Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn |
Với chủ đề: "Cách mạng số - Cơ hội và thách thức", Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit 2016) đã diễn ra tại Hà Nội sáng 24-9.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những thông điệp quan trọng gửi tới các bộ, ngành, địa phương cũng như cộng đồng CNTT-TT trong và ngoài nước.
Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của CNTT trong chiến lược phát triển của Việt Nam, cũng như những nhiệm vụ mà Việt Nam cần phải thực hiện ngay để vượt qua các thách thức, nắm bắt được cơ hội của cuộc cách mạng số.
Thủ tướng cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang mang lại những cơ hội và thách thức to lớn cho mọi quốc gia, dân tộc, trong đó có Việt Nam.
"Chúng ta phải nhận thức đầy đủ về những thách thức to lớn mà Việt Nam phải đối mặt. Phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, từ chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ và công nghệ lạc hậu sang chủ yếu dựa vào công nghệ, nhân lực chất lượng cao và đổi mới sáng tạo.
Nhiều ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động (như dệt may, da giày…) sẽ mất lợi thế cạnh tranh, cùng với đó là tình trạng thất nghiệp, nhất là lao động phổ thông...", Thủ tướng phân tích.
Thủ tướng cũng cho rằng những kết quả này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam và chưa đủ để vượt qua những thách thức to lớn mà Việt Nam đang phải đối mặt.
Vì vậy, theo Thủ tướng: "Cần phải hành động nhanh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa; tạo cuộc cách mạng trong ứng dụng công nghệ thông tin, tạo phương thức phát triển mới, nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia”.
Thủ tướng yêu cầu cần thực hiện sáu nhóm giải pháp cụ thể.
Một là, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, công nghệ cao, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng Chính phủ điện tử....
Hai là, thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ trong mọi ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội; đầu tư nâng cao năng lực tiếp thu và làm chủ công nghệ nhất là các công nghệ mới.
Ba là, thúc đẩy khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo, đưa Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp là con đường nhanh nhất để phát triển lực lượng doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ cao và tạo những nhân tố phát triển đột phá trong nền kinh tế số.
Bốn là, phát triển nguồn nhân lực số, biến lợi thế “dân số vàng” thành lợi thế về năng lực số trong hội nhập và phân công lao động quốc tế.
Năm là từng bước xây dựng và phát triển các thành phố thông minh, đi đầu là các đô thị lớn Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương…
Sáu là các cấp, các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp và toàn xã hội cần nâng cao nhận thức về cuộc cách mạng số, đồng thời quyết liệt đẩy nhanh việc ứng dụng CNTT để nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản trị hoạt động của mình.
Đây phải được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu và là trách nhiệm cao nhất của người đứng đầu trong các cơ quan tổ chức của Nhà nước, từ Trung ương xuống địa phương.
Đồng thời người đứng đầu Chính phủ cũng cam kết “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết tâm nắm bắt thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát huy lợi thế của Việt Nam nhất là lợi thế về phát triển CNTT đưa Việt Nam tiến cùng thời đại bằng những hành động cụ thể, thông qua các chính sách”.
Hơn 500 đại biểu của giới công nghệ thông tin, đại diện các bộ ngành, địa phương… đã tham dự Diễn đàn Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam 2016 (Vietnam ICT Summit). Các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các chuyên gia, lãnh đạo các doanh nghiệp CNTT hàng đầu trong và ngoài nước sẽ cùng thảo luận, chia sẻ về các giải pháp tận dụng thời cơ của Cách mạng số trong các vấn đề khởi nghiệp, hạ tầng CNTT, an toàn thông tin, nhân lực… Sau phiên khai mạc sáng ngày 24-9, tại Diễn đàn sẽ lần lượt diễn ra bốn cuộc tọa đàm chuyên sâu. Tại Diễn đàn, đại diện của IBM, Microsoft, và Amazon - những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới cũng đã chia sẻ những xu hướng chuyển dịch của ngành CNTT thế giới và giải pháp công nghệ tiên tiến nhất cho chính phủ, doanh nghiệp và người dân. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận