TTCT - Đại dịch COVID-19 và các quy định giãn cách khiến nhiều người bỗng nhớ những bực dọc nhỏ bé vẫn thường gặp trong ngày cũ: tạp âm nơi văn phòng làm việc, không gian tù túng và những phần ăn nhạt nhẽo trên máy bay, cả những lúc “sống chậm” trong dòng xe kẹt cứng giờ cao điểm… Ảnh: indianexpress.comCảm giác an toànÔng Stéphane Pigeon (người Bỉ) là một kỹ sư âm thanh và là nhà sáng lập myNoise, trang web chuyên cung cấp “tiếng ồn trắng” cho nhu cầu tập trung khi làm việc, học tập. Nội dung các âm thanh được phổ biến trên myNoise rất đa dạng: tiếng mưa rơi tí tách trên nóc lều cắm trại, âm thanh một quán cà phê, hay âm thanh của sóng và gió tại một bãi biển ở Ái Nhĩ Lan. Đầu năm 2020, chỉ ít lâu trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, ông Stéphane nhận được một yêu cầu bất thường: tái tạo âm thanh một văn phòng làm việc.“Tôi nói ngay: không, không, không, tôi không nhận! Tôi nghĩ đó là một yêu cầu kỳ quặc và chẳng ai muốn nghe những âm thanh ấy” - ông Stéphane nói với tạp chí MIT Technology Review. Nhưng số lượng thư đặt hàng với yêu cầu tương tự đổ về ngày càng nhiều, Stéphane cuối cùng đành miễn cưỡng bắt tay vào sản xuất những âm thanh tưởng chừng đi ngược với tiêu chí của trang web của ông: tiếng chìa khóa va vào nhau rổn rẻng, tiếng rột rẹt của máy fax, máy in, âm thanh vo ve của những mẩu đối thoại văng vẳng từ xa vọng lại - những nhiễu âm gây mất tập trung nơi công sở. Trái với dự đoán của Stéphane, sản phẩm cuối cùng mà ông đặt tên là “Văn phòng yên tĩnh” nhanh chóng trở thành một trong những âm thanh có lượt nghe trực tuyến nhiều nhất trên myNoise chỉ sau vài tháng ra mắt vì người người nhà nhà bước vào thời phong tỏa.Giedrius Norvilas (28 tuổi), nhân viên một startup công nghệ ở Belfast, Ireland, thường truy cập trang web mang tên Sound of Colleagues (Âm thanh của đồng nghiệp) chỉ để nghe tiếng gõ bàn phím trong những ngày làm việc ở nhà, âm thanh mà anh mô tả là mang lại cảm giác “an toàn”. “Tiếng ai đó gõ bàn phím tạo cho tôi cảm giác có người ở xung quanh mình” - anh Giedrius chia sẻ. Trang Sound of Colleagues ban đầu do 2 công ty quảng cáo của Thụy Điển là Familjen Stockholm và Red Pipe lập ra với mục đích hài hước. Họ mô phỏng đầy đủ các âm thanh thường nghe trong một văn phòng điển hình như tiếng máy pha cà phê, tiếng điện thoại reo, tiếng mưa vỗ vào cửa sổ, tiếng mở cửa, và cả tiếng... chó sủa. Tobias Norman, nhà sáng lập Red Pipe, cho biết anh thường nhận được email cảm ơn từ những người sử dụng trang web khi làm việc ở nhà vì giúp họ phần nào nguôi ngoai nỗi nhớ đồng nghiệp.“Có những ngày tôi sử dụng âm thanh tự nhiên như rừng hay biển, lúc khác lại thích nghe giai điệu du dương, nhưng lại có ngày tôi tìm đến âm thanh do con người tạo ra như tiếng ồn nơi công sở (để thư giãn đầu óc)” - nhà văn Brynley Louise (24 tuổi) nói với MIT Technology Review. Brynley thường nghe bản phối “Văn phòng yên tĩnh” của myNoise khi cô cảm thấy “nhớ cảm giác ra ngoài và tiếp xúc với xã hội”.Có lẽ điều mà âm thanh văn phòng đánh thức ở mỗi người chính là thứ cảm xúc xa xỉ của một ngày bình thường giữa quá nhiều bất thường đang diễn ra. Đó là ước ao về cảm giác khó chịu vì tiếng “ping” của thang máy, tiếng một đồng nghiệp gõ phím to quá mức cần thiết, hay tiếng nhai bữa sáng nhồm nhoàm của người ngồi bàn bên. Chính vì thế mà với hơn 1,2 triệu người dùng thường xuyên, Sound of Colleagues giờ có một playlist trên Spotify, tổng hợp các âm thanh công sở được “hòa âm” theo từng chủ đề: “Đồng nghiệp bàn bên ăn sáng đầu giờ”, “Đồng nghiệp khó chịu và cái kết bất ngờ”, hay “Chiều thứ sáu tại văn phòng một công ty khởi nghiệp”.Nhà hàng bán bữa ăn trên máy bay cho hành khách "thèm bay" ở Thái Lan. Ảnh: ReutersChuyến bay không điểm đếnNhững tâm hồn ưa xê dịch có lẽ buồn hơn cả khi các chuyến bay quốc tế phải nằm đất vì lệnh đóng cửa biên giới để phòng dịch tại nhiều quốc gia. Để đáp ứng nỗi niềm thèm bay của nhiều hành khách có tiền mà không được tiêu, nhiều hãng hàng không nghĩ ra ý tưởng tổ chức các chuyến bay giả, cho phép khách check in, đi qua cổng soi chiếu an ninh, rồi lên máy bay ngồi như thật, chỉ có điều máy bay không cất cánh hoặc chỉ bay lòng vòng cho hành khách ngắm cảnh rồi lại đáp xuống sân bay khởi hành như chưa hề có cuộc chia ly.Giữa tháng 9-2020, Hãng Qantas của Úc mở bán vé chuyến bay ngắm cảnh đặc biệt sử dụng máy bay Boeing 787 Dreamliner cất và hạ cánh tại sân bay Sydney. Vé được bán hết chỉ sau vài phút dù có giá không hề rẻ: từ 787 đến 3.787 AUD (khoảng 13-63 triệu đồng) cho một vé khứ hồi. Hành khách trên hành trình mang tên “Vùng đất phía Nam kỳ vĩ” được đưa đi thăm thú các địa danh nổi tiếng của Úc như “cái rốn của Trái đất” Uluru, rạn san hô Great Barrier hay cảng Sydney. Máy bay được cơ trưởng giữ ở độ cao hợp lý để hành khách có thể thưởng thức trọn vẹn các thắng cảnh từ một góc nhìn mới.Những chuyến bay không có điểm đến đang nổi lên như một trào lưu mới. Hiệp hội Các hãng hàng không khu vực châu Á - Thái Bình Dương ước tính lượt bay quốc tế trong khu vực đã sụt giảm 97,5% do dịch COVID-19, và các hãng hàng không đang tìm mọi cách xoay xở để vừa tuân thủ các quy định phòng dịch vừa giải tỏa khát khao đi máy bay của nhiều khách.Tháng 8-2020, Hãng EVA Airways của Đài Loan tổ chức chuyến bay đặc biệt mừng Ngày của cha. Chuyến bay kéo dài 2 tiếng 45 phút được khai thác bằng máy bay trang trí theo chủ đề “Hello Kitty” và mang số hiệu BR5288 (phát âm giống “con yêu bố” trong tiếng Quan thoại), cất và hạ cánh tại sân bay quốc tế Đào Viên ở Đài Bắc. Hãng ANA của Nhật cũng khai thác hành trình “bay không cần đến” kéo dài 90 phút mang chủ đề Hawaii dành cho hành khách muốn ghé thăm hòn đảo du lịch nổi tiếng của Mỹ mà chưa thể hiện thực hóa dự định.Với khoảng 3,8 triệu đồng, hành khách cũng có thể mua vé trên chuyến bay của Hãng Tigerair cất cánh từ Đài Bắc, vòng qua đảo Jeju của Hàn Quốc rồi quay lại sân bay ban đầu. Tiền vé bao gồm voucher giảm giá 1 năm cho các chuyến bay từ Đài Loan đến Hàn Quốc và có thể áp dụng khi đường bay thương mại được nối lại sau dịch, nên tính ra vẫn là một mức giá hời, theo cô Chen Shu Tze - một trong những hành khách bỏ tiền để có chỗ trên chuyến bay đặc biệt. Nhưng không phải ai muốn cũng mua được, vì vé cho chuyến bay ngắm đảo Jeju ngày 19-9 được bán hết chỉ trong vòng 4 phút, theo ABC News.Với những người không muốn bỏ nhiều tiền chỉ để bay tại chỗ, một bữa ăn mang phong cách máy bay có lẽ cũng đủ để làm dịu đi phần nào nỗi nhớ những chuyến đi xa. Đánh vào tâm lý này, Hãng Thai Airways đã mở một nhà hàng trải nghiệm tại trụ sở chính ở Bangkok, phục vụ suất ăn máy bay cho thực khách trong những chiếc ghế mô phỏng hệt như chỗ ngồi máy bay. Nhà cung cấp suất ăn hàng không Gate Gourmet của Úc cũng bắt đầu rao bán các khẩu phần đông lạnh nấu sẵn, người dùng chỉ cần bỏ vào lò vi sóng hâm nóng là có thể ăn ngay.First Airlines, công ty cung cấp trải nghiệm du lịch tại chỗ bằng công nghệ thực tế ảo tại Nhật, cho khách hàng vào ngồi trong một cabin như thật và được phục vụ thức ăn, nước uống, với “cửa sổ” máy bay là những màn hình chiếu cảnh mây trời bay lờ lững. Dù toàn bộ diễn ra trên mặt đất, chuyến bay giả vẫn có các tiếp viên hướng dẫn an toàn bay, áo phao và mặt nạ dưỡng khí như thật. Khi “đến nơi,” hành khách được phát kính thực tế ảo để tham quan các địa danh nổi tiếng như Paris, New York, Rome và Hawaii.■Cây bút văn hóa Mary McNamara của báo Los Angeles Times tự thấy ngạc nhiên với chính mình khi điều cô nhớ nhất khi làm việc ở nhà mùa COVID-19 lại chính là những lúc ngồi trong ôtô di chuyển từ nhà đến tòa soạn và ngược lại, dù chính cô trước đây từng là người than phiền với đồng nghiệp nhiều nhất về cảnh kẹt xe kinh khủng của đường phố Los Angeles. Đó là mốc thời gian giúp cô minh định giữa công việc và gia đình, và là khi hiếm hoi cô không phải lo việc ở cơ quan nhưng cũng chưa phải mó tay vào việc nhà. Một thời gian hiếm hoi cô được một mình với những suy niệm của bản thân, nghe sách nói, gọi điện cho bạn bè hoặc đơn giản là để dòng suy nghĩ trôi tự do đến một miền bất định. “Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ nói ra điều này, nhưng tôi nhớ đoạn đường đi làm và về nhà mỗi ngày” - Mary viết.Mua sự khó chịu?Cây bút Rosalie Tinelli của trang AFAR có cái nhìn xét nét hơn về trào lưu “bay mà không đến”. Theo cô, việc mua vé để lên một chuyến bay chẳng đi đến đâu chẳng khác gì bỏ tiền mua sự khó chịu. Rosalie thấy khó hiểu khi nhiều người sẵn sàng trả số tiền lớn để bị nhét vào một chiếc ghế chật chội kém thoải mái suốt nhiều giờ, chưa kể đối diện nguy cơ lây nhiễm COVID-19, chỉ để trở về nơi xuất phát. Đó là chưa kể tác động môi trường khủng khiếp của một chuyến bay. Theo Rosalie, xu hướng thịnh hành trước dịch COVID-19 là không bay khi không cần thiết, và sử dụng các phương tiện thay thế ít tác động đến môi trường hơn khi có thể. “Ít ra nếu đã phải bay thì hãy bay đến đâu đó chứ” - Rosalie viết. Tags: COVID-19Hoài niệm
Tiết lộ doanh thu khủng của 'đế chế chăn nuôi' C.P. Việt Nam BÌNH KHÁNH 24/11/2024 Báo cáo tài chính của Charoen Pokphand Foods, công ty mẹ của C.P. Việt Nam, cho biết doanh thu 9 tháng đầu năm nay ở Việt Nam đạt gần 68.000 tỉ đồng.
Đội tuyển Việt Nam bắt đầu lắp ghép bộ khung đá chính HOÀNG TÙNG 24/11/2024 Trong buổi tập chiến thuật mới nhất, HLV Kim Sang Sik bắt đầu lắp ghép các nhân sự cho bộ khung đội tuyển Việt Nam chuẩn bị ASEAN Cup 2024.
Vợ chồng ca sĩ Bích Tuyền sẽ khởi kiện Đàm Vĩnh Hưng? HOÀI PHƯƠNG 24/11/2024 Trong nội dung livestream mới nhất của bầu sô Dũng Taylor vào trưa 24-11 (theo giờ Việt Nam) hé lộ thông tin vợ chồng ca sĩ Bích Tuyền sẽ khởi kiện ngược lại ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.
Nhật Bản và Mỹ lập kế hoạch phóng tên lửa phòng Đài Loan ‘có biến’ MINH KHÔI 24/11/2024 Nhật Bản và Mỹ đang hướng tới việc xây dựng một kế hoạch quân sự chung nhằm ứng phó với tình huống khẩn cấp tại Đài Loan, bao gồm việc phóng tên lửa.