Dubai đưa vào sử dụng thí điểm robot cảnh sát - Ảnh: CNN |
Theo đài CNN, loại robot vừa được cảnh sát Dubai đưa vào thử nghiệm là robot có hình dáng con người có tên REEM. Đây là robot do công ty PAL Robotics của Tây Ban Nha chế tạo.
Robot REEM ra mắt lần đầu năm 2011, nặng 220 pound (99,7 kg), cao 1,67 mét, có hai tay và di chuyển bằng bánh xe. Robot này có thể nói được 9 ngôn ngữ và có thể được tùy biến rất linh hoạt.
Theo ông Khalid Nasser Alrazooqi, người phụ trách dự án robot cảnh sát của Cảnh sát Dubai: "Robot cảnh sát sẽ trở thành một dịch vụ tương tác với người dân".
Cụ thể người dân có thể hỏi thông tin từ robot, nộp tiền phạt và tiếp cận các thông tin đa dạng từ lực lượng cảnh sát thông qua phần mềm được thiết kế riêng cho nó.
Cũng theo ông Alrzooqi, mặc dù công nghệ nhận diện gương mặt của robot cảnh sát chỉ chính xác tới 80%, nhưng các mắt có gắn camera của robot sẽ truyền phát tín hiệu trực tiếp tới một trung tâm kiểm soát điều khiển để phân tích.
Cảnh sát robot có thể bắt tội phạm?
Sau một thời gian đánh giá kết quả triển khai thí điểm, các robot cảnh sát ở Dubai sẽ được nhân rộng quy mô. Tuy nhiên hãng PAL Robotics không cho biết họ được đặt hàng bao nhiêu robot.
Ông Khalid Nasser Alrazooqi nói: "Trong giai đoạn đầu các robot cảnh sát sẽ được triển khai tại những điểm du lịch và các trung tâm thương mại trong thành phố", đồng thời sẽ sớm làm việc như những nhân viên lễ tân tại các đồn cảnh sát.
Ông Alrazooqi cho biết giai đoạn tiếp theo sẽ là nghiên cứu và phát triển để tạo ra mẫu robot có thể thực hiện đầy đủ các chức năng của một cảnh sát bình thường. Tuy nhiên ông không tiết lộ những công ty có liên quan tới khâu này của dự án.
"Về mặt công nghệ, chúng tôi vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức", ông Alrazooqi thừa nhận. Theo đó ông nhắc tới các nhu cầu kỹ thuật để robot có thể thực hiện được nhiều thao tác phức tạp hơn như "robot có thể chạy như người, bắt giữ tội phạm và mang theo vũ khí".
Ông Alrazooqi nói: "Chúng tôi vẫn đang chờ đợi các nhà chế tạo có thể đáp ứng được mục tiêu đó. Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với họ, và thậm chí chúng tôi cũng cung cấp cho họ mọi yêu cầu cần thiết về hệ thống".
Tuy nhiên một robot cảnh sát có khả năng thực hiện mọi tác vụ bình thường của một cảnh sát người có vẻ như vẫn là kế hoạch còn khá xa về độ khả thi. Ông Alrazooqi chia sẻ kỳ vọng tại triển lãm công nghệ Dubai Expo 2020 tới đây đơn vị do ông phụ trách sẽ có được mô hình đầu tiên của robot cảnh sát loại này.
Robot E-Patrol Robot Sheriff làm nhiệm vụ tại ga tàu Đông Trịnh Châu ngày 15-2-2017, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc - Ảnh: CNN |
Cần có luật robot?
Giáo sư Alan Winfield chuyên ngành đạo đức học robot tại Đại học West of England nêu lên một số nghi ngại của ông về việc ứng dụng robot vào đời sống.
Ông nói: "Có những vấn đề đạo đức đáng kể. Nếu bạn ra lệnh cho một con robot bắt giữ tội phạm, làm thế nào để bạn có thể dám chắc nó sẽ không làm bị thương những người đó?"
Còn nếu để tạo ra một con robot có khả năng can thiệp an toàn trong những tình huống có liên quan tới tội phạm, chuyên gia này khẳng định đó sẽ là việc "vô cùng khó".
Thêm nữa, một câu hỏi tất yếu được đặt ra là liệu robot có lầm lẫn không, và khi đó chuyện gì sẽ xảy đến? Tháng 7-2016 một con robot an ninh hình trứng tại California đã gây tai nạn với một em bé mới 16 tháng tuổi.
May mắn là trong trường hợp đó, em bé chỉ bị thương nhẹ, nhưng dù thế thì lòng tin của mọi người với robot đã bị giảm sút khá nhiều và nhà sản xuất robot Knightscope cũng phần nào bị tai tiếng sau tai nạn đó.
Giáo sư Alan Winfield đặt câu hỏi: "Đương nhiên khi con người gây lỗi họ phải chịu trách nhiệm. Vấn đề ở đây là bạn không thể bắt máy móc chịu trách nhiệm cho những sai sót của nó… Bạn trừng phạt nó thế nào đây? Bạn không thể làm vậy".
Bà Chrissie Lightfoot, giám đốc điều hành của hãng Robot Lawyer LISA và cũng là người giữ vai trò lĩnh xướng trong các cuộc tranh luật về luật liên quan tới robot, cho rằng nếu robot mắc sai sót, trách nhiệm về việc này có thể bị quy cho rất nhiều người như nhà sản xuất, lập trình viên, người chủ và người điều khiển nó….
Từ đó bà Chrissie Lightfoot chất vấn: "Liệu rằng các hãng bảo hiểm có thực sự sẵn lòng muốn cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho những tình huống như vậy không? Tôi nghĩ chúng ta cần có một điều luật rõ ràng trong bối cảnh các robot cũng như trí tuệ nhân tạo đang tiến hóa không ngừng, để từ đó có một cơ sở pháp lý có thể trông cậy vào trong tình huống này hay tình huống khác".
Tháng 2 năm nay, Trung Quốc cũng ra mắt loại robot cảnh sát có tên E-Patrol Robot Sheriff. Đây là mẫu robot được thiết kế để sử dụng tại các khu vực công cộng. Theo truyền thông địa phương, robot này có khả năng tham chiếu cơ sở dữ liệu nhận diện gương mặt tội phạm của cảnh sát, khi phát hiện ra đối tượng bị truy nã, nó sẽ đuổi theo đối tượng đó cho tới khi cảnh sát xuất hiện. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận