Hơn 20 tỉ đồng mà đơn vị này vừa nhận từ việc bán tín chỉ carbon là một con số lớn ngoài sức tưởng tượng của ban quản lý vườn.
Ông Phạm Hồng Thái, giám đốc vườn, cho biết trong số hơn 123.000ha rừng mà ban này đang quản lý thì có một phần rất lớn diện tích được giao trực tiếp cho các thôn bản ở vùng đệm của vườn quản lý chăm sóc. Đây chính là lối đi mới mang lại hiệu quả trực tiếp cho những người dân bản địa ở vùng đệm này, khi việc bán tín chỉ carbon giúp họ có tiền mà không cần phải khai thác sản phẩm từ rừng.
Ông Trần Quốc Tuấn, giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Bình, cho hay truyền thống của người dân nhiều địa phương giáp rừng thường lấy việc sống dựa vào rừng là chính. Vì thế, giá trị lớn nhất của việc bán tín chỉ carbon không chỉ là tiền mà chính là việc thay đổi tư duy của người ở gần rừng. Khi chăm sóc rừng cũng có thể thu được tiền và giá trị tiền cũng không kém việc khai thác sản vật từ rừng thì người dân sẽ không còn tác động tiêu cực đến rừng nữa.
Vì giá trị bền vững này, tỉnh có chủ trương mở rộng diện tích rừng khai thác trữ lượng carbon thêm với cả rừng trồng, đưa trữ lượng thu được toàn tỉnh có thể lên gấp đôi, mức tiền được trả cũng sẽ tăng cao.
"Định hướng chính của tỉnh là sẽ mở rộng diện tích rừng trồng theo chứng chỉ FSC (chứng chỉ của Hội đồng quản lý rừng, sản xuất gỗ được kiểm soát các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và kinh tế). "Rừng trồng theo chuẩn này thì trữ lượng gỗ sẽ cao hơn rừng trồng bình thường, kéo theo trữ lượng carbon tăng, nguồn thu sẽ tăng và người dân sẽ là người hưởng lợi nhất", ông Tuấn nói.
Ông Hồ Pha (xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy) kể mình nhận bảo vệ, quản lý hơn 5ha rừng từ hơn 5 năm qua. Lâu nay ông vẫn làm công việc của mình và chỉ nhận mức tiền hỗ trợ vài trăm ngàn đồng theo quy định được HĐND tỉnh thông qua.
Đến khi vùng rừng ông quản lý được đưa vào diện khai thác tín chỉ carbon, ông vẫn chưa hình dung ra được đó cụ thể là gì. Tuy nhiên, mới đây ông được chính quyền thông báo mình được chia hơn 1 triệu đồng tiền bán tín chỉ carbon, ông mới rõ hơn việc "tiền lại đến từ rừng theo cách này".
Phải nâng cao chất lượng rừng
GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vừng và chứng chỉ rừng, chia sẻ nếu so sánh diện tích rừng hiện có với lãnh thổ thì rừng Việt Nam cao hơn khoảng 12% so với thế giới. Tuy nhiên, diện tích lớn không đồng nghĩa với chất lượng rừng cao. Ví dụ trong 1ha rừng có bao nhiêu khối gỗ, vì lượng gỗ càng nhiều thì CO2 được hấp thụ càng lớn và ngược lại.
Để phát triển thị trường carbon nói chung, carbon rừng nói riêng thì từ chủ rừng đến người dân được giao quản lý rừng cần phải nâng cao trách nhiệm phát triển rừng. Giảm phát thải khí nhà kính không chỉ việc của những doanh nghiệp sản xuất xanh mà còn cần phải bảo vệ rừng.
Trước mắt, các địa phương có diện tích rừng lớn ở khu vực Bắc Trung Bộ, Tây Bắc... cần phải nâng cao chất lượng rừng hiện có. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến giá thành giao dịch tín chỉ carbon tại các sàn bắt buộc sau này.
Người trồng lúa cũng muốn góp tay
Hiện nay, Chính phủ đã triển khai đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".
Chỉ tính riêng tại Đồng Tháp, theo Sở NN&PTNT tỉnh này, năm 2024 có 52.000ha đủ điều kiện đăng ký sản xuất lúa đảm bảo chi trả tín chỉ carbon, dự kiến đến năm 2025 đạt ít nhất 50.000ha; số hợp tác xã tham gia tăng từ 64 lên 162 hợp tác xã.
Đề án giúp nông dân giảm 20% chi phí sản xuất thông qua giảm lượng giống gieo sạ, lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học... Theo kế hoạch, đến năm 2030 sẽ hình thành vùng chuyên canh của dự án là 160.000ha, nông dân sẽ tăng thu lợi nhuận từ hiệu quả giảm chi phí sản xuất và bán tín chỉ cacbon.
Thống kê từ dự án VnSAT và các vùng trồng lúa giảm phát thải tại tỉnh Đồng Tháp có thể giảm 5 tấn CO2 tương đương/ha. Như vậy, đến năm 2030 sẽ giảm được 800.000 tấn CO2 tương đương/ha (diện tích 160.000ha).
Với mức giá 6 USD/tấn/năm, lợi nhuận thu được khoảng 4,8 triệu USD (116,3 tỉ đồng/năm), còn với mức giá dự kiến của Quỹ TCAF là 10 USD/tấn, lợi nhuận thu được khoảng 8 triệu USD (193,8 tỉ đồng/năm). Cùng việc quản lý rơm rạ, thu gom và tái sử dụng góp phần tăng giá trị hơn 57 tỉ đồng/năm.
Ông Nguyễn Văn Hội, nông dân Hợp tác xã Trường Phát (xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười), cho biết nếu trồng lúa đạt các tiêu chí bán tín chỉ carbon sẽ được thưởng 300.000 đồng/ha. "Cùng với đó là lợi ích về mặt môi trường không thể tính bằng tiền", ông Hội nói. Ông Huỳnh Thiện Liêm, xã Trường Xuân, thì cho rằng cần được tư vấn thêm về bán tín chỉ carbon.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận