Sau này việc mua SIM điện thoại di động có thể cần cung cấp số chứng minh nhân dân thay vì thoải mái chọn số như hiện tại - Ảnh: Châu Anh |
* Một cán bộ Viễn thông TP.HCM (VNPT):
Phải bảo mật thông tin khách hàng
Tôi đồng tình với việc thuê bao trả trước cũng phải ký hợp đồng như thuê bao trả sau. Việc này, nhà mạng Vinaphone từng bước thực hiện bằng nhiều hình thức.
Ví dụ sau khi khách hàng mua một sim trả trước ở một đại lý, trong vòng một tuần nhân viên tổng đài sẽ lọc ra những thuê bao đăng ký tên sai để gọi điện nhắc nhở hoặc nhắn tin cho khách hàng đến địa điểm gần nhất để đăng ký.
Nếu khách hàng không đăng ký, trường hợp sim bị khóa hay gặp các vấn đề khác thì mạng Vinaphone sẽ không chịu trách nhiệm giải quyết.
Việc đăng ký theo quy định giúp ích rất nhiều cho công tác quản lý, thậm chí nguồn phát tán tin nhắn rác cũng được truy tới nơi tới chốn. Thủ tục đăng ký hiện giờ khá đơn giản: chỉ cần photo chứng minh nhân dân là có thể đến các điểm giao dịch, thậm chí cả đại lý bán sim, để thực hiện.
Riêng thủ tục bảo mật cho khách hàng, nhà mạng cũng thực hiện nghiêm ngặt theo quy định. Nếu một người nào đó gọi đến hỏi tổng đài tên, địa chỉ, chức vụ của chủ thuê bao một số điện thoại di động nào đó, nhân viên tổng đài không có quyền cung cấp, trừ trường hợp cơ quan chức năng có yêu cầu để phục vụ công tác điều tra vụ án.
Trường hợp nhân viên tổng đài nào để lộ thông tin khách hàng thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cũng xin nói thêm rất nhiều trường hợp bị lộ thông tin do những kênh giao dịch khác như: đăng ký qua ngân hàng, mua bán bất động sản, bệnh viện... chứ chưa chắc từ nhà mạng.
Tuy nhiên tôi cũng đồng tình nên đưa nội dung “nhà mạng cam kết không làm lộ thông tin cá nhân khách hàng” vào nội dung hợp đồng hoặc thủ tục đăng ký để khách hàng tin tưởng hơn.
* Luật sư Nguyễn Văn Hậu (phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM):
Sẽ cấm email, tin nhắn rác
Luật an toàn thông tin mạng sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2016. Trong đó quy định rất rõ các hành vi bị nghiêm cấm như thu thập, phát tán, kinh doanh thông tin cá nhân.
Tổ chức, cá nhân không được gửi thông tin mang tính thương mại vào địa chỉ điện tử (bao gồm địa chỉ thư điện tử, số điện thoại, địa chỉ Internet và hình thức tương tự khác) của người tiếp nhận khi chưa được người tiếp nhận đồng ý hoặc khi người tiếp nhận đã từ chối.
Về bảo vệ thông tin cá nhân, luật trên quy định tổ chức, cá nhân xử lý thông tin không được cung cấp, phát tán thông tin cá nhân thu thập được cho bên thứ ba. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng thiết lập kênh thông tin trực tuyến tiếp nhận kiến nghị, phản ảnh liên quan đến bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên mạng. Tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý về hành chính, hình sự.
Về hành vi nhắn tin, gọi điện thoại quấy rầy khách hàng, thật ra cũng đã có quy định về hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin cá nhân trong hoạt động thương mại điện tử (tại nghị định 185/2013, được sửa đổi, bổ sung tại nghị định 124/2015, vừa có hiệu lực thi hành vào ngày 5-1-2016).
Trong đó, sử dụng thông tin cá nhân của người tiêu dùng không đúng với mục đích và phạm vi đã thông báo có thể bị phạt tiền 20 - 30 triệu đồng.
Nhìn chung, quy định bảo vệ người dùng dịch vụ di động như trên là xu hướng tất yếu bởi họ bị làm phiền quá nhiều. Luật pháp ngày càng hoàn thiện, có đủ cơ sở để xử lý vi phạm cũng đòi hỏi những cơ quan thực thi phải làm nghiêm.
* Ông Lê Quốc Cường (phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM):
Có cách làm khoa học về giới hạn tần suất nhắn tin
Quan điểm của chúng tôi là để ngăn chặn tin nhắn rác thì quản lý thuê bao trả trước là gốc của vấn đề, doanh nghiệp viễn thông phải chịu trách nhiệm chính. Tuy nhiên, đi kèm với việc quản lý thông tin thuê bao trả trước cần nhiều giải pháp hỗ trợ khác.
Trong khảo sát của báo Tuổi Trẻ, người dân góp nhiều ý kiến rất hay. Tuy nhiên, có một số ý kiến chưa đồng tình với việc giới hạn tần suất tin nhắn, cho rằng nhắn bao nhiêu tin là quyền của người dùng dịch vụ. Điều đó đúng nhưng chưa thật sự đầy đủ. Tôi cho rằng nếu hiểu rõ hơn về “giới hạn tần suất nhắn tin” người dân sẽ ủng hộ.
Giới hạn không phải đưa ra mức tối đa rồi cấm không cho nhắn qua con số đó mà là sự phân loại. Không chỉ là tần suất, việc phân loại còn dựa vào nguồn gửi và từ khóa nội dung. Nhắn đến số lượng bao nhiêu với nội dung như thế nào thì được xem là nhắn tin quảng cáo và phải có hình thức quản lý tương ứng, như việc phải đăng ký về nội dung, số lượng...
Tất nhiên, cái mốc để phân loại sẽ được nghiên cứu rất kỹ, lấy thêm ý kiến góp ý. Tôi cho rằng như vậy vẫn đảm bảo nhu cầu của người sử dụng dịch vụ (nhu cầu nhắn tin thông thường, nhu cầu quảng cáo), “giới hạn” ở đây chỉ là sự phân loại, phân cấp để quản lý.
Đăng ký chỉ cần chứng minh nhân dân Theo ông Nguyễn Ngọc Tâm - phó giám đốc Trung tâm kinh doanh viễn thông TP.HCM (VNPT), việc đăng ký khi mua sim trả trước (thuê bao trả trước) rất đơn giản, chỉ cần khách hàng cung cấp tên, số chứng minh nhân dân theo đúng người mua với các đại lý, điểm bán sim. Nhân viên đại lý, người bán sim sẽ gửi thông tin cập nhật về tổng đài là xong. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận