Nhà văn Anh Đức (phải) và nhà văn Lê Văn Thảo thời trẻ - Ảnh tư liệu |
Nhưng ta đau đớn về sự chia ly cũng là dịp ôn lại một thời hào hùng. Ta đã qua một thời gian khổ, không thể tưởng tượng một đời người có thể chịu đựng được như thế. Những đóng góp của chúng ta dù là nhỏ nhoi, những trang viết dù chỉ là “của một thời”, chúng ta có quyền tự hào đã sống qua thời ấy, có những trang viết “xương máu” ấy.
Nhưng riêng sáng tác của anh, anh Anh Đức à, không hề nhỏ. Một chuyện chép ở bệnh viện, Hòn Đất, Bức thư Cà Mau là những tác phẩm lớn sống mãi, những dấu ấn trong văn đàn VN.
Nhưng tôi không nói nhiều về tác phẩm của anh, sách vở nói nhiều rồi, nói thêm cũng bằng thừa. Tôi muốn nói về con người anh, những kỷ niệm về anh, những năm tháng quý báu sống với anh, “Anh Đức của chúng tôi”, như câu nói trong “tổ văn” anh em thường gọi, người đi đầu trong ngành văn theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Anh viết nhiều, viết sớm, nhiều năm lãnh đạo tổ văn của Hội Văn nghệ giải phóng. Anh sống chân thật giản dị, bền bỉ nhẫn nại, một lòng tin vào công việc của mình. Tôi nhớ những năm che chòi bên bờ suối Cây ở rừng miền Đông, anh ngồi viết Hòn Đất. Những lần bị giội bom B52, chống càn, những đêm dài hành quân, thiếu ăn, bịnh sốt rét, chị Loan miền Bắc vào cùng chịu khổ với anh, cháu Huy sanh ra trong rừng cũng khổ. Một bữa nó sang nhà chúng tôi chơi, anh Đinh Quang Nhã bới cho nó tô cơm với thức ăn khô, nó ăn hết. Anh Nhã rớt nước mắt nói: “Thằng nhỏ đói!”.
Không thể kể hết những chuyện như vậy, nhưng tôi kể thêm chuyện này. Lần đó tôi và anh cùng đi dự Đại hội anh hùng ở Bù Đốp, năm 1967. Thật là một chuyến đi gian khổ, vùng ma thiêng nước độc. Một bữa trên đường gặp một toán bộ đội hành quân, một chiến sĩ bị sốt rét đi la lết phía sau. Sức đã cạn, anh chiến sĩ vẫn phải bám theo đồng đội, nhấc từng bước như mỗi bước chân là bước cuối cùng, sợi dây dù từ trong balô thòng ra kéo lê trên mặt đường, anh chiến sĩ không còn sức kéo lên. Tôi thấy anh Anh Đức nhìn theo anh chiến sĩ, kêu “trời ơi”, mắt rơm rớm. Tôi nhớ mãi hình ảnh đó. Tôi nhớ tấm lòng hôm đó của anh với anh chiến sĩ, rồi sau đó chính anh cũng bị sốt rét ác tính suýt chết.
Giờ đây anh ra đi nhưng tấm lòng của anh còn lại. Ai cũng khổ, anh thương anh chiến sĩ, chúng mình thương nhau, người trong rừng đều là anh em, là đồng đội. Tất cả vì công việc đánh giặc, những trang viết cũng là đánh giặc.
Những năm tháng cuối đời anh Anh Đức lâm trọng bệnh phải nằm ngồi một chỗ, tôi vẫn liên hệ với anh nhưng ít đến gặp anh. Tôi muốn giữ hình ảnh của anh thời trai trẻ, chúng tôi sống gian khổ nhưng lúc nào cũng vui. Buổi tối rừng âm u, chúng tôi có những bàn trà bên ngọn đèn dầu trước khi đi ngủ. Bàn trà của Anh Đức và nhạc sĩ Hoài Mai là vui hơn hết. Anh Đức có tài kể chuyện, chuyện vặt vãnh trong rừng anh kể cũng vui. Và đôi khi không ngăn được vốn nghề “hư cấu” của mình, anh có thêm thắt chút đỉnh. Hoài Mai nói: “Phải công nhận chi tiết này hôm qua không có”.
Biết làm sao. Anh sống cũng như viết. Anh là nhà văn, với tài năng, sự nhẫn nại miệt mài tạo nên những tác phẩm đem lại vẻ đẹp, niềm vui cho chúng ta. Và ngay cả những câu chuyện nhỏ bên bàn trà anh cũng làm được như thế.
Anh dạy tôi tình yêu Cà Mau... Anh Đức quê Long Xuyên nhưng gắn bó nhiều với Cà Mau, Bức thư Cà Mau là một tập truyện nổi tiếng của anh. Tôi cũng vậy, cũng quê Long Xuyên nhưng có tình yêu gắn bó với Cà Mau. Chính anh, và nhà văn Sơn Nam với Hương rừng Cà Mau, đã dạy tôi tình yêu ấy. Tôi chưa thấy ai viết về Cà Mau hay hơn hai anh. Sau này tôi thường về Cà Mau, đi trên kinh xáng Xẻo Rô vào rừng U Minh, không lần nào không nhớ đến anh, thấy hiện lên câu văn của anh trong Bức thư Cà Mau: “Mùi bùn bốc lên từ các bãi bồi, vị muối trong hơi thở của các con kinh”. Anh có cuốn tiểu thuyết tên Những đứa con của đất. Chính anh là “con của đất”. |
Tác giả Hòn Đất về với đất Nhà văn Anh Đức vừa trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 79, giã biệt làng văn và cuộc đời vào 21g15 ngày 21-8 tại Bệnh viện Thống Nhất, sau tròn mười năm nằm bệnh. Nhà văn Anh Đức tên thật là Bùi Đức Ái, sinh ngày 5-5-1935 tại xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Ông làm phóng viên báo Cứu Quốc Nam Bộ từ năm 1952, giai đoạn này ông đoạt giải thưởng Văn nghệ Cửu Long (cho tập truyện ngắn Biển động). Sau đó Bùi Đức Ái tập kết ra Bắc, ông sáng tác với bút danh Bùi Đức Ái, đi thực tế nhiều, trong số đó có tiểu thuyết Một chuyện chép ở bệnh viện được đón nhận nồng nhiệt. Ông trở lại chiến trường miền Nam vào năm 1962 trong đợt đầu của các văn nghệ sĩ đi B. Vào miền Nam, ông ký bút danh Anh Đức, nổi tiếng với loạt ký sự Bức thư Cà Mau viết theo hình thức trao đổi văn học với nhà văn Nguyễn Tuân ở ngoài Bắc (NXB Văn Học, 1965). Sau đó ông đi thực tế Kiên Giang và viết tiểu thuyết nổi tiếng Hòn Đất (NXB Văn Học, 1966), tiểu thuyết này được đưa vào sách giáo khoa, quen thuộc với nhiều thế hệ học sinh và mang lại cho Anh Đức giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu (1965). Sau năm 1975, nhà văn Anh Đức sống tại TP.HCM, là ủy viên ban thư ký Hội Nhà văn TP.HCM, tổng biên tập tạp chí Văn, ủy viên Đảng đoàn các khóa 2 và 3, đại biểu Quốc hội khóa 7. Các tác phẩm nổi tiếng khác của ông: Biển động (1952), Một chuyện chép ở bệnh viện (1958), Thuyền sắp đắm (Kim Đồng, 1961), Giấc mơ ông lão vườn chim (1970), Ông già về hưu và những đứa trẻ (1980), Miền sóng vỗ (1980)... Ngoài các huân chương, huy chương, nhà văn Anh Đức còn được giải nhất truyện ngắn của tạp chí Văn Nghệ năm 1958; huy chương bạc Liên hoan phim quốc tế tại Matxcơva cho phim Chị Tư Hậu (1963), Giải thưởng Hồ Chí Minh (năm 2000). Linh cữu nhà văn Anh Đức quàn tại trụ sở Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật TP.HCM (81 Trần Quốc Thảo, Q.3). Lễ viếng bắt đầu từ 18g ngày 22-8. Lễ truy điệu và động quan: 8g chủ nhật 24-8 (nhằm ngày 29-7 âm lịch), sau đó đưa đi an táng tại nghĩa trang TP.HCM, Thủ Đức. LAM ĐIỀN |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận