Điều trị cho một bệnh nhân bị nhiễm trùng vết thương do sử dụng thuốc nam trên mạng không rõ nguồn gốc - Ảnh: BSCC |
Tôi mua thảo dược, lại nhận thuốc có chứa thuốc tây. Với kinh nghiệm của mình (sau khi đã mang thuốc đi kiểm nghiệm), tôi mong những người bị bệnh đái tháo đường đừng vì tin những lời quảng cáo thuốc rao bán trên mạng mà mất cảnh giác với loại thảo dược có trộn thuốc tây. |
Không chỉ dạ dày, mà thuốc gì chợ Face cũng có, từ trị tiểu đường, suy thận mãn, trĩ, sỏi thận đến vẩy nến, á sừng, mặt chị em bị nám hay khô hạn vì tiền mãn kinh, yếu sinh lý trên Face có hết và đều là thuốc tiên!
Tiền mất, tật mang
Anh S. là một người bệnh suy thận mãn ở Phú Thọ. Bảy năm trước, anh đã tin một quảng cáo về thực phẩm chức năng I. trên mạng, đã bỏ khoảng 30 triệu đồng để mua sản phẩm về dùng, nhằm mong sẽ giảm được số ngày phải chạy thận trong tháng.
Theo quảng cáo, anh S. uống sản phẩm I. sáu tháng là có thể giảm số ngày phải chạy thận, nhưng thực tế anh uống đến hai năm mà bệnh đâu vẫn hoàn đó, mỗi tuần anh vẫn phải chạy thận ba lần, người cứ xanh rớt.
"Gần đây sản phẩm I. tiếp tục quảng cáo rất nhiều trên Facebook, họ còn chat với người bệnh ở vị trí chuyên gia tư vấn và hướng dẫn người bệnh suy thận độ 4 "kiên trì" sử dụng sản phẩm I. để có thể tăng cường sức khỏe của thận, giảm số lần chạy thận. Quảng cáo vô lý như thế vẫn còn khiến tôi rất bức xúc"- anh S. lên tiếng.
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng - trưởng khoa thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai, về nguyên tắc thì không thể điều trị lùi độ cho người bệnh suy thận mãn, mà việc điều trị chỉ có thể giúp người bệnh về đúng độ sau đợt suy thận cấp, hoặc điều trị bảo tồn nếu người bệnh đã suy thận mãn.
Ông Dũng cho biết ông đã gặp rất nhiều bệnh nhân suy thận độ 3 nhưng không điều trị tại bệnh viện mà về uống thuốc lá tự mua hoặc bốc ở cửa hàng được người quen giới thiệu, mua thuốc theo quảng cáo. Vài tuần sau người bệnh trở lại bệnh viện vì suy thận lên đến độ 4, bệnh tiến triển rất nhanh.
Nguy hiểm khi thiếu kiểm soát
Theo ông Đặng Văn Chính - chánh thanh tra Bộ Y tế, năm 2016 thanh tra Bộ Y tế đã xử phạt một số cơ sở quảng cáo thuốc và thực phẩm chức năng quá lố trên mạng, nhưng 2017 thì chưa. Ông Chính cho biết xử phạt quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng trên mạng có cái khó là quá nhiều, như nấm sau mưa, thấy cơ quan chức năng động đậy là họ đóng trang.
Các quảng cáo sản phẩm liên quan đến sức khỏe trên mạng xã hội hiện rất nhiều và loạn, không có ai kiểm soát nên cực kỳ nguy hiểm. Nhiều nhất trong số này là các quảng cáo thuốc hỗ trợ điều trị ung thư, thuốc trị dạ dày, nấm, trĩ, thuốc trị sỏi thận, trị tiểu đường, xương khớp, trị chứng biếng ăn, trị quá gầy hoặc quá béo.
Cảnh giác thuốc chợ Face
Theo bà Trần Thị Hồng Phương - phó cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền, Bộ Y tế, qua thanh tra, kiểm tra cục đã phát hiện có đông, nam dược có corticoid là tân dược được sử dụng điều trị xương khớp, bệnh về da hay dị ứng trong thành phần, hoặc trong thuốc nam lại có tân dược có tác dụng chống viêm, giảm đau...
Ông Đoàn Cao Sơn, viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc T.Ư, cũng cho biết dù tỉ lệ không cao, nhưng rải rác vẫn phát hiện thuốc tây ngụy tạo trong thảo dược, mục tiêu nhằm tăng tác dụng của thảo dược nhưng lại nguy hiểm với người dùng.
Thậm chí ở một số sản phẩm thực phẩm chức năng nguồn gốc thảo dược được quảng cáo hỗ trợ “chuyện ấy” cho nam giới, ông Sơn cho biết từng phát hiện cả hoạt chất vốn có trong Viagra, người bệnh tiền sử tim mạch phải cảnh giác, nhưng do người bệnh cứ tưởng thuốc thảo dược lành tính nên uống thoải mái.
Ông Đoàn Cao Sơn khuyến cáo chỉ nên mua các thuốc có số đăng ký lưu hành, được kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng, không dùng thuốc không rõ nguồn gốc và quảng cáo lố. Sức khỏe hoàn toàn có nguy cơ bị hủy hoại nếu ta mua, dùng thuốc "trời ơi".
Trong vòng nửa năm qua, các bệnh viện đã ghi nhận hàng chục người bệnh gặp tai biến vì sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc. Tại Bệnh viện Bạch Mai đã có một người bệnh bị liệt do thuốc nam chứa hàm lượng chì cao, Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang hồi đầu tháng 6 đã gắp hàng trăm con giòi từ vết thương hở được điều trị bằng đắp thuốc lá. Một bệnh nhân nữ 62 tuổi suy thận độ 3 không chữa trị ở bệnh viện mà về nhà tự mua thuốc uống, sau hai tuần trở lại bệnh viện bệnh đã tăng rất nặng: chức năng thận suy giảm mạnh, đi ngoài không tự chủ... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận