25/03/2015 11:31 GMT+7

Màn hình thiết bị ảnh hưởng sức khỏe ra sao?

NHẬT VƯƠNG
NHẬT VƯƠNG

TTO - Nghiên cứu khoa học khẳng định mức độ ảnh hưởng đáng kể của các thiết bị điện tử tới sức khỏe, rối loạn nhịp sinh học tới nguy cơ ung thư.

"Cú đêm" cùng các thiết bị điện tử hại mắt là thói quen của rất nhiều người hiện nay. Ảnh: Wired.

Quá chăm chú vào ánh sáng màn hình từ tivi, máy tính, máy tính bảng (tablet) hay điện thoại thông minh (smartphone) có thể khiến bạn rối loạn nhịp sinh học, khó ngủ sâu và đối mặt với nguy cơ béo phì, tim mạch, trầm cảm hay thậm chí ung thư.

Công bố trên tạp chí Nature, nhà nghiên cứu Charles Czeisler, giám đốc chương trình liệu pháp chăm sóc giấc ngủ thuộc một bệnh viện ở Boston Mỹ khẳng định, sự phổ dụng của các thiết bị điện tử giá rẻ cho phép người dân dễ dàng đọc tin tức, sách báo hay tham gia các mạng xã hội khi về đêm.

Ánh sáng nhân tạo có thể gây nhiễu tới quá trình hoạt động của các tế bào thần kinh điều khiển nhịp sinh hoạt, cản trở “hóc-môn bóng đêm” melatonin đưa cơ thể chìm vào giấc ngủ
 

Năm ngoái, một khảo cứu thực hiện ở nước Anh cho kết quả, 5% số người tham gia khẳng định, mình chỉ ngủ 5 tiếng mỗi đêm. Kết quả thăm dò tương tự thực hiện ở Mỹ cho thấy, gần 30 % số người trả lời khẳng định chỉ ngủ chưa tới 6 tiếng, đến mức cơ quan phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh nước này bắt đầu xếp mất ngủ là một loại dịch công cộng.

Mất ngủ kinh niên dẫn đến nguy cơ đối mặt hàng loạt bệnh tật. Nhóm người chỉ dành 5 tiếng mỗi đêm cho giấc ngủ có nhiều hơn 15% nguy cơ tử vong so với nhóm người cùng tuổi đủ giấc. Một điều đáng ngạc nhiên là trẻ mất ngủ thường có xu hướng hiếu động, thay vì ngủ gà ngủ gật, thậm chí có thể dẫn tới hội chứng tăng động giảm chú ý.

Hiện nay, các thiết bị giải trí cầm tay thường được trang bị màn hình đèn nền LED tiết kiệm năng lượng, phát ánh sáng bước sóng dài màu xanh và xanh lam, vốn rất nhạy cảm với tế bào mắt, tiến sĩ Czeisler cảnh báo. Chuyên gia này cũng khuyến cáo người dùng nên chuyển sang sử dụng bóng đèn ngủ chiếu sáng màu đỏ và cam.

Từ rối loạn nhịp sinh học tới nguy cơ ung thư

Một nghiên cứu độc lập khác do tiến sĩ Richard Stevens, chuyên gia dịch tễ ung thư thuộc trường Đại học Connecticut, Mỹ thực hiện cho thấy, có tới 95 % người Mỹ thường sử dụng các thiết bị điện tử trước khi ngủ.

“Rất nhiều thứ đã thay đổi nhờ điện. Bây giờ, ngay cả ban đêm, chúng ta vẫn có thể nhìn thấy ánh sáng rực rỡ. Và hệ quả là, cơ chế sinh lý học của cơ thể chúng ta gần như bị tác động tức thời”, bài báo viết.

Theo nhà nghiên cứu này, hiện các bằng chứng về mối tương quan giữa việc thường xuyên dán mắt vào các thiết bị điện tử mỗi đêm với bệnh ung thư vú, béo phì và trầm cảm vẫn còn gây ra tranh cãi, nhưng hiện đã có thể kết luận hàng loạt tác hại của việc thức khuya sử dụng thiết bị điện tử như chế độ ăn uống kém, thói sinh hoạt lười vận động.

Theo các bác sĩ, máy tính, điện thoại di động và máy tính bảng là 3 thủ phạm chính ảnh hưởng tới mắt và sức khỏe nếu lạm dụng. Ảnh: Gawker
Theo các bác sĩ, máy tính, điện thoại di động và máy tính bảng là 3 thủ phạm chính ảnh hưởng tới mắt và sức khỏe nếu lạm dụng. Ảnh: Gawker

Ngoài ra, cơ chế hoạt động của các hệ thống lý sinh trong cơ thể bị ảnh hưởng, từ tiêu hóa tới nhiệt độ, hoạt động tái tạo tế bào và sức đề kháng, vốn theo chu trình vòng tròn 24 giờ ngày và đêm.

Như đã biết, từ hơn thập kỉ qua, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, một trong số các cơ chế định vị hoạt động của cơ thể trên các loài động vật có vú nằm ở các tế bào đặc biệt trên võng mạc, bộ phận nhạy cảm nhất với ánh sáng. Thay vì chuyển các tín hiệu thị giác tới não bộ, chúng chỉ đơn thuần là đánh dấu sự có mặt hoặc không tồn tại của ánh sáng.

“Đánh thức” các tế bào vốn nhạy cảm bằng ánh sáng xanh bước sóng dài trên màn hình điện tử cũng đồng nghĩa với việc tác động lên hệ thống đồng hồ sinh học của toàn bộ cơ thể
 

Tuy nhiên, nguy hiểm hơn, ngay cả khi chỉ tiếp xúc một khoảng thời gian ngắn với các nguồn ánh sáng nhân tạo dù chỉ lờ mờ, nhất là từ đèn nền LCD, LED hay bóng đèn huỳnh quang cũng khiến cho hệ thống điều khiển tự động cơ chế ngủ nghỉ của cơ thể phản ứng, khi chúng tưởng ban ngày đã tới.

Theo khảo cứu của chuyên gia sinh học thần kinh Joseph Takahashi thuộc trường đại học Texas Southwestern, khi thí nghiệm tác động tới tế bào duy trì nhịp sinh học ở chuột, chúng có hiện tượng mắc chứng béo phì.

Trong khi đó, công bố trên PubMed, chuyên trang đăng tải các tài liệu khoa học toàn văn về y sinh và khoa học sự sống, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra mức độ ảnh hưởng của ánh sáng nhân tạo tới sức khỏe, chẳng hạn phụ nữ có nguy cơ tăng 30% khả năng mắc ung thư vú nếu làm việc về đêm, trong khi tỉ lệ mắc ung thư tiền liệt tuyến ở nam giới gần gấp ba lần.

Mẹo bảo vệ mắt trước tác hại của thiết bị điện tử

Thói quen dính chặt với điện thoại di động hay các thiết bị cầm tay khi tỉnh dậy và trước mỗi lúc đi ngủ ảnh hưởng rất lớn tới cơ thể, nhất là thói quen xấu này duy trì trong một thời gian dài.

Khô mắt và đau đầu sau một vài giờ sử dụng là biểu hiện rất dễ gặp, mặc dù không quá nghiêm trọng, nhưng về lâu về dài, chúng có thể trở thành một vấn đề thực sự. Cách đơn giản nhất để giảm tải gánh nặng cho mắt là chớp mắt nhiều hơn.

Một cách khác là tuân thủ theo quy luật 20-20-20, tức cứ 20 phút nhìn ra xa một vật thể cách 20 feet (khoảng 6m) trong vòng 20 giây. Bài tập nhỏ này sẽ giúp mắt vận động, thay vì chỉ tập trung vào vật ở gần.

Tiếp đến, quan trọng hơn, bạn nên tìm cách giảm mức độ tiếp xúc với ánh sáng xanh, vì sau thời gian dài, mắt của chúng ta rất dễ bị tổn thương. Khác với hiện tượng khô mắt, ảnh hưởng của ánh sáng xanh sau thời gian tích tụ có thể dẫn đến các bệnh nhãn khoa như thoái hóa điểm vàng.

Ảnh hưởng ở trẻ em còn nghiêm trọng hơn, khi mắt vẫn đang trong giai đoạn phát triển, chưa có đầy đủ các sắc tố phòng vệ trên mắt để lọc ánh sáng xanh nguy hại. Là phụ huynh, bạn nên hạn chế con em mình sử dụng các thiết bị điện tử, nhất là về đêm.

Ảnh minh họa: CTVnews
Ảnh minh họa: CTVnews

Ngoài ra, nên cân nhắc xin tư vấn của các bác sĩ nhãn khoa về các loại thấu kính có khả năng lọc ánh sáng xanh, nhất là trong trường hợp trẻ có biểu hiện mất ngủ về đêm.

NHẬT VƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên