Hình ảnh bà Hillary Clinton trong video tuyên bố tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016 - Ảnh cắt ra từ video clip trên YouTube |
Theo Hãng nghiên cứu Pew của Mỹ, nếu nhìn về lịch sử, cách tuyên bố ứng cử phổ biến nhất của các ứng viên tổng thống là đọc diễn văn tranh cử.
Tuy nhiên năm nay ở cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016, ngoài hai ứng viên là thượng nghị sĩ Marco Rubio của bang Florida và Rand Paul của bang Kentucky vẫn chọn cách truyền thống, thì đã có ít nhất hai ứng viên chọn mạng xã hội là nơi truyền đi thông điệp đầu tiên về tham vọng chính trị. Đó là cựu ngoại trưởng Hillary Clinton và thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz.
Bà Clinton chọn cách phát đi một video tranh cử trên YouTube (giống như cách đã làm hồi năm 2008), còn ông Cruz lại gửi đi một câu “tweet” trên Twitter: “Tôi sẽ ứng cử tổng thống và hi vọng được các bạn ủng hộ!”.
Tuy nhiên theo thống kê của Pew, việc tuyên bố tranh cử trên mạng vẫn chưa nhiều. Kể từ vòng bầu cử năm 2004, có 27 trong số 41 ứng viên chọn cách xuất hiện trong những cuộc tranh luận tổng thống của đảng Dân chủ hay Cộng hòa. Đôi khi các ứng viên cũng chọn các phương tiện khác như chương trình truyền hình.
Trong khi đó, mới chỉ có bảy ứng cử viên (gồm cả ông Cruz và bà Clinton) chọn mạng Internet để tuyên bố quyết định tranh cử tổng thống chính thức. Đó là cựu thống đốc bang Virginia Jim Gilmore, cựu thượng nghị sĩ bang Tennessee Fred Thompson, cựu phát ngôn viên Hạ viện Mỹ Newt Gingrich, cựu thống đốc bang New Mexico Gary Johnson….
Chưa rõ xu thế tranh cử trên mạng Internet và đặc biệt là trên các mạng xã hội ở Mỹ sẽ thế nào, có thật sự ưu thế hơn các phương pháp truyền thống không. Nhưng có một thực tế theo nghiên cứu điều tra của Pew, ngày càng nhiều người Mỹ tiếp nhận các tin tức chính trị từ những nguồn tin trên mạng xã hội, hoặc qua các tài khoản thông tấn hay trực tiếp từ các chính trị gia.
Có tới 3/4 người trưởng thành ở Mỹ sử dụng Internet (77%) dùng Facebook, khoảng 1/4 (23%) người chọn theo dõi (follow) hay thích (like) các tài khoản của những tổ chức, cá nhân thuộc các đảng phái chính trị và gần 1/3 (32%) cho biết đã post thông tin hoặc chia sẻ (share) tin tức cũng như quan điểm liên quan tới các vấn đề chính trị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận