Máy tra cứu thông tin tại UBND P.Mỹ An (Q.Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) biến thành chỗ để loa, sổ sách - Ảnh: Hữu Khá |
Sẽ là xót xa khi biết số tiền ấy được dùng để mua về những thiết bị chỉ “đắp chiếu”. Và xót xa hơn nữa, câu chuyện ở Đà Nẵng không mới và cũng không hiếm.
Có dạo, các cơ quan công quyền đầu tư sắm mới rất nhiều máy tính nhưng hầu hết chỉ sử dụng rất hạn chế, chủ yếu là chạy đua cho mang chút màu sắc công nghệ hoặc để giải ngân cho hết số vốn được cấp.
Không có sự chuẩn bị về nhận thức, về nhân lực, không có sự đảm bảo về hạ tầng là lý do khiến việc đầu tư cho CNTT trở nên lãng phí, không hiệu quả.
Đến giờ, dù CNTT đã đi vào mọi ngõ ngách của đời sống nhưng ở nhiều nơi mà lẽ ra CNTT phải là một phần không thể thiếu, với những người mà CNTT phải là công cụ đắc lực phục vụ cho công việc thì người ta vẫn chưa thấy sự hiện diện của CNTT.
Thế nên mới có những văn bản giao chỉ tiêu đến năm Y, năm Z phải đạt được số cán bộ, công chức nào đó biết sử dụng thư điện tử. Thoạt nghe cứ tưởng chuyện đùa nhưng đó lại là sự thật.
Những ai quan tâm tới lĩnh vực CNTT đều không thể không biết tới đề án 112 (đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2005).
Đề án đặt ra những mục tiêu rất kêu như xây dựng các hệ thống tin học hóa quản lý hành chính nhà nước, phục vụ trực tiếp công tác chỉ đạo điều hành trong hệ thống các cơ quan nhà nước; tin học hóa các dịch vụ công nhằm nâng cao năng lực của các cơ quan hành chính nhà nước trong việc phục vụ nhân dân và doanh nghiệp...
Lãnh đạo một tỉnh đồng bằng sông Hồng thời điểm đó cho biết khi đề án về với địa phương của ông, ông đã nói thẳng với ban điều hành đề án rằng nếu để giải ngân tiền đề án thì ông không đồng ý tham gia đề án, còn nếu muốn có một điển hình để báo cáo kết quả thì đưa tiền cho tỉnh để tỉnh tự làm.
Vị lãnh đạo này không phải không có lý vì lúc đó ông biết rằng những sản phẩm mà đề án 112 đem tới áp dụng ở các địa phương đều là sản phẩm của những công ty “sân sau” của những người trong ban điều hành và nó hoàn toàn không phù hợp với thực tế công việc ở các địa phương.
Thực tế cho thấy đề án 112 sau đó đã thất bại thảm hại cùng với việc một số thành viên trong ban điều hành rơi vào vòng lao lý do liên quan tới tham nhũng, tiêu cực. Nghị quyết phiên họp của Chính phủ tháng 9-2007 đã thừa nhận “xét về tổng thể, đề án chưa hoàn thành được mục tiêu đề ra và đến nay đã phát hiện một số cá nhân liên quan có sai phạm”.
Nhiều nơi cứ lấy tiêu chí đã giải ngân hết tiền, đã mua sắm ngần này máy tính, lắp đặt ngần kia hệ thống... để cho rằng đã đầu tư và ứng dụng CNTT hiệu quả, nhưng thước đo quan trọng nhất vẫn là việc ứng dụng CNTT đáp ứng thế nào nhu cầu của công việc, phục vụ thế nào cho doanh nghiệp, người dân.
Nếu không lấy những tiêu chí đó làm thước đo mà vẫn đổ tiền mua sắm một cách vô tội vạ thì sẽ vẫn còn cảnh sắm đồ xịn mà không ai dùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận