Một ngày công nghệ 23-9 |
Được đóng hộp hẳn hoi, bự cỡ iPhone 6 Plus, có cả cái logo "được truyền cảm hứng từ quả táo mẻ" là "chiếc ly giấy… mẻ", đó là công cụ liên lạc "trực tuyến" (đúng nghĩa đen "có dây nối trực tiếp") mang tên iCups.
Nhà thiết kế iCups là diễn viên hài Mike Mukhametshin, người sáng tạo ra ADA Sports, một cuộc thi dành cho các nhà hoạt hình trên mạng YouTube để mọi người bỏ phiếu cho các bộ phim hoạt hình vui nhộn nhất.
Giống y như "máy truyền tin bằng lon sữa bò" của trẻ con Việt Nam thời trước, iCups gồm 2 cái ly được nối với nhau bằng một sợi dây. Mukhametshin nói rằng: "iCups là đỉnh của thời trang cao và công nghệ cao. Không màn hình, không nút bấm, không ứng dụng. Chỉ có chức năng liên lạc thuần khiết, đơn giản."
Với iCups, hai người đàm thoại không thể đứng cách xa nhau quá 6 feet (1,8 mét) và vừa tâm sự, vừa có thể nhìn vào mắt nhau "thay lời muốn nói".
Mukhametshin hiện đang chạy dự án trên website khởi nghiệp Kickstarter để gây vốn sản xuất hàng loạt iCups bán ra thị trường.
Giá 7 USD một chiếc.
Xin mời xem clip: http://youtu.be/csnbhkWcgaM
Cuộc chiến tài năng ở Thung lũng công nghệ Silicon Valley
Theo công ty dữ liệu Glassdoor, mức lương bình quân ở Thung lũng Silicon là 110.000 USD một năm, khoảng 9.100 USD/tháng (so với mức lương bình quân chỉ từ 2.000 tới 4.000 USD/tháng ở hầu hết ngành nghề phổ thông - theo salaryexplorer.com).
Thung lũng Silicon vốn là nơi người giỏi về công nghệ và có óc kinh doanh (hay biết kết hợp với những nhà kinh doanh giỏi) sẽ có nhiều cơ may làm giàu. Như công ty WhatsApp chỉ với 32 kỹ sư đã phát triển được một ứng dụng nhắn tin mà hồi tháng 2-2014 được Facebook mua lại với giá 19 tỷ USD.
Công ty Weeby.com chỉ gồm 22 người hiện có ứng chạy chạy trên hơn 2 tỷ thiết bị trên khắp thế giới đang xây dựng một nền tảng phát triển sáng tạo cho game trên mạng xã hội. Công ty này đang chào mời các kỹ sư giỏi về với mình với mức lương lên tới 250.000 USD một năm, cộng thêm cổ phiếu.
Chuẩn kết nối USB Type-C mới có thể truyền cả hình ảnh, âm thanh
Ngày 22-9-2014, Hiệp hội các chuẩn điện tử video (VESA) và nhóm quảng bá USB 3.0 Promoter Group cùng công bố dạng đầu cắm USB mới Type-C với chế độ DisplayPort Alternate Mode (Alt Mode) cho phép truyền tải cả tín hiệu hình ảnh và âm thanh.
Với chuẩn USB mới này, chỉ cần một sợi cáp USB, bạn có thể vừa truyền tải dữ liệu bình thường với tốc độ cao (USB 3.1), vừa truyền các tín hiệu AV hỗ trợ các màn hình có độ phân giải cực cao UltraHD 4K hay 5K. Chỉ cần một đầu chuyển đổi (adapter), cáp USB Type-C có thể sử dụng với các màn hình hiện nay có cổng kết nối DisplayPort, HDMI, DVI, và VGA.
Đặc biệt đầu cắm USB Type-C thuộc dạng có thể đảo lộn (reversible), cho phép cắm ở bất cứ chiều nào, không giống như ở Type-A và Type-B.
Đèn flash bổ sung cho smartphone
Nhóm 4 chàng trai lấy biệt danh nhại theo phim ảnh là "Almighty Four" (bộ tứ quyền lực) từ Kiev (Ukraine) đã sáng chế được một chiếc đèn LED flash tên là iBlazr chiếu sáng bổ sung cho máy ảnh của smartphone. Chỉ cần gắn thiết bị này vào jack audio trên smartphone, khởi động ứng dụng chụp ảnh iBlazr, là bạn có thể chụp ảnh trong tối một cách rõ ràng.
Nó cho độ sáng 270 Lux ở khoảng cách 1 mét. Đèn có 4 bóng LED. Với pin tích hợp 110mAh, đèn có thể chụp được hơn 500 lần mỗi lần sạc. Nó cũng có chế độ chiếu sáng liên tục để quay phim với 3 mức độ cho thời gian chiếu sáng từ 25 phút tới 2 giờ. Pin có tuổi thọ tới 1.000 lần sạc (tương đương smartphone).
Đèn flash iBlazr hỗ trợ iOS 7 và Android 4 trở lên.
Khi đưa dự án lên website khởi nghiệp Kickstarter hồi năm ngoái, nhóm bộ tứ này đã gây được nguồn vốn tới hơn 150.000 USD (so với mục tiêu chỉ 58.000 USD). Cách đây ít ngày, đèn flash iBlazr đã được đưa lên bán trên cửa hàng online của Apple.
Giá chính thức mua từ website của iBlazr là 49,99 USD (loại chuẩn) và 69,99 USD (loại cao cấp).
Xin mời xem clip: http://youtu.be/D4CqgBUacCk
Chiếc máy in 3D đầu tiên đã được đưa lên vũ trụ
Trong số hàng mà tàu vận tải tự động SpaceX Dragon được Cơ quan Hàng không- Không gian Mỹ NASA phóng lên ngày 21-9-2014 tiếp tể cho Trạm Không gian Quốc tế ISS có một chiếc máy in Zero-G 3D Printing.
Chiếc máy in 3D này được thiết kế đặc biệt để có thể hoạt động trong môi trường không trọng lực của vũ trụ. Nó là kết quả của một dự án liên kết giữa NASA và hãng Made In Space.
Chiếc máy in có kích thước như một chiếc lò vi sóng nhỏ, có khả năng in ra những vật thể có kích thước 5 x 10 x 5 cm. "Mực in" là loại sợi nhựa ABS, giống như dùng trong đồ chơi lắp ráp LEGO.
NASA không chỉ muốn thử nghiệm một tác vụ mới trên vũ trụ mà còn ấp ủ kế hoạch sử dụng các máy in 3D để in ra ngay trên không gian những bộ phận thay thế theo thiết kế từ mặt đất gửi lên để các phi hành gia có thể sửa chữa ngay, không phải chờ tiếp tế. Họ cũng có thể in ra những đồ dùng mà mình cần thiết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận