1. Máy ảnh tốc độ "siêu hạng"
Chiếc máy ảnh 2D do các nhà nghiên cứu kỹ thuật y sinh tại Đại học Washington (Mỹ) phát triển được coi là máy ảnh nhanh nhất thế giới, có tốc độ chụp tới 100 tỉ khung hình/giây (fps).
Nó có thể chụp hình hiện tượng ánh sáng với nhiều chi tiết hơn bao giờ hết (tốc độ chuẩn của phim Hollywood là 24fps).
Ánh sáng là vật chất nhanh nhất mà cho tới nay con người có thể ghi hình được trong vũ trụ. Việc bắt được đường đi của ánh sáng lên phim đòi hỏi máy ảnh phải có tốc độ cực cao.
Chiếc máy ảnh ứng dụng công nghệ mà họ gọi là "Nhiếp ảnh cực nhanh nén" (Compressed Ultrafast Photography, CUP). Các máy ảnh chuyên dụng hiện nay chỉ có thể chụp ảnh với tốc độ tối đa khoảng 10 triệu fps, do bị hạn chế bởi dung lượng lưu trữ trên chip và tốc độ đọc điện tử. Công nghệ mới bao gồm một chuỗi thiết bị như các kính hiển vi và các kính thiên văn được cặp với các thấu kính để "chộp bắt" sự kiện.
Giáo sư kỹ thuật Y sinh Lihong Wang, người lãnh đạo nhóm nghiên cứu, cho biết: Kết hợp công nghệ máy ảnh CUP này với kính thiên văn không gian Hubble Telescope, người ta sẽ có được những khám phá mới về vũ trụ. "Lần đầu tiên, con người có thể nhìn thấy các xung ánh sáng đang bay nhảy" - ông nói.
2. Smartphone Trung Quốc "xâm lấn" thị trường thế giới
Một nửa thế giới sẽ xài điện thoại di động thương hiệu Trung Quốc. Điều đó sẽ xảy ra vào năm 2016, theo dự báo của Hãng TrendForce (Đài Loan).
Theo CNET (3-12-2014), trong năm 2014 số lượng điện thoại Trung Quốc xuất xưởng sẽ lên tới hơn 450 triệu chiếc (chiếm 38,6% tổng số lượng toàn cầu). Hãng TrendForce dự báo vào năm 2016 sẽ có hơn 50% số lượng điện thoại xuất xưởng trên toàn thế giới là hàng của Trung Quốc.
Kể từ khi tham gia thị trường quốc tế vào năm 2011 tới nay, các thương hiệu điện thoại Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ hằng năm tới 50%.
Theo Hãng TrendForce, ba nhà sản xuất điện thoại lớn nhất của Trung Quốc là Lenovo, Huawei và Xiaomi đều tuyên bố tham vọng trở thành những nhà sản xuất điện thoại đứng đầu toàn cầu. Trong năm 2014, mỗi công ty này đã xuất xưởng hơn 60 triệu chiếc điện thoại, hiện chỉ chịu thua Apple và Samsung.
Chỉ có ba hãng Huawei, ZTE và TLC có số lượng xuất khẩu chiếm hơn 30% sản lượng xuất xưởng. Các hãng Trung Quốc khác chủ yếu vẫn chỉ phục vụ nhu cầu trong nước. Tuy nhiên trong năm tới, khi thị trường nội địa bão hòa, các hãng này sẽ tiến ra thị trường nước ngoài, quan trọng nhất là Ấn Độ và châu Mỹ Latin. Sức cạnh tranh về giá của điện thoại Trung Quốc sẽ khuấy động các thị trường đó.
3. Người máy làm việc nhà
Đâu phải người ta chế tạo ra các người máy chỉ để làm những "chuyện lớn" hay "cao siêu". Những người máy Personal Robot 2 (PR2) của Willow Garage có thể được lập trình để làm những công việc của "ôsin" như gấp quần áo cho cả nhà, phục vụ bia cho ông chủ.
Người máy có thể làm được gì tùy thuộc vào phân mềm mã nguồn mở PR2 của Siddharth Srivastava và nhóm nghiên cứu của ông tại Phân viện khoa học máy tính của Đại học UC Berkeley.
Một trong những thách thức lớn nhất của nhóm nghiên cứu khi lập trình cho người máy biết gấp quần áo là quần áo và khăn là những vật thể có thể bị biến dạng. Không giống cái chai, hình dáng của một chiếc áo có thể khác nhau khi được bỏ trên sàn nhà hay khi treo trong tủ. Phó giáo sư Pieter Abbeel cho biết: "Vì thế phải dạy cho robot biết nhận diện và xử lý các vật thể có thể bị biến dạng". Đáng tiếc là tới nay họ vẫn chưa thể làm người máy "ôsin" biết phân biệt giữa áo sạch và áo dơ.
Trong khi các nhà nghiên cứu của Đại học UC Berkeley đang loay hoay với chuyện gấp quần áo, các kỹ sư của Hãng Willow Garage đã có thể lập trình để người máy của mình biết mở tử lạnh lấy những chai bia phục vụ ông chủ hay cùng chơi bida với ông chủ.
Chỉ có điều, giá một người máy cá nhân PR2 này hiện lên tới 280.000 USD.
Nguồn: YouTube |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận