Bên ngoài một cửa hàng của AT&T ở New York ngày 17-6 - Ảnh: Reuters |
Theo MSNBC, sáng 17-6, FCC cho biết cuộc điều tra do Cục Thực thi pháp luật của FCC tiến hành đã phát hiện nhà mạng AT&T cố tình làm chậm lại tốc độ truy cập mạng của hàng triệu khách hàng sử dụng gói cước không giới hạn mà không hề thông báo với họ.
Tờ Techcrunch dẫn nguồn báo cáo điều tra của FCC nêu rõ rất nhiều khách hàng của AT&T phàn nàn về việc tốc độ truy cập mạng bị chậm đi rõ rệt (giảm tới 20 lần so với tốc độ truy cập bình thường theo như quảng cáo của AT&T) sau khoảng 12 ngày sử dụng gói cước không giới hạn (tương đương khoảng 5 GB dữ liệu), khiến việc truy cập các ứng dụng như bản đồ GPS và xem video trực tuyến rất khó khăn.
Khách hàng xứng đáng được nhận những gì họ bỏ tiền ra mua. Các nhà cung cấp dịch vụ băng thông phải rõ ràng trong các gói sản phẩm. Chúng tôi không thể làm ngơ khi người tiêu dùng bị nhà mạng lừa đảo bằng những chiêu trò quảng cáo nhập nhằng và cung cấp thông tin không đầy đủ |
Ông Tom Wheeler (chủ tịch Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ) |
Sẽ còn phạt tiếp
Người đứng đầu Cục Thực thi pháp luật của FCC, ông Travis LeBlanc, tuyên bố: “Mức phạt hôm nay cho thấy FCC cam kết trong việc sẽ bắt các nhà cung cấp dịch vụ băng thông phải chịu trách nhiệm vì không thông tin đầy đủ tới khách hàng về những giới hạn trong dịch vụ cung cấp”.
Cũng trong cuộc họp ngày 17-6, nhiều quan chức cao cấp của FCC đã cảnh báo nếu các nhà mạng còn tiếp tục làm ăn theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó” như thế thì sẽ bị phạt tiếp.
Tháng 10 năm ngoái, AT&T đã bị Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC) kiện vì những cáo buộc tương tự với cáo buộc của FCC, tuy nhiên vụ việc đang được FTC chuyển tới tòa án liên bang tại San Francisco chờ phân xử.
Hành vi của AT&T bị cho là đã vi phạm các điều luật yêu cầu minh bạch về một hệ thống Internet mở của FCC năm 2010. Theo đó, nhà mạng có trách nhiệm phải thông tin cụ thể, rõ ràng, đầy đủ về các vấn đề liên quan tới dịch vụ do họ cung cấp tới người dùng.
Nhà mạng AT&T cho biết sẽ đấu tranh đến cùng để chống lại quyết định của FCC.
Tuy không tranh cãi về việc làm chậm tốc độ của người dùng gói cước không giới hạn, nhưng người phát ngôn của công ty cho biết: “Chính FCC từng phê chuẩn cách làm này là hợp pháp và hợp lý để quản lý tài nguyên mạng vì lợi ích của mọi người tiêu dùng, họ biết từ lâu là tất cả các nhà mạng lớn đều áp dụng cách đó.
Chúng tôi cung cấp thông tin hoàn toàn minh bạch tới khách hàng, gửi thông báo tới họ bằng nhiều cách và thậm chí còn làm việc đó từ rất lâu trước khi có yêu cầu công khai thông tin của FCC”.
Tuy nhiên FCC nói rõ đã nhận được “hàng ngàn đơn khiếu nại” từ các khách hàng của AT&T. Trong đó họ nói rất “ngạc nhiên” hay cảm thấy “bị lừa đảo” khi biết nhà mạng đã cố tình làm chậm tốc độ truy cập trong gói cước không giới hạn.
Muốn đảm bảo nguồn thu
Các nhà cung cấp dịch vụ mạng không dây ở Mỹ bắt đầu cung cấp gói cước không giới hạn từ cả thập kỷ trước nhằm khuyến khích người dùng truy cập Internet trên thiết bị di động.
Tuy nhiên khi điện thoại thông minh ngày càng phổ biến, người dùng bắt đầu xem video trực tuyến trên YouTube và tải hình ảnh ngày càng nhiều lên các trang mạng xã hội như Facebook, tính kinh tế của các gói cước này bị ảnh hưởng đáng kể.
Nhu cầu về lưu lượng dữ liệu mạng tăng nhanh đòi hỏi nhà cung cấp phải đầu tư tốn kém vào việc nâng cấp hạ tầng, từ đó thu hẹp lợi nhuận từ các gói cước không giới hạn.
Do đó nhà mạng phản ứng bằng cách chuyển sang những gói cước với nhiều mệnh giá theo kiểu “tiền nào của nấy”, buộc người dùng phải trả nhiều tiền hơn nếu muốn sử dụng nhiều dữ liệu.
Nhiều năm trước, các nhà mạng AT&T và Verizon đã ngừng triển khai gói cước không giới hạn với các thuê bao mới.
Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn của họ là T-Mobile US và Sprint vẫn có gói cước này, tuy nhiên đã ngừng hẳn vào thứ sáu tuần trước (12-6) khi chính sách trung lập mạng của FCC có hiệu lực.
Chính sách trung lập mạng của FCC là nguyên tắc đảm bảo tất cả lưu lượng truy cập mạng đều được đối xử bình đẳng cho dù họ vào Facebook, lướt web, mua sắm trên Amazon hay xem video trên YouTube...
Hiện tại người dùng chủ yếu tiêu tốn dung lượng truy cập Internet qua việc xem video trực tuyến. Theo thống kê của Ericsson, có tới 45% lưu lượng truy cập Internet trên các thiết bị di động liên quan tới video. Một dự báo khác gần đây cho thấy tới năm 2020, video sẽ chiếm 60% tổng lưu lượng truy cập Internet trên thiết bị di động.
Khoản phạt áp lên AT&T ngày 17-6 là vụ việc mới nhất trong hàng loạt vụ xử lý hành chính với vi phạm của những nhà mạng lớn nhất tại Mỹ trong năm qua của FCC. Tháng trước, cơ quan này cho biết hai nhà mạng Verizon và Sprint đã chấp thuận nộp phạt lần lượt 90 triệu USD và 68 triệu USD vì tự ý thêm những khoản phí vô lý vào hóa đơn tiền điện thoại của khách hàng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận