20/04/2013 08:12 GMT+7

Nhớ hai tiếng đồng bào

PHẠM XUÂN NGUYÊN
PHẠM XUÂN NGUYÊN

TT - Truyền thuyết vua Hùng gắn liền với sự tích bọc trăm trứng đẻ ra trăm con của cha Rồng - Lạc Long Quân và mẹ Tiên - Âu Cơ. Hai tiếng “đồng bào” từ đó mà ra vì người Việt dù ở đâu cũng là anh em một nhà, chung một bọc.

Người với người trong một nước gọi nhau là đồng bào chỉ riêng có ở nước ta, đó là tiếng gọi của cội nguồn, của tổ tiên. Ngày giỗ Tổ 10-3 âm lịch hằng năm tưởng nhớ các vua Hùng cũng là để nhắc nhau thấm đậm thêm nghĩa đồng bào cho tất cả mọi con dân Việt dù ở chân trời góc bể nào.

Như câu thơ của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ viết từ chiến khu Đ (Nam bộ) thời chống Pháp nói nỗi lòng của những người dân phương Nam xa miền đất tổ “vẫn mang trong máu hồn xa xứ / non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu sâu sắc tình cảm nguồn cội này của dân tộc nên Người rất có ý thức dùng hai tiếng “đồng bào” mỗi khi nói với nhân dân cả nước, từ những điều bình thường đến những việc trọng đại. Người thường dùng hai tiếng “đồng bào” trong các văn bản giấy tờ của mình và chính hai tiếng đó đã làm nổi rõ tính cách nhân dân của một vị lãnh tụ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói đến “đồng bào” khi “Tuyên ngôn độc lập”, khi gửi thư nhân dịp “Tuần lễ vàng”, khi nói chuyện với người Mán (Dao), Thổ (Tày), khi bàn chuyện quốc gia với Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh của Quốc dân Đảng lúc mới dựng nước, khi kêu gọi những người Công giáo Việt Nam, khi viết thư khen các địa phương chiến đấu, sản xuất giỏi..., cho đến tận khi viết “Di chúc” với đề nghị đặc biệt là sau ngày thắng lợi thì miễn thuế nông nghiệp một năm cho “đồng bào nông dân”.

Những lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh bao giờ cũng mở đầu bằng câu “Hỡi đồng bào và chiến sĩ cả nước” thiêng liêng và ấm áp. Cộng với văn phong giản dị, khúc chiết, ngắn gọn, thực chất, hai tiếng “đồng bào” trong các bài viết và bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thật sự thu phục và thuyết phục được mọi người. Tôi để ý thấy lâu nay trong đời sống chính trị - xã hội của nước ta vắng bóng hai tiếng “đồng bào”.

Ngay tại lễ giỗ Tổ Hùng Vương, hai tiếng này cũng không thấy vang lên trong các bài diễn văn, phát biểu, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng may thay, tôi nhớ là tại Liên hoan múa rối quốc tế lần thứ 3 diễn ra năm ngoái ở Hà Nội, Nhà hát múa rối Thăng Long đã trình diễn vở “Linh thiêng hai tiếng đồng bào” được giải vàng. Từ đó lại nhớ đến phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” một thời sôi động ở Sài Gòn khơi dậy lòng yêu nước thương nòi, nhất là cho lớp người trẻ, để đấu tranh giải phóng nước nhà.

Làm phai nhạt hay làm mất đi hai tiếng “đồng bào” không chỉ là chuyện từ ngữ, truyền thuyết, nó còn là chuyện tâm thức, tình cảm, và cao hơn nữa là chuyện quốc gia, dân tộc. Bởi vì cứ mỗi dịp giỗ Tổ tháng 3 âm lịch cũng là vào tháng 4 dương lịch, nhắc hai tiếng “đồng bào” không chỉ là uống nước nhớ nguồn, không chỉ vọng về quá khứ tổ tiên, mà còn để sống với hiện tại và hướng tới tương lai.

“Đồng bào” là tất cả những ai con Rồng cháu Tiên ở trong và ngoài đất nước, ở hai bên chiến tuyến một thời nhưng nay có chung một giang sơn để gìn giữ, bảo vệ và phát triển. “Đồng bào” là “người trong một nước phải thương nhau cùng”, hiểu một nước đây là một nguồn cội, một giống nòi. “Đồng bào” là chung một tiếng nói, một văn hóa, một lịch sử, một địa lý có tên gọi Việt Nam mà không ai được phép hủy hoại, xúc phạm, mua bán.

Ngày giỗ Tổ năm nay tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” càng nhắc ta nhớ và nghĩ nhiều đến hai tiếng “đồng bào” có từ thuở xa xưa trong lịch sử và huyền sử hình thành đất nước. “Đồng bào ơi tuốt gươm vùng lên!”, câu hát trong một bản nhạc của Nguyễn Đình Thi là lời khẳng định ý chí của người dân Việt trước mọi đe dọa sự sống còn của dân tộc.

19-4-2013

PHẠM XUÂN NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên