Các bạn trẻ mỗi người một chiếc điện thoại đi tìm Pokémon Go tại công viên Tao Đàn trưa 8-8 - Ảnh: DUYÊN PHAN |
“Bắt được rồi! Thêm một con nữa kìa!” - vừa reo lớn, Thúy An (21 tuổi, sinh viên Trường ĐH Văn Lang) vừa “tóm” một chú Pokémon trên màn hình cảm ứng của điện thoại. Đi cạnh An ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM), ba bạn trong nhóm cũng dán mắt vào màn hình.
“Chơi riết rồi ghiền”
Trước kia phố đi bộ tràn ngập những bạn trẻ dạo chơi, chụp hình thì từ khi có Pokémon Go, hầu như ai cũng chăm chăm vào màn hình điện thoại. Hỏi vì sao An lại chơi trò này, cô nói: “Ban đầu mình chỉ cài thử cho biết vì thấy bạn bè chơi nhiều, nhưng càng chơi càng thấy cuốn hút. Rồi tụi mình đua nhau xem ai bắt được nhiều hơn”. An cho biết trung bình một ngày bản thân mất 4-5 tiếng để chơi, tận dụng buổi sáng mới thức dậy, giờ giải lao ở trường, nghỉ trưa, buổi tối...
Chỉ là phong trào? Một chuyên gia công nghệ thông tin nói hiện nay trò chơi Pokémon Go đã tạo thành một phong trào, các bạn trẻ bị cuốn theo. “Tôi có hỏi một số bạn, họ cho biết thấy người khác chơi thì cũng chơi cho biết chứ không cần biết trò chơi có lợi ích hoặc tính giáo dục hay không” - vị này nói. Và do vị trí Pokémon hiển thị trên màn hình điện thoại có thể trùng với nhiều điểm trên thực tế như bàn làm việc, nhà vệ sinh... nên vô tình người chơi khi đổ xô đi “săn” đã làm ảnh hưởng đến những người khác. Việc này có thể gây khó chịu, mất thời gian cho người chơi lẫn người xung quanh. Cũng theo chuyên gia này, bạn trẻ không nên làm theo phong trào, không hình dung được những tác động của việc “ghiền” chơi đến bản thân và môi trường xung quanh, dễ dẫn đến tai nạn, mất mát tài sản và lơ là công việc. Chỉ nên dành một thời gian ngắn trong ngày để chơi, và khi chơi nên đi thành nhóm. Không nên đi một mình ra những chỗ vắng vẻ, tốt nhất là “bắt” ở những nơi đông người, an ninh tốt. |
Ở khu vực công viên 30-4, giới trẻ cũng háo hức săn Pokémon. Chị Đinh Thị Thu Hà thở dài đi theo hai con gái 19 và 17 tuổi. Chị nói: “Mấy mẹ con thường ra công viên đi dạo buổi tối, nhưng từ khi có Pokémon Go hai đứa cứ lo chơi. Bây giờ gần 10g đêm nhưng vẫn chưa chịu về”.
Thu Trang, con gái chị Hà, nói: “Tôi thấy chơi trò này cũng thú vị, đuổi bắt Pokémon giúp mình đi bộ xả stress thay vì tối ngày lên Facebook. Chơi riết rồi ghiền, Pokémon còn là con vật trong truyện tranh, gắn bó tuổi thơ”.
Quanh khu vực trung tâm thành phố như khu phố Tây đường Bùi Viện, Bưu điện thành phố, công viên Tao Đàn... cho đến khu vực công viên Lê Thị Riêng (Q.10), khu vực cầu Ánh Sao (Q.7)... tràn ngập những bạn trẻ chơi Pokémon Go.
Không chỉ nhóm bạn mà các cặp vợ chồng, cặp đôi, thậm chí bạn trẻ đi một mình cũng tham gia trò này. Khách nước ngoài cũng hăng hái không kém bạn trẻ Việt Nam.
Đụng xe, mất điện thoại
Bên cạnh việc giúp người chơi vận động nhiều hơn, việc quá chú tâm vào trò chơi đã gây ra những hậu quả đáng tiếc. Cặp đôi Lê Bảo Hòa và Trần Thị Xuyến (nhân viên văn phòng ở Q.3) kể: “Hôm trước có hai bạn đi chung cùng chơi, nhưng rồi bạn nữ cứ lo đuổi theo Pokémon, tới khi đứng ở vỉa hè thì bị giật điện thoại. May mà chỉ mất điện thoại chứ không bị té ngã gì...”.
Còn chị Hoàng Lê Thủy Ngân (23 tuổi, Q.Gò Vấp) chia sẻ: “Nói ra thì hơi xấu hổ nhưng mình bị giật mất điện thoại khi liên tục dán mắt vào màn hình vừa đi trên đường vừa bắt Pokémon”.
Không những thế, những nhóm bạn khi chơi thường chỉ tập trung nhìn vào điện thoại, bỏ mặc chiếc balô hoặc túi xách nằm chỏng chơ, tạo điều kiện cho kẻ gian có cơ hội trộm cắp.
Trên đường phố, việc vừa chạy xe vừa bật điện thoại chơi trò này có thể dẫn đến tai nạn, va quẹt. Tối 8-8, hai bạn trẻ chở nhau vòng qua vòng xoay khu vực nhà thờ Đức Bà (Q.1) do mải mê bắt Pokémon đã va chạm với một xe đạp đi ngược chiều.
Hỏi chuyện, người thanh niên tên Quân cho biết: “Tôi chơi say sưa quá nên không để ý tới xung quanh, bị đụng xe vậy mới thấy hết hồn. Cũng tại trong đầu cứ nghĩ phải bắt Pokémon cho kỳ được”. Có người đang chạy xe còn bất chợt dừng lại, hoặc quay đầu xe đột ngột khiến người đi gần một phen hết hồn.
Hiểu đơn giản, Pokémon Go là trò chơi tương tác trên màn hình cảm ứng của điện thoại, iPad... Khi khởi động trò chơi, màn hình sẽ hiện ra bản đồ khu vực của người chơi, khi có Pokémon xuất hiện, người chơi chỉ cần ném quả cầu để “bắt”. Mỗi lần “bắt”, người chơi sẽ được tích lũy điểm kinh nghiệm, đạt tới điểm số định mức sẽ được tăng cấp. Trò chơi này khiến người chơi phải vận động chứ không thể ngồi ỳ một chỗ. |
Iran cấm Pokémon Go Iran vừa trở thành quốc gia đầu tiên cấm trò chơi trên di động đang gây sốt trên thế giới - Pokémon Go với lý do rằng nước này quan ngại an ninh về việc trò chơi dùng công nghệ thực tế ảo dựa trên định vị ở bản đồ thật. “Bất kỳ trò chơi nào muốn hoạt động toàn quốc tại Iran cần phải có giấy phép từ Bộ Văn hóa và hướng dẫn Hồi giáo, ứng dụng Pokémon Go chưa nộp đơn xin phép” - Hãng thông tấn bán chính thức Isna trích lời người đứng đầu Hội đồng tối cao về không gian ảo của Iran là Abolhasan Firouzabadi cho biết. Quan chức tư pháp cấp cao Abdolsamad Khorramabadi nói rằng tuần trước trò chơi tăng cường tính thực tế này đã đặt an ninh Iran vào tình thế tiến thoái lưỡng nan và đơn vị tình báo của Tehran đã thông qua lệnh cấm trên. “Có nhiều vấn đề với trò chơi và an ninh, nó có thể gây ra những vấn đề cho đất nước và người dân của chúng ta” - Hãng thông tấn bán chính thức Tasnim trích lời ông Khorramabadi cho biết. Kể từ khi Pokémon Go ra đời cách đây khoảng một tháng, theo sau các sự cố, thậm chí là những vụ giết người tại một số nước trên thế giới, Công ty Niantic - phát triển trò chơi trên cho Nintendo - đã thêm vào các cảnh báo trong trò chơi “Đừng vi phạm luật khi đang chơi Pokémon Go”. Bi kịch mới nhất liên quan đến Pokémon Go là vụ việc VĐV bóng rổ Calvin Riley (20 tuổi) bị bắn chết khi đang chơi trò chơi này tại một khu vực vắng vẻ tại công viên Aquatic, San Francisco (Mỹ) tối 6-8. ANH THƯ |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận