06/12/2015 08:08 GMT+7

“Mở cửa thế giới” cho người khiếm thị

D.KIM THOA (Theo TED) (duongkimthoa@tuoitre.com.vn)
D.KIM THOA (Theo TED) ([email protected])

TT - Bị mù từ năm 14 tuổi do một tai nạn, bà Chieko Asakawa đã nỗ lực trở thành nhà sáng chế, dồn tâm huyết tìm ra các công nghệ giúp người mù tiếp cận thế giới.

Tiến sĩ Chieko Asakawa đi lại trong khuôn viên Đại học Carnegie Mellon - Ảnh: AP
Tiến sĩ Chieko Asakawa đi lại trong khuôn viên Đại học Carnegie Mellon - Ảnh: AP

Bà Chieko Asakawa bị mù năm 14 tuổi do một tai nạn ở bể bơi. Cô bé đang tuổi mới lớn năng động, tự do đột nhiên không còn nhìn thấy ánh sáng. Những điều vốn đơn giản bỗng trở nên gần như không thể tự làm.

Bà Chieko Asakawa nhớ vào thời điểm đó chưa có máy tính cá nhân, Internet hay điện thoại thông minh. Bà phải nhờ hai anh trai đọc sách giáo khoa cho nghe và tự tạo ra các cuốn sách cho mình bằng chữ nổi Braille.

Bà nhận ra các anh trai mình không thích thú gì với việc đọc sách cho mình và bà không trách họ nên tìm cách thoát khỏi sự lệ thuộc vào người khác. Điều đó trở thành khao khát cháy bỏng trong bà, thôi thúc bà sáng tạo.

Giữa những năm 1980 vẫn chưa có công nghệ máy tính nào giúp tạo ra các cuốn sách bằng chữ Braille. Nếu có sẽ giúp ích rất nhiều cho những người mù như bà.

Đó là thời điểm bà bước vào hành trình sáng chế. Bà bắt đầu phát triển các công nghệ làm sách kỹ thuật số như công cụ biên tập chữ Braille, từ điển chữ Braille và mạng lưới thư viện Braille. Từ đó bà rất muốn giúp những người mù cũng được tiếp cận Internet và nghĩ tới việc tìm ra cách để các nội dung website được đọc lên, giúp đơn giản hóa đáng kể giao diện người dùng.

Ý tưởng đó đã đưa bà đến việc phát triển trình duyệt web Home Page Reader vào năm 1997, trước tiên bằng tiếng Nhật, sau đó được dịch sang 11 ngôn ngữ khác, giúp người mù truy cập Internet theo cách nghe nói trên. Bà nhớ mãi lời chia sẻ từ một trong những người mù đã dùng ứng dụng của bà: “Với tôi, Internet là một cửa sổ nhỏ mở ra thế giới”.

Bà Chieko Asakawa hiểu đó thật sự là một khoảnh khắc đột phá với người mù. Thế giới ảo trở nên dễ tiếp cận hơn và số người sử dụng công nghệ do bà tạo ra đã vượt mọi hình dung trước đó. Nó không chỉ giúp những người bị mù mà còn giúp các tài xế nghe email trong lúc lái xe, giúp người nội trợ nghe công thức nấu ăn khi đang trổ tài bếp núc...

Bà Chieko Asakawa cho biết mục tiêu của bà là có thể tự do đi lại và làm mọi việc giống như người bình thường. Đó chính là những nội dung trong dự án nghiên cứu ứng dụng trên điện thoại thông minh bà đang tham gia phát triển.

Ứng dụng đó với khả năng phân tích các tín hiệu và những thiết bị cảm ứng sẽ giúp người mù tự mình đi lại trong nhà cũng như ngoài đường, thậm chí còn nói cho người mù biết ai đang đi tới, tâm trạng họ ra sao để người mù có thể giao tiếp thoải mái, phù hợp nhất.

Bà Chieko Asakawa gọi đó là sự hỗ trợ nhận thức. Bà cho biết công nghệ này tuy mới chỉ đang trong giai đoạn đầu nghiên cứu nhưng khi hoàn thiện sẽ giúp người mù bổ trợ những khiếm khuyết hay những điểm yếu của bản thân mình.

Bà tin tưởng trong tương lai với sự hỗ trợ của phần mềm này, bà có thể tận hưởng thú vui đi mua sắm, tìm kiếm nhà hàng có món ăn ngon trong lúc tản bộ trên phố. Tuyệt vời hơn nữa là bà có thể “nhìn” thấy một người thân trước khi họ trông thấy bà.

Đó quả thật là một thử thách lớn lao. Một thử thách cần có sự hợp tác, đó là lý do vì sao bà và các cộng sự đã tạo ra một cộng đồng mở để đẩy nhanh các hoạt động nghiên cứu này.

Năm 2013 bà Chieko Asakawa đã được Chính phủ Nhật Bản trao tặng Huân chương danh dự vì những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực công nghệ hỗ trợ người mù, trong đó có trình duyệt web dùng tiếng nói Home Page Reader.

D.KIM THOA (Theo TED) ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên