Nhà đài ngày càng quan tâm các chương trình phát trên Youtube: Clip ngắn Người phán xử sống chung với mẹ chồng được VFC sản xuất cho YouTube, bộ phim Hàn Quốc Mây họa ánh trăng được HTV2 phát trên Youtube trước khi lên sóng truyền hình, phim hoạt hình Chú chó đốm của THVL được xem lại rất nhiều |
Ăn theo hai bộ phim gây sốt là Người phán xử và Sống chung với mẹ chồng, Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) đã tung ra hai tập Người phán xử sống chung với mẹ chồng phát trước trên YouTube, sau đó mới phát sóng trên truyền hình.
Clip khá vui, đạt hơn 1 triệu lượt người xem trên YouTube.
VFC cho hay đây là sản phẩm đầu tiên họ thực hiện riêng cho YouTube như một món quà tặng khán giả, đồng thời cũng là cách quảng bá cho các phim mình sản xuất.
Cuộc chiến sở hữu “dân số”
Lập fanpage rồi đưa phim, chương trình lên YouTube sau khi phát sóng trên truyền hình để quảng bá là cách làm quen thuộc với các nhà sản xuất, nhà đài hiện nay.
Đã có ba kênh truyền hình Việt đạt được nút vàng của YouTube là Yeah1 TV, THVL1 và mới nhất là HTV2.
Ông Lê Quang Nguyên, giám đốc Đài PT-TH Vĩnh Long, cho biết: “Sự thay đổi của các đài theo nguyên tắc bù trừ: giảm lượng khán giả này thì bù vào lượng khán giả khác bằng việc phát triển nội dung trên Internet...
Việc tìm kiếm khán giả mới cũng là tìm kiếm nguồn quảng cáo mới bù vào quảng cáo trên truyền hình giảm sút”.
Mới đây, Đài truyền hình Vĩnh Long tiếp tục ra ứng dụng trên Internet THVLi nhằm thu hút thêm khán giả, đặc biệt là các kiều bào nước ngoài. Mới ra mắt hơn một tháng, THVLi đã có trên 500.000 lượt người đăng ký.
Còn theo đại diện HTV2: “Sở dĩ HTV2 được cộng đồng mạng quan tâm là do có những nội dung độc quyền được chúng tôi phát trên YouTube để phục vụ khán giả, nhiều chương trình được HTV2 phát sóng song song đến người xem qua kênh truyền hình lẫn YouTube”.
Cuộc chiến sở hữu khán giả của các đài chưa dừng lại.
Ông Phạm Anh Chiến - giám đốc Trung tâm VTVgo - cho biết VTVgo đang có kế hoạch sản xuất riêng các chương trình mới, vì sản phẩm trên Internet rất khác so với sản phẩm trên truyền hình truyền thống bởi gu người xem hai thể loại này khác nhau.
Vấn nạn bản quyền: bài toán khó
Tuy nhiên, vấn đề chống vi phạm bản quyền lại rất nan giải với các đơn vị sở hữu nhiều nội dung hay, thu hút được sự quan tâm của cộng đồng mạng.
VN có khoảng 2 triệu lượt người xem trong một tháng trên các trang có bản quyền. Trong khi đó với những trang web vi phạm bản quyền thì lượng người xem gấp 50 lần: khoảng 105 triệu.
Gần đây, một đơn vị sản xuất nội dung đã lên kế hoạch kiện các trang web ăn cắp bản quyền truyền hình nhưng sau thời gian tham khảo nhiều ý kiến, họ không làm nữa vì cho là quá gian nan.
Trong khi đó, nhiều nhà sản xuất, nhà đài sử dụng biện pháp khá thủ công là rà soát những trang web vi phạm bản quyền, sau đó yêu cầu trang web này và YouTube gỡ bỏ nội dung vi phạm.
Quảng cáo là nguồn oxy cho các trang web vi phạm. Vì thế, việc cắt đứt nguồn quảng cáo trên trang web này là một trong những cách để chấm dứt hoạt động của các trang web vi phạm bản quyền.
Đại diện kênh HTV2 cho biết sự kiên trì chính là điều quan trọng nhất giúp HTV2 xử lý triệt để các vi phạm về bản quyền suốt thời gian qua và kiến nghị: “Các cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh tay hơn nữa để xử lý vấn nạn vi phạm bản quyền.
Các doanh nghiệp/khách hàng quảng cáo hãy kiên quyết “nói không” với những trang web vi phạm bản quyền.
Việc quảng cáo trên môi trường online phải cần được quản lý chặt chẽ để hạn chế tối đa thất thu thuế. Nhà nước chỉ công nhận chi phí quảng cáo của doanh nghiệp khi doanh nghiệp quảng cáo trong những chương trình có bản quyền hợp pháp”.
Người xem truyền hình mỗi lúc một giảm Ông Phạm Thành Nam - giám đốc Công ty Sao Bắc Đẩu - đưa ra con số: Để đạt đến con số 50 triệu lượt người xem truyền hình mất 13 năm. Mất bốn năm đạt được 50 triệu người dùng Internet. Nhưng chỉ cần một năm là có ngay 200 triệu người sử dụng Facebook. Trong một hội thảo về phim truyền hình gần đây tại TP.HCM, ông Shinichi Mishiro - nhà sản xuất Hãng TBS (Nhật) - cho biết tỉ lệ người xem phim truyền hình ở Nhật ngày càng giảm. Cụ thể như năm 1997 số hộ gia đình xem tivi là 68,7%, đến năm 2016 chỉ còn 58,7%. Theo nguồn Nielsen, Rentrack, ở Mỹ số lượng người xem truyền hình cũng ngày càng giảm theo thời gian. Năm 2013 người trưởng thành sử dụng truyền hình là 52%, đến năm 2016 giảm còn 40%. Thậm chí khi trả lời câu hỏi kênh truyền hình nào quen thuộc mà bạn nghĩ đến, có đến 72% số người từ độ tuổi 16 đến 22 cho rằng đó là Netflix. Nhưng Netflix không phải là kênh truyền hình truyền thống, mà là dịch vụ xem video trực tuyến của Mỹ, nội dung chủ yếu là phim và các chương trình truyền hình khá phổ biến ở Mỹ và một số nước khác. Tại VN, Netflix có mặt từ đầu năm 2016. |
Từ lạnh nhạt sang nồng ấm Dù có vẻ mâu thuẫn, nhưng xu hướng báo chí (gồm cả báo in, đài phát thanh, truyền hình và các hãng thông tấn) phải cung cấp nội dung cho “đối thủ cạnh tranh trực tiếp” miếng bánh quảng cáo và cả người dùng (độc giả, khán thính giả) của mình là YouTube và Facebook. Nghịch lý có vẻ như không thể chấp nhận này hiện lại trở thành xu thế không thể đảo ngược. Trước đây, YouTube muốn hợp tác khai thác nhưng các báo khá e dè. Vài năm gần đây, mọi việc đã đảo ngược. Các báo lần lượt mở kênh chính thức trên YouTube song song với việc duy trì kênh video trên hệ thống riêng của mình. Không chỉ vậy, giờ đây video trên kênh YouTube được cập nhật cùng lúc với kênh riêng của các cơ quan báo chí. Các con số về người dùng cũng rất hấp dẫn: CNN có hơn 2,7 triệu, AP gần 800.000, BBC hơn 1,3 triệu, ABC News hơn 2,6 triệu, New York Times gần 900.000 khán giả đăng ký trên YouTube... Không dễ có một lượng lớn khán giả như vậy nếu thiếu nền tảng công nghệ. Với lượng bạn đọc đăng ký lớn như vậy, chưa tính một lượng lớn bạn đọc vãng lai, không khó hiểu tại sao giờ đây các cơ quan báo chí đã coi YouTube như kênh không thể thiếu. Hiện nay, số lượng video đưa lên kênh YouTube rất lớn, như CNN đưa lên hơn 136.000, AP hơn 107.000, Fox News hơn 34.000 và ABC News hơn 38.000 video. Khi các báo đưa “gia tài” video của mình lên YouTube thì ngoài các lợi ích như tận dụng sức mạnh công nghệ, mở rộng tiếp cận bạn đọc thì nguồn doanh thu từ quảng cáo trực tuyến mang lại cũng đang tăng dần. Mô hình cộng sinh mang lại lợi ích win-win cho cả hai bên. Thế mạnh nhờ độc quyền thông tin hay công nghệ không còn nữa. Hiện giờ ai cũng có thể live stream hay mở kênh riêng trên YouTube, Facebook. Công nghệ đã biến việc truyền hình trực tiếp từ chỗ phức tạp và tốn kém trở thành đơn giản và gần như miễn phí cho tất cả mọi người. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận