Tôi vừa hoàn thành một thử thách nho nhỏ, đó là một ngày nói không với Facebook. Thử thách này tôi tự đặt ra cho mình không xuất phát từ nhu cầu “ở ẩn”, hay quá bận rộn việc khác, mà qua 6 năm làm quen với Facebook, tôi nhận ra một điều rằng: Facebook là một thứ gây nghiện, và làm tôi xao nhãng mọi thứ xung quanh mình.
“Tôi từng nghĩ mình không thể nghiện Facebook được, như việc mình đã không nghiện rượu hay thuốc lá. Nhưng rồi, tôi nhận ra có những lúc mình vào Facebook một cách vô thức. Nhất là những khoảng thời gian rảnh rỗi tôi thường bị thế giới trên “phây” quyến rũ một cách... vô tình. Tức mình nghiện mà mình không cho rằng mình nghiện”. |
Khánh Hưng |
Trước đó một ngày, bạn thử hình dung ngày mới của tôi bắt đầu bằng việc mở mắt và cầm điện thoại lên, rồi vào Facebook như một thói quen. Tôi đưa tay lướt một cách vô hồn, xem tin nhắn, đọc qua tất cả những thông tin.
Nếu may mắn “nhặt” được những thông tin vui thì tôi thức dậy và đầu cứ âm ỉ niềm vui suốt hôm đó. Trái lại, nếu gặp phải những tin buồn, tâm trạng tôi ủ dột và cứ thấy “buồn không biết vì sao mình buồn” suốt cả ngày.
Tức là dù lượm nhặt được thông tin vui hay buồn thì cả ngày hôm đó tôi cứ như người ở lại mà hồn trên “phây”. Không một chút sức lực hay động lực nào để bắt đầu công việc.
Tôi đến cơ quan, mở máy tính và hình ảnh lúc sáng tiếp tục bám riết lấy mình. Trong tôi như có một con người khác thúc giục “hãy vào Facebook đi, có người nhắn kìa, ảnh đại diện có người bình luận kìa, note mới viết có người thả tim đó...”.
Và thật khó mà cưỡng lại những niềm sung sướng đang mời gọi, tôi mở Facebook lên. Không một ai nhắn, không ai bình luận, nhưng vẫn kéo chuột trôi theo dòng new feed. Like cho người này một cái, bày tỏ cảm xúc cho người kia, nếu thấy ai quen quen mới đăng hình nhảy vào “còm-men” rồi... hồi hộp chờ đợi người kia trả lời. Và đôi khi những dòng bình luận đi đi lại lại không ngừng, tôi vẫn đợi, mặc dù nhận lại chỉ là một mặt cười vô hồn.
Tất nhiên tôi vẫn dặn lòng phải làm việc. Tôi cũng tắt Facebook, với quyết tâm làm là không để ý đến nó nữa. Nhưng rồi khi công việc mở ra, trong tôi như bị ai đó hút hết suy nghĩ, lòng nhiệt huyết và cảm thấy công việc thật chán nản. Đầu óc mụ mị, sức sáng tạo như cạn kiệt. Lúc này, hình ảnh Facebook lại hiện ra, não như được tiêm một liều doping cứ thôi thúc mở Facebook, với lý do... giải khuây.
Cứ thế, cảm giác “sợ bỏ lỡ một điều gì đó” nếu không mở Facebook cứ âm ỉ trong đầu tôi. Và nó thôi thúc tôi phải bấm chuột, hoặc trượt điện thoại để vào cho bằng được. Nhiều khi tôi cũng tự chiến đấu với cảm giác đó, nhưng đa số đều thua cuộc.
Tôi nhận ra một điều, nếu một ngày mới bắt đầu bằng Facebook thì chắc chắn Facebook sẽ ám ảnh mình suốt cả ngày hôm đó, nó luôn làm cho ta có cảm giác “sợ bị bỏ lỡ”, rồi ta không chiến thắng được cảm giác ấy.
Vì thế, tôi quyết định một ngày mới không bắt đầu bằng Facebook, mà bắt đầu bằng công việc mình đang làm.
Và đây là những gì tôi trải nghiệm được.
Sáng, mở mắt dậy tôi cũng vớ ngay chiếc điện thoại như thói quen, nhưng do đã tự quy định trước đó rằng không vào Facebook buổi sáng nên tôi ném điện thoại qua một bên (cũng thật bứt rứt trong lòng, nhưng làm được).
Đến cơ quan tôi mở máy tính, lúc này cảm giác “sợ bị bỏ lỡ” ít hơn, nhưng vẫn muốn vào Facebook xem đêm qua thiên hạ nói gì. Cũng giằng co, cũng tự cho lý do “vào một tí rồi làm”, nhưng tôi quyết tâm chặn ngay ý nghĩ tiêu cực đó lại. Bắt tay vào làm.
Và thật bất ngờ! Không vào Facebook trước khi làm việc khiến tôi tập trung rất nhanh, mọi thứ như được sắp đặt sẵn, chờ “nổ máy” là chạy. Và khi đã làm được hơn một giờ đồng hồ, cảm giác “sợ bị bỏ lỡ” điều gì đó trên Facebook như chạy đi đâu mất. Thay vào đó là cảm xúc hừng hực, rạo rực với công việc. Cứ thế tôi làm việc một mạch mà không mấy bận tâm đến thế giới trên “phây”.
Trước đó, tôi từng thử thành công buổi sáng không Facebook nhưng rồi buổi trưa, sau giờ cơm tôi lại dễ dãi cho mình vào Facebook như một món quà tự thưởng. Và hậu quả là, cả buổi chiều tôi lơ mơ, đầu óc cứ ngẩn ngơ vì “sợ bị bỏ lỡ một điều gì” trên Facebook. Thế là hỏng nửa ngày làm việc.
Tôi thử thống kê thời gian mình vào Facebook trước đây thì kết quả là như thế này: ngủ dậy vào Facebook mất 10 phút; đi làm đến khoảng 9h thì muốn vào “một tí” xem thiên hạ ra sao mất 30 phút; ăn cơm trưa xong ngồi Facebook như một “món quà tự thưởng” mất 1 tiếng; đến 2-3h chiều lại vào mất chừng 30 phút, và tối về thì... nhiều hơn thế. Có khi lên giường ngủ vẫn vào Facebook xem có ai nhắn không, có ai bình luận không...
Và, một ngày tôi mất xấp xỉ 3 giờ đồng hồ (có khi hơn nếu tôi thống kê tỉ mỉ) chỉ để vào Facebook chém gió. Và đó là thời gian lãng phí khủng khiếp mà tôi nhận ra.
Tôi quyết định thử thách bản thân một ngày không Facebook. Tôi đã làm được, và tiếp tục đặt ra cho bản thân mình một thử thách tiếp theo: chỉ vào Facebook chừng 30 phút, vào buổi tối. Tuyệt đối không vào buổi sáng để tránh cảm giác “sợ bị bỏ lỡ” điều gì đó chi phối mình.
Cách đây một tháng, nhiều tờ báo đăng bài “Một ngày của ông chủ Facebook”. Theo đó, ông chủ của mạng xã hội lớn nhất hành tinh sẽ dậy lúc 8h sáng và việc đầu tiên là... vào kiểm tra Facebook.
Chẳng lẽ ông cũng... nghiện Facebook sao? Không phải đâu, mà đó là công việc của ông ấy. Với ông chủ Zuckerberg thì Facebook là công việc, còn với chúng ta thì không.
Năm ngoái, Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội có tổ chức một thực nghiệm “72 giờ không Facebook”, và họ đưa ra một con số thế này: 40% người tham gia thực nghiệm đã không thể ngừng chơi Facebook 6 giờ đầu tiên. Điều đó cho chúng ta thấy Facebook âm thầm “ngốn” thời gian của ta như thế nào.
Tôi không bỏ Facebook, bởi đó là một thế giới mà mang đến cho tôi khá nhiều tiện ích. Nhưng có hai điều tôi sẽ làm sau khi hoàn thành thử thách một ngày không Facebook, đó là: (1) Không dùng Facebook trước khi đi làm, chỉ dùng buổi tối. (2) Giảm thời gian dùng Facebook mỗi ngày còn 30 phút, chừng đó là quá đủ.
Tôi phải làm thế, bởi suy cho cùng Facebook là một phần của cuộc sống tôi, chứ không phải tôi là một phần của Facebook.
Bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả. Còn bạn, bạn có ý kiến gì về điều này? Mời bạn chia sẻ ý kiến ở ô BÌNH LUẬN dưới bài hoặc gửi qua email: [email protected]. Cảm ơn bạn! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận