Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện một nhà mạng khai thác tuyến cáp trên (đề nghị không nêu tên) cho biết theo quy trình sửa chữa cáp quang biển, khi có sự cố đứt cáp xảy ra, đài kiểm soát khu vực xảy ra sự cố sẽ tiến hành đo và xác định vị trí điểm đứt, rồi tiến hành thông báo lên hệ thống về vị trí đứt cáp, chẳng hạn vị trí đứt cáp cách bờ biển Vũng Tàu 200km.
Sơ đồ cáp quang biển AAG. - Ảnh: AAG |
Sau đó đơn vị vận hành cáp sẽ liên hệ với đội tàu sửa cáp để đăng ký lịch sửa chữa. Khi một tàu nhận được lệnh, chiếc tàu đó và đơn vị vận hành cáp phải gửi đơn đến chính phủ của quốc gia, lãnh thổ có hải phận đang xảy ra sự cố cáp để xin phép cho tàu di chuyển vào hải phận xử lý sự cố.
Thời gian xác định vị trí sự cố thường mất một ngày, đăng ký tàu mất thêm một ngày, thời gian xin phép chính phủ mất thêm trung bình một tuần.
Việc tàu di chuyển đến vị trí xảy ra sự cố nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào vị trí của tàu khi nhận lệnh. Nếu tàu ở Singapore di chuyển qua Vũng Tàu của Việt Nam thì sẽ nhanh, nhưng nếu tàu đang ở Nhật Bản thì sẽ lâu hơn. Thời gian di chuyển trung bình của tàu là 3-4 ngày.
Tất nhiên đơn vị vận hành cáp luôn cố gắng tìm kiếm chiếc tàu ở gần nơi xảy ra sự cố nhất và đang “rảnh rỗi” nhất.
Tuy nhiên do các hoạt động thường diễn ra trên biển khơi nên khi tàu đến vị trí xảy ra sự cố chưa chắc việc sửa chữa đã được tiến hành ngay, bởi nếu biển động mạnh việc sửa chữa chưa tiến hành được, tức mất thêm vài ngày nữa.
Sau khi khoanh vùng được vị trí đoạn cáp bị đứt, tàu sẽ cho thợ lặn xuống kiểm tra và cố định vị trí đứt cáp. Tiếp đó họ sẽ xem xét độ dài cáp dự phòng dưới biển còn bao nhiêu, bởi muốn hàn phải đưa cáp lên trên mặt nước nhưng sợi cáp có thể ở độ sâu hàng chục mét, thậm chí hàng trăm mét dưới đáy biển. Họ phải cho nhả cáp dự phòng để đoạn cáp bị đứt dài ra thêm đủ để nâng lên trên mặt nước mà không gây ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống.
Sau đó một robot chuyên dụng sẽ lặn xuống đáy biển kẹp hai đầu đoạn cáp bị đứt và đưa lên trên tàu để tiến hành hàn. Thời gian hàn mất 3-4 ngày rồi mới tiến hành thả cáp xuống biển.
Thời gian xác định vị trí sự cố thường mất một ngày, đăng ký tàu mất thêm một ngày, thời gian xin phép chính phủ mất thêm trung bình một tuần. |
Nếu đáy biển sâu khoảng 100m trở lại thì robot sẽ đưa cáp xuống đáy biển, thổi bùn, chôn cáp và lấp che giấu sợi cáp lại. Khi chôn cáp xong, tàu sửa chữa sẽ bật nguồn điện kiểm tra hoạt động và hoàn thành việc sửa chữa.
Còn ở những vùng biển sâu hàng kilômet thì sợi cáp chỉ được thả lơ lửng ở một độ sâu nhất định và có phao tiêu để xác định vị trí. Như vậy thời gian trung bình để khắc phục xong một sự cố cáp kể từ lúc xảy ra nhanh nhất là hai tuần, chậm là bốn tuần.
Từ đầu năm 2015 đến nay, AAG có ít nhất ba lần gặp sự cố vào đầu tháng 1-2015, cuối tháng 4-2015 và đầu tháng 6-2015. Việt Nam hiện có tổng cộng bốn tuyến cáp quang biển, trong đó tuyến AAG có dung lượng lớn nhất và được đầu tư gần đây nhất, còn các tuyến khác (SE-ME-WE-3, TVH) đều đã có tuổi đời từ 10-15 năm và dung lượng thấp. Tuyến cáp IA tuy mới được xây dựng nhưng dung lượng cũng không bằng AAG. Vì vậy mỗi lần AAG xảy ra sự cố sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ Internet chung của Việt Nam. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận