi đã lớn tuổi, hay bị ho”, bà Lãng chia sẻ.
Ông Nguyễn Hữu Hưng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho hay mỗi năm thành phố phát hiện 17.000 - 18.000 ca lao các thể mới. Từ năm 2020 đến nay, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là CDC Mỹ thì thành phố đã phát hiện thêm nhiều ca lao mới.
Cụ thể trong 3 năm vừa qua đã phát hiện thêm 12.000 ca (trung bình 4.000 ca/năm).
Bên cạnh thành tựu đã đạt được, TP.HCM còn đối diện nhiều thách thức để đạt mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 của Chính phủ, khi mật độ dân số và sự di biến động dân cư tại thành phố rất lớn so với những địa phương khác.
Ông Nguyễn Hữu Lân - giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP.HCM - cho biết hiện mật độ dân số tại TP.HCM là 4.476 người/km² (cao gấp 15,5 lần so với mật độ dân số trung bình cả nước). Ở nơi có mật độ dân cư càng cao, thì bệnh lao càng bùng lên dữ dội.
Đặc biệt, dưới ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 vừa qua, tỉ lệ người bệnh lao trong cộng đồng được phát hiện vào năm 2021 giảm 24% so với năm 2019.
Đây là nguồn lây rất lớn. Thực tế nhiều người bệnh đã vô tình là nguồn lây nhiễm cho người thân, cộng đồng mà không biết. Do đó chủ động tầm soát lao trong cộng đồng rất quan trọng.
Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh điều quan trọng nhất là làm sao phát hiện càng sớm người mắc bệnh lao còn tiềm ẩn trong cộng đồng để được điều trị.
Qua đây, ông mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là CDC Mỹ trong các chương trình phòng chống lao, HIV của thành phố.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận