Không nhắn quá 50 tin nhắn/ngày, ai chịu thiệt? - Ảnh tư liệu |
Điều này làm các nhà mạng nín thở khi lo thất thu vì mất khách hàng vào tay các dịch vụ OTT...
Cục An toàn thông tin vừa trình lãnh đạo Bộ TT-TT dự thảo “Tiêu chí hướng dẫn phát hiện, ngăn chặn và quy định về xử lý thuê bao phát tán tin nhắn rác” theo hướng có quy định về hạn mức tin nhắn.
Dự thảo này cũng đã được đưa ra lấy ý kiến năm doanh nghiệp viễn thông và lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ TT-TT.
Quy định về hạn mức tin nhắn để hạn chế tin nhắn rác. Đồ họa Việt Anh |
Một giờ không được nhắn quá 20 tin
Dự thảo này đã đưa ra khái niệm hạn mức tin nhắn nhằm chỉ số lượng tin nhắn được phép gửi đi từ một thuê bao đến một hoặc nhiều thuê bao khác trong một khoảng thời gian nhất định.
Theo đề xuất tại dự thảo thì hạn mức này do Bộ TT-TT quy định, có thể được điều chỉnh theo từng thời kỳ để phù hợp với thực tế. Hạn mức áp dụng dự kiến là 5 tin/phút hoặc 20 tin/giờ hoặc 50 tin/24 giờ.
Đối với thuê bao có nhu cầu nhắn tin vượt hạn mức phải thực hiện đăng ký với doanh nghiệp viễn thông di động cung cấp dịch vụ theo hướng dẫn của doanh nghiệp.
Việc đăng ký phải được chủ thuê bao thực hiện trực tiếp tại điểm đăng ký thông tin thuê bao hoặc theo hướng dẫn cụ thể của doanh nghiệp. Đây là một trong những biện pháp cụ thể được đưa ra nhằm chống tin nhắn rác.
Tuy nhiên, đề xuất này cũng gặp những phản ứng của nhà mạng.
Hiện nay, Bộ TT-TT đang yêu cầu các nhà mạng đẩy nhanh các biện pháp kỹ thuật, tập trung xử lý các thuê bao sử dụng SIM Box hoặc phần mềm phát tán tin nhắn với tần suất cao trong giai đoạn đầu, đồng thời có biện pháp xử lý đối với những thuê bao gửi tin với tốc độ lớn, số lượng nhiều, tần suất cao, là đầu trò trong việc phát tán tin nhắn rác.
Do đó, hạn mức tin nhắn vẫn chưa áp dụng nhưng khi áp dụng nhà mạng phải có trách nhiệm chặn ngay từ tin nhắn đầu tiên vượt hạn mức.
Ngay sau khi thực hiện ngăn chặn dịch vụ nhắn tin chiều đi của thuê bao vi phạm quy định hạn mức, doanh nghiệp có trách nhiệm gửi tin nhắn thông báo tới thuê bao.
Nhà mạng lo thất thu
Theo các nhà mạng, việc áp dụng hạn mức tin nhắn để chống tin nhắn rác làm ảnh hưởng trực tiếp đến một số nhóm người dùng là khách hàng của doanh nghiệp hay cả khách hàng bình thường. Điển hình là đối tượng học sinh sinh viên, chỉ với 2.500 đồng họ được sử dụng tới 200 tin nhắn mỗi ngày nên việc nhắn hàng trăm tin là bình thường.
Việc áp dụng hạn mức tin nhắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đối tượng sử dụng này. Hơn nữa, khách hàng bình thường ít khi có nhu cầu nhắn tin vượt hạn mức một cách thường xuyên, nên nếu bắt họ đăng ký sẽ rất phiền hà.
Nếu buộc phải áp dụng, nhà mạng cho rằng nên cho phép thuê bao nhắn tin để đăng ký hoặc hủy đăng ký vượt hạn mức nhằm đơn giản hóa quy trình. Bên cạnh đó, việc áp dụng hạn mức tin nhắn sẽ khiến khách hàng chuyển sang sử dụng dịch vụ tin nhắn miễn phí OTT (ứng dụng trên điện thoại thông minh cho phép người dùng nhắn tin và gọi điện miễn phí qua kết nối Internet) và gây mất doanh thu của nhà mạng.
Thực tế, tin nhắn vẫn là một khoản doanh thu không nhỏ của các nhà mạng trong giai đoạn hiện nay. Điều này được thể hiện qua việc các nhà mạng vẫn đưa ra hàng loạt gói khuyến mãi cũng như nhiều chương trình vui chơi giá trị gia tăng.
Do đó, nếu bị hạn chế tin nhắn, các nhà mạng sẽ mất khoản doanh thu từ 350 đồng / tin nhắn đến 15.000 đồng / tin nhắn tùy loại hình.
Chính vì vậy, các nhà mạng đã thi nhau trình bày các biện pháp giải quyết tin nhắn rác mà mình đang thực hiện. Điển hình là Viettel cho biết mình đã có hệ thống VMCS có thể chủ động ngăn chặn tin nhắn rác theo từ khóa, đến hết tháng 6-2015 sẽ đáp ứng 10 triệu thuê bao. Còn Vinaphone cho biết đã áp dụng chặn cả về tần suất và cú pháp.
Từ 60 tin/phút, sau giảm xuống 30 tin / phút, đồng thời bố trí nhân lực theo dõi các thuê bao và sau đó tiến hành chặn. Vinaphone đã khóa 200.000 thuê bao và không có bất kỳ khiếu nại nào. Giải pháp này hiệu quả, tuy nhiên phải bố trí nhiều nhân công.
Tương tự, MobiFone cũng cho rằng hệ thống của mình kiểm soát đến 15 triệu thuê bao theo thời gian thực, chặn theo từ khóa và từ khóa được cập nhật thường xuyên.
Từ đầu năm 2015 đến nay, doanh nghiệp này đã ngăn chặn 170.000 thuê bao và khiếu nại bị chặn nhầm chỉ 10 trường hợp.
Tuy nhiên, trên thực tế tin nhắn rác vẫn hoành hành. Do đó, tại buổi làm việc với các mạng này, Thứ trưởng Lê Nam Thắng yêu cầu các doanh nghiệp xác định tần suất để áp dụng hạn mức hợp lý.
Bên cạnh đó, trước khi áp dụng hạn mức, các nhà mạng, cơ quan quản lý nhà nước phải tiến hành đồng bộ các giải pháp, bằng các biện pháp kỹ thuật cao, tiến hành tức thời nhằm mang lại hiệu quả trong việc ngăn chặn tin nhắn rác.
*Ông NGUYỄN KHOA HỒNG THÀNH (phó giám đốc Công ty tiếp thị số Emerald): Không giải quyết được gốc rễ Nếu quy định này có hiệu lực, những người phát tán tin nhắn rác hoàn toàn có thể đổi sang thuê đầu số hoặc mua nhiều thêm sim rác để tiếp tục công việc của họ. Còn về phần người tiêu dùng cá nhân tôi nghĩ sẽ không ai quan tâm lắm về đề xuất này vì nhìn vào số liệu thống kê của Zalo, Viber và các OTT khác, tôi nghĩ số người sử dụng SMS truyền thống chắc còn không nhiều trong tương lai. Nói chung là tôi không hiểu lắm đề xuất này sẽ xử lý được vấn đề tin nhắn rác như thế nào nhưng tôi thấy rằng đề xuất này sẽ giúp các hình thức OTT có cơ hội phát triển tốt hơn. *Ông NGÔ TRẦN VŨ (giám đốc điều hành Công ty bảo mật Nam Trường Sơn): Nên có hình phạt nghiêm khắc Theo tôi, các nhà mạng MobiFone, Vinaphone, Viettel... phải có cơ chế lọc anti-spam sms đặt vào máy chủ để lọc các sms có dấu hiệu spam hàng loạt. Đây là lớp lọc thứ nhất của anti-spam sms. Lớp lọc thứ hai là phần mềm anti-spam sms cài đặt ngay trên điện thoại của từng người dùng cá nhân. Có hai lớp lọc spam này là đủ hiệu quả để xử lý vấn nạn spam sms gây ra phiền toái hiện nay. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng nên ban hành các hình phạt nghiêm khắc dành cho các hành vi spam sms để mở hành lang pháp lý xử lý phạm tội theo quy định pháp luật. *Bạn THU HOA (sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM): Không ảnh hưởng gì Tôi cũng sử dụng SMS khá nhiều trong trao đổi thông tin hằng ngày nhưng mức độ 50 tin nhắn/ngày là không tới. Hơn nữa chúng tôi có gói cước sinh viên nên được nhiều ưu đãi. Tuy nhiên do ở trường, ở phòng trọ hay ký túc xá đều có mạng Internet WiFi nên các thể loại tin nhắn liên quan đến chat hay trao đổi việc học đều được thực hiện qua ứng dụng Facebook, Viber, Zalo... Các ứng dụng này có nhiều biểu tượng cho phép người dùng thể hiện các cảm xúc khi nhắn tin với nhau, vừa dễ hiểu mà vừa thú vị hơn SMS nhiều. Chẳng mấy khi chúng tôi dùng SMS nói chuyện giữa bạn bè quen biết. Vì vậy nếu có quy định giới hạn chỉ được nhắn 50 tin mỗi ngày, tôi thấy không bị ảnh hưởng gì đến công việc liên lạc của mình. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận