05/07/2015 09:11 GMT+7

Nhổ hết hàm răng 
dù không đau răng

TRƯỜNG ĐĂNG - L.TH.H.
TRƯỜNG ĐĂNG - L.TH.H.

TT - Khi răng bị nhức, nhiều bệnh nhân đến nha sĩ khám và yêu cầu nhổ răng. Nhưng thực tế răng không đau mà do dây thần kinh bị chèn ép, đến khi phát hiện nguyên nhân thì hàm răng đã bị nhổ gần hết.

Ông Đỗ Hà Bắc đã nhổ gần hết hàm răng do đau dây thần kinh số 5 - Ảnh: TRƯỜNG ĐĂNG
Ông Đỗ Hà Bắc đã nhổ gần hết hàm răng do đau dây thần kinh số 5 - Ảnh: TRƯỜNG ĐĂNG

Ngày 4-7, bác sĩ Đào Văn Nhân, trưởng khoa ngoại thần kinh cột sống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, cho biết thời gian gần đây bệnh viện đã phẫu thuật thần kinh chức năng vùng giáp cầu tủy não cho sáu bệnh nhân.

Nhổ hết răng mới biết không đau răng

“Căn bệnh này do động mạch chèn vào dây thần kinh số V gây ra những xung động ở vùng giáp cầu tủy não, gây đau đầu, đau răng cho người bệnh. Một số trường hợp khi đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định khám, chúng tôi phát hiện họ đã nhổ hết răng.

Thường chính bệnh nhân yêu cầu cơ sở nha khoa nhổ răng, có một số cơ sở nha khoa tư nhân, đặc biệt ở tuyến huyện và nông thôn, đã thực hiện dịch vụ nhổ răng theo yêu cầu người bệnh, đó là sai lầm của cả hai phía” - bác sĩ Nhân nói.

Ông Đỗ Hà Bắc (49 tuổi, ở thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước, Bình Định) và ông Võ Văn Vui (49 tuổi, ở thị xã An Nhơn, Bình Định) là hai trường hợp gần đây xuất viện sau phẫu thuật. Ông Bắc kể lúc 14 tuổi đã có hiện tượng đau đầu, đau nhức má bên phải, luôn ê nhức hai hàm răng.

“Đau dai dẳng mãi đến năm 18 tuổi, tôi đi khám nhiều lần ở trạm xá xã, bệnh viện huyện, uống đủ thứ thuốc cũng không giảm. Có lúc cơn đau dữ dội tới mức tôi không thể đi nhanh hay chạy được, cũng không làm được việc nặng nhọc đồng áng, tôi đã tự ý đến các cơ sở nha khoa tư nhân yêu cầu họ nhổ” - ông Bắc kể.

Thật ra, theo ông Bắc, các phòng khám nha khuyên không nên nhổ, nhưng đau quá ông đã yêu cầu họ nhổ. Mỗi lần đau, ông Bắc lại đi nhổ một cái răng, có lần nhổ nhiều nhất bốn cái, hiện cả hai hàm chỉ còn sáu cái răng.

“Vừa rồi tôi định đi nhổ cho hết để bớt đau, nhưng may mắn biết là bệnh viện tỉnh sẽ mổ được nên đã mổ xong rồi, giờ hết đau nhức và chuẩn bị xuất viện” - ông Bắc cho biết.

May mắn hơn, ông Võ Văn Vui cũng có triệu chứng đau đầu, đau răng hơn 20 năm như ông Bắc nhưng không nhổ răng.

“Mới đây, một phòng khám nha ở thị xã An Nhơn nói với tôi nguyên nhân căn bệnh là bị chèn dây thần kinh số V, phải đến bệnh viện đa khoa tỉnh để phẫu thuật. Sau bốn ngày nhập viện mổ, nay tôi đã ổn rồi” - ông Vui phấn khởi nói.

Ông Võ Văn Vui may mắn chưa nhổ cái răng nào, sau khi phẫu thuật an toàn - Ảnh: TRƯỜNG ĐĂNG
Ông Võ Văn Vui may mắn chưa nhổ cái răng nào, sau khi phẫu thuật an toàn - Ảnh: TRƯỜNG ĐĂNG

Thận trọng khi nhổ răng cho bệnh nhân

Trao đổi với Tuổi Trẻ về nguyên nhân gây đau dây thần kinh số V (dây V), ThS.BS Chu Tấn Sĩ - trưởng khoa ngoại thần kinh Bệnh viện Nhân dân 115, TP.HCM - cho biết về nguyên nhân nội khoa, dây V bị đau do bị viêm nhiễm hoặc vô căn (không xác định được nguyên nhân).

Thông thường khi đau dây V ở giai đoạn đầu có thể điều trị bằng thuốc, chỉ khi bệnh nhân kháng thuốc, điều trị không đáp ứng, uống thuốc bị tác dụng phụ nhiều mới cần phẫu thuật.

Về nguyên nhân ngoại khoa, có thể do dây V bị mạch máu chèn ép (mạch máu gác lên dây V) hoặc do bệnh nhân bị u mạch máu gây ép dây V.

Theo ông Sĩ, trường hợp phải phẫu thuật, trước khi mổ bệnh nhân sẽ được chụp cộng hưởng từ (MRI) ở góc cầu tiểu não để kiểm tra dây V có bị mạch máu gối lên không. Nếu mạch máu gối lên dây V thì khi mạch máu đập sẽ kích thích dây V gây ra đau.

Trường hợp này bác sĩ sẽ thực hiện vi phẫu giải áp dây V cho người bệnh bằng cách tách mạch máu ra khỏi dây V và đặt miếng lót vào giữa. Thường nếu đúng do nguyên nhân này thì mổ xong bệnh nhân sẽ hết đau liền...

Cũng theo ông Sĩ, khi bị đau dây V gây đau răng, chắc chắn người bệnh sẽ đi nha sĩ khám răng. Nếu nha sĩ không có kinh nghiệm sẽ không phát hiện bệnh nhân đau dây thần kinh V mà sẽ nhổ răng theo lời than phiền hoặc yêu cầu của bệnh nhân.

Thường bệnh nhân bị nhổ một, hai cái răng rồi mà không hết đau thì nha sĩ phải phát hiện kịp thời bệnh nhân đau răng không phải do răng có vấn đề nào đó.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp nhổ răng thứ nhất, thứ hai, thứ ba rồi mà không hết đau nên nha sĩ cứ nhổ tới, dẫn đến tình trạng nhổ hết hàm răng của bệnh nhân.

“Do đó, trường hợp khám răng miệng thấy bệnh nhân không sâu răng, không viêm nướu... và đã nhổ răng mà không hết đau răng, nha sĩ nên hướng dẫn bệnh nhân đến bác sĩ nội thần kinh hoặc bác sĩ ngoại thần kinh khám bệnh đúng chuyên khoa để có tư vấn, điều trị đau dây V kịp thời cho người bệnh” - ông Sĩ khuyến cáo.

Phân biệt đau răng do dây thần kinh bị chèn ép

Theo BS Chu Tấn Sĩ, bệnh nhân cần biết thêm dây V có ba dây là dây V1, V2 và V3. Khi đau dây V1, bệnh nhân sẽ bị đau từ trán đến ngang mắt; dây V2 gây đau từ mắt đến ngang mép miệng; đau dây V3, bệnh nhân đau từ mép miệng đến dưới cằm. Khi bị đau răng là đau dây V2 và dây V3.

Đau dây V thường bột phát sau một tiếp xúc gây kích thích như uống nước lạnh quá, nóng quá, ăn cay quá... Mỗi khi uống nước lạnh quá, ăn nóng quá, ăn cay quá... bệnh nhân sẽ bị đau.

Tuy nhiên, có khi không ăn cay, nóng, uống lạnh quá mà chỉ cần ngáp, có gió thổi vào, nhai đụng vào cũng đau răng. Khi đó người bệnh bị đau nguyên cả vùng theo đường đi của dây thần kinh V. Nếu đau dây V3, người bệnh sẽ đau hết hàm dưới đến lỗ tai.

TRƯỜNG ĐĂNG - L.TH.H.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên