Nữ sinh trung học Trường Lê Văn Duyệt (nay là Trường Võ Thị Sáu) tan trường về trên đường Lê Văn Duyệt, tỉnh Gia Định (Q.Bình Thạnh ngày nay) - Ảnh tư liệu
Đêm giao thừa mỗi năm, như thông lệ, nhiều gia đình ở Sài Gòn, Chợ Lớn đều đi chùa hoặc đi hái lộc đầu năm. Muốn hái lộc linh nhất xứ thì phải chịu khó hái lộc và xin xăm ở Lăng Ông Bà Chiểu.
Đường Lê Văn Duyệt ở tỉnh Gia Định
Đường đến Lăng Ông phải nói là xa diệu vợi cho bà con ở các quận thuộc loại số lớn. Muốn đi từ Chợ Lớn hay Sài Gòn qua Lăng Ông duy nhất chỉ có con đường Lê Văn Duyệt. Có người thắc mắc "đường Lê Văn Duyệt gần mà, ngay ngã sáu Phù Đổng chạy lên ngã tư Bảy Hiền...".
Thế là có người tóc muối thủng thỉnh, chiêu ngụm nước trà trả lời: "Không phải, Lê Văn Duyệt bạn nói đó là đường Lê Văn Duyệt của Sài Gòn. Còn Lê Văn Duyệt để đi đến Lăng Ông là Lê Văn Duyệt ở tỉnh Gia Định". Nhớ nhe, tỉnh Gia Định!
A, thế thì người hậu sinh vỗ trán chưa nhăn vì đời thốt lên: "A, đường Lê Văn Duyệt, có Trường nữ sinh Lê Văn Duyệt, ngôi trường áo trắng bên cầu Bông". Đầu cầu Bông bên quận 1 là điểm khởi hành và dốc cầu chính là tỉnh lỵ Gia Định. Cầu Bông - cây cầu chia ranh giới Sài Gòn, Gia Định này - khởi thủy tên là cầu Miên vì vua Cao Miên tên Nặc Tha, bị đánh đuổi chạy qua Gia Định ở đã xây cầu này (1731) để qua sông.
Theo ông Thái Văn Kiểm, sau này cầu được dân ở đây gọi là cầu Xóm Bông vì nơi đây là khu chuyên trồng hoa kiểng, sau được gọi tắt là cầu Bông. Không biết cầu Bông này có phải là cây cầu mà chúng tôi thường hát "Ai đi ngang cầu bông, té xuống sông ướt cái quần nilông" hay không? Nếu qua cầu này vào buổi sáng, hoặc vào giờ tan trường thì ôi thôi những nữ sinh Trường trung học Lê Văn Duyệt tung những tà áo trắng, nhuộm trắng khắp cả con đường trần.
Con đường ngắn, lịch sử dài
Đường Lê Văn Duyệt từ đầu cầu Bông đến ngã ba Chi Lăng (nay là Phan Đăng Lưu) dài khoảng 1.975m, lộ giới thuộc loại "khủng" thời xưa là 30m. Thời Pháp, khoảng năm 1874 được gọi là đường l’Inspection, nhưng dân cư khu vực này quen gọi là đường Hàng Thị. Không rõ thời gian nào trong thời Bảo Đại, đường l’Inspection được đổi tên là Lê Văn Duyệt, nhưng trong một bản đồ vào năm 1952 đã thấy có tên đường Lê Văn Duyệt (tỉnh Gia Định).
Đến tháng 8-1975, khi tỉnh Gia Định sáp nhập vào Sài Gòn thì đường Lê Văn Duyệt trở thành đường Đinh Tiên Hoàng và bây giờ đã được trở lại với tên đường ngày xưa cũ.
Trong một bài ngắn, không thể nói hết công lao của vị thượng công hai lần làm tổng trấn Gia Định thành (tổng cộng 15 năm trong hai đời Gia Long và Minh Mạng).
Riêng thành phố Sài Gòn, năm 1955, chánh quyền Ngô Đình Diệm đã ghép bốn con đường Verdun, Nguyễn Văn Thinh, Thái Lập Thành, Chanson thành đường Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám) chạy dài từ quận 1 đến quận Tân Bình (theo Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Đình Tư).
Riêng tại tỉnh Gia Định, trước khi đến đường Chi Lăng, đường Lê Văn Duyệt chạy ngang qua một cụm đường được đặt tên các công thần nhà Nguyễn như: Châu Văn Tiếp, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh.
Ngày xưa, những người Sài Gòn, Chợ Lớn đi qua tỉnh Gia Định thường phải qua đường Lê Văn Duyệt. Và họ nhớ từ hướng Sài Gòn xuống cầu Bông qua đường Lê Văn Duyệt một đoạn sẽ gặp một nơi được gọi là khu Khăn Đen Suối Đờn. Không phải ở đây có giặc cờ vàng khăn đen gì, mà chỉ là một khu chuyên bán khăn xếp đội đầu cho đàn ông nổi tiếng vùng Sài Gòn - Gia Định. Ai muốn có chiếc khăn xếp thật oách thì phải đến đây mà tậu, nếu không thì phải đến tiệm của ông Nguyễn Đức Nhuận - chủ báo Phụ Nữ Tân Văn - mà tìm.
Đường Lê Văn Duyệt (tỉnh Gia Định) không chỉ có "khu thương mại" phân phối khăn đen, mà còn là con đường để hằng ngày những họa sĩ tương lai đến Trường cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn (đường Chi Lăng) vẽ vời, nặn tượng. Rất nhiều bác sĩ tương lai hằng ngày cũng phải qua con đường này đến thực tập hay nội trú tại Bệnh viện Nguyễn Văn Học (nay là Bệnh viện Nhân Dân Gia Định).
Một con đường không dài nhưng cũng mang nhiều lịch sử và ký ức, chất đầy ước mơ, hi vọng của nhiều thế hệ Sài Gòn - Gia Định không chỉ của ngày xưa cũ!
Sở dĩ con đường được đặt tên Lê Văn Duyệt vì khi ông mất, dân Gia Định thành đã xây lăng thờ phượng, một công trình tuy không bề thế nhưng đẹp về kiến trúc, tâm linh uy nghiêm. Có một thời cổng tam quan của Lăng Ông đã trở thành biểu tượng không chính thức của Sài Gòn, được in trên giấy bạc 100 đồng.
Hồi đó và hầu như tới bây giờ cũng vậy, ông già bà cả đều gọi là Lăng Ông Bà Chiểu hoặc gọi tắt là Lăng Ông. Không ai dám gọi là Lăng Ông Lê Văn Duyệt vì... sợ "ngài" quở chết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận