Người dùng đang điên đầu vì tốc độ Internet “rùa bò” - Ảnh: Thuận Thắng
Theo thông báo từ Trung tâm điều hành tuyến cáp quang biển quốc tế châu Á - Thái Bình Dương (Asia America Gateway - AAG), hệ thống cáp này đang được sửa chữa, khắc phục sự cố trong vòng 10 ngày, bắt đầu từ 19g ngày 7-6-2015 và hoàn thành lúc 7g ngày 17-6-2015 (nhưng cuối cùng thời gian hoàn thành sớm hơn, vào lúc 24g ngày 12-6). Trong thời gian này, thông tin liên lạc, tín hiệu đường truyền có thể bị chập chờn hoặc mất hoàn toàn. Điều này khiến rất nhiều người làm việc qua mạng phải kêu trời.
Người tiêu dùng có thể hiểu và thông cảm cho các nhà mạng về chất lượng đường truyền, nhưng ngược lại các nhà mạng cũng cần có động thái đối xử công bằng đối với người tiêu dùng. Các nhà mạng cần có các chính sách không thu hoặc giảm tiền cước dịch vụ Internet trong thời gian xảy ra sự cố đứt cáp quang và xin lỗi người tiêu dùng |
Luật sư Nguyễn Văn Hậu |
Không biết nhà cung cấp có đền bù gì không?
Mấy ngày nay, văn phòng làm việc của anh Khổng Minh Trí, nhân viên Công ty trần thạch cao và vách ngăn Vĩnh Tường (Q.7, TP.HCM), như rối loạn cả lên vì vụ sửa cáp Internet. Toàn bộ công việc trao đổi thông tin nội bộ lẫn với đối tác bên ngoài đều tiến hành qua mạng, nhưng mạng chập chờn, email không thể tải được khiến tiến độ công việc gần như giậm chân tại chỗ.
“Dự án dí đến nơi nhưng đối tác gửi email thì cứ treo lơ lửng trên máy chủ mà mình chẳng thể nào vào đọc được. Không biết nhà cung cấp có đền bù gì không nhưng công ty thì đã mất toi mấy ngày công cho nhân viên do Internet” - anh Trí kể.
Với nhiều người làm việc qua mạng, tiến độ công việc tỉ lệ thuận với tốc độ truy cập Internet. Tốc độ “rùa bò” trong những ngày qua đã khiến nhiều người lâm vào cảnh có nguy cơ bị sa thải do không hoàn thành công việc theo yêu cầu.
Chị Tiểu Quyên, nhân viên một công ty truyền thông ở Q.2, chia sẻ: “Công việc của tôi phụ thuộc rất nhiều vào Internet, từ việc lấy thông tin, hình ảnh trên mạng cũng như trao đổi công việc qua mail. Tình trạng Internet chậm như hiện nay khiến công việc của tôi bị đình trệ rất nhiều. Có thể nói năng suất làm việc giảm đến 50%. Nhiều người trong công ty tôi đang vò đầu bứt tóc trước nguy cơ bị đuổi việc do không đạt được chỉ tiêu”.
Lương Hải, nhân viên một công ty điện thoại ở Q.3, than vãn: “Không vào Gmail được, không vào Facebook để thiết lập quảng cáo được, không tải tập tin lên kho lưu trữ trên mạng để gửi cho đối tác được... thế làm cái gì bây giờ? Chúng tôi phải vật vờ ra ngoài kiếm chỗ có mạng tốt hơn để làm việc. Chất lượng công việc giảm sút hẳn”.
Internet chập chờn, công việc không thực hiện xong còn khiến nhiều người như bị stress. Anh Hoàng Huỳnh, giám đốc tiếp thị một công ty công nghệ ở Q.Phú Nhuận, cho biết: “Công việc của tôi từ 8g sáng đến 18g tối, bao gồm kết nối các hệ thống, truy cập và tìm kiếm thông tin, kiểm tra và phản hồi thư điện tử... Tuy nhiên, hai ngày gần đây mạng liên tục chập chờn, mỗi khi muốn mở một thư điện tử hoặc truy cập vào một trang tin tức phải chờ rất lâu. Điều này khiến hiệu quả công việc bị giảm sút nghiêm trọng và gây cảm xúc không tốt, khiến tôi bị stress hơn. Trong khi đó, tôi không thấy một nhà cung cấp nào lên tiếng về vấn đề này. Cước phí chúng tôi vẫn đóng đủ nhưng dịch vụ chập chờn, lúc được lúc không”.
Nhà mạng không được thu đủ tiền cước
Trước bức xúc của người dùng, các nhà mạng đều bày tỏ thái độ chia sẻ với những thiệt hại về công việc và tinh thần do sự chập chờn của Internet gây ra. Tuy nhiên khi trao đổi với Tuổi Trẻ về việc thể hiện trách nhiệm với người dùng bằng cách đền bù cụ thể như giảm cước, trừ cước thì nhà mạng nào cũng né tránh.
Đại diện một nhà mạng “xin chia sẻ những khó khăn, bất tiện của khách hàng khi chịu một số ảnh hưởng do sự cố cáp quang vừa qua. Tuy nhiên, sự cố cáp quang là điều bất khả kháng, nằm ngoài khả năng dự báo trước của các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông. Khách hàng bị thiệt vì chất lượng đường truyền ảnh hưởng đến công việc, nhu cầu liên lạc qua mạng. Nhà mạng thiệt hại về chi phí sửa chữa, vận hành lại tuyến cáp cũng như uy tín cung cấp dịch vụ đối với khách hàng”.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM, cho rằng sự cố cáp quang dưới biển được xem là sự kiện bất khả kháng, nằm ngoài sự kiểm soát của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet cũng như của doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng. Theo các quy định pháp luật, nhà mạng không phải chịu trách nhiệm dân sự như: bồi thường thiệt hại, bị phạt hợp đồng hoặc bị áp dụng các chế tài khác đối với việc không cung cấp dịch vụ Internet đúng với chất lượng đường truyền, tín hiệu như đã thỏa thuận trong hợp đồng.
“Tuy nhiên, đứng ở phương diện thực hiện hợp đồng, nhà mạng cũng không có quyền thu tiền cước dịch vụ bằng cước dịch vụ tại thời điểm không xảy ra sự cố đứt cáp. Điều 524 Bộ luật dân sự quy định cho bên thuê dịch vụ có quyền giảm tiền dịch vụ trong trường hợp dịch vụ được cung ứng không đạt như thỏa thuận. Hành vi thu đủ tiền cước khi dịch vụ cung cấp không đạt tốc độ, chất lượng như thỏa thuận trong hợp đồng rõ ràng đang xâm phạm tới quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và thể hiện sự thiếu trách nhiệm của các nhà mạng” - luật sư Hậu khẳng định.
Luật sư Hậu cho biết thêm: “Người tiêu dùng có thể hiểu và thông cảm cho các nhà mạng về chất lượng đường truyền, nhưng ngược lại các nhà mạng cũng cần có động thái đối xử công bằng đối với người tiêu dùng. Các nhà mạng cần phải có các chính sách không thu hoặc giảm tiền cước dịch vụ Internet trong thời gian xảy ra sự cố đứt cáp quang và xin lỗi người tiêu dùng”.
Một năm, ít nhất ba lần gặp sự cố AAG là hệ thống cáp quang biển có chiều dài 20.000km, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ, đi qua Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Brunei, Hong Kong, Philippines và một phần của Mỹ. Có 19 công ty viễn thông của nhiều nước thuộc phạm vi trên tham gia vận hành, khai thác trên AAG, trong đó có bốn doanh nghiệp Việt Nam là VNPT, FPT, Viettel và SPT. Từ đầu năm 2015 đến nay, AAG có ít nhất ba lần gặp sự cố vào đầu tháng 1-2015, cuối tháng 4-2015 và đầu tháng 6-2015. Việt Nam hiện có tổng cộng bốn tuyến cáp quang biển, trong đó tuyến AAG có dung lượng lớn nhất và được đầu tư gần đây nhất, còn các tuyến khác (SE-ME-WE-3, TVH) đều đã có tuổi đời từ 10-15 năm và dung lượng thấp. Tuyến cáp IA mới được xây dựng nhưng dung lượng cũng không bằng AAG. Vì vậy, mỗi lần AAG xảy ra sự cố sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ Internet chung của Việt Nam. |
Các nước giải quyết vấn đề chất lượng dịch vụ Internet như thế nào? Đông Nam Á Năm 2014, theo đánh giá của công ty đánh giá chất lượng băng thông Internet trên trang Netindex.com, Philippines là nước có tốc độ truy cập mạng Internet chậm nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, các điều luật liên quan tới việc quản lý và có biện pháp kiểm soát chất lượng dịch vụ Internet ở Philippines còn vướng ở vấn đề luật pháp. Luật liên quan tới viễn thông hiện áp dụng ở nước này vẫn là những điều khoản thông qua từ năm 1995, khi đó có những điều đang diễn ra hiện nay thậm chí chưa tồn tại, Internet chưa được coi là dịch vụ cơ bản trong luật đó. Chính vì thế, cho tới đầu năm 2014, Quốc hội Philippines mới đề xuất dự thảo sửa đổi luật quản lý dịch vụ viễn thông, trong đó có đề nghị mức phạt cao nhất có thể lên tới 50 triệu peso đối với các công ty viễn thông có dịch vụ chất lượng kém. Hiện tại, Ủy ban viễn thông quốc gia Philippines chỉ có thể áp dụng mức phạt 200 peso mỗi ngày với các công ty viễn thông khi họ không cung cấp dịch vụ đạt tiêu chuẩn theo quy định. Mức phạt này được căn cứ theo Luật dịch vụ công đã được thực hiện trong suốt 78 năm, kể từ năm 1936. Do đó, nhiều công ty chấp nhận nộp phạt hơn là đổ tiền vào nâng cấp dịch vụ. Theo báo Jakarta Post, tại Singapore, các công ty viễn thông có thể bị phạt tới hàng triệu USD nếu không cung cấp dịch vụ đạt tiêu chuẩn chất lượng. Các khoản phạt buộc các công ty viễn thông phải duy trì chất lượng liên tục ổn định vì nếu để bị phạt, các nhà đầu tư lập tức sẽ nổi giận ngay. Vương quốc Anh Ngày 11-6, cơ quan quản lý viễn thông Anh Ofcom công bố những điều luật mới giúp người dùng có thể chấm dứt hợp đồng với nhà cung cấp Internet khi chất lượng dịch vụ quá tệ mà không bị phạt. Cho tới nay, người dùng Internet ở Anh thường bị mắc kẹt với các hợp đồng kéo dài ba tháng đầu tiên khi đăng ký sử dụng Internet nếu muốn chấm dứt khi không hài lòng với chất lượng. Họ chỉ có thể đơn phương cắt hợp đồng nếu chịu mất một khoản tiền phạt. Tuy nhiên theo luật mới, trong trường hợp một số điều kiện cụ thể được thỏa mãn, khách hàng có thể chấm dứt hợp đồng bất cứ lúc nào. Đó là công bố từ người lãnh đạo mới của Ofcom, bà Sharon White. Theo BBC, bà White cho biết: “Tốc độ băng thông Internet kiểu rùa bò khiến người dùng lắm lúc phát điên, vì thế chúng tôi rất hoan nghênh các nhà cung cấp thông tin rõ ràng hơn đến khách hàng về tốc độ Internet thực tế mà họ có thể dùng và cho phép họ chấm dứt hợp đồng, không bị phạt khi không nhận được những gì đã hứa”. Các điều luật mới được áp dụng với các nhà cung cấp dịch vụ Internet sử dụng công nghệ đường dây thuê bao số (DSL). Khi khách hàng đăng ký dịch vụ, nhà mạng sẽ cho họ biết các giới hạn tốc độ truy cập họ sẽ nhận được, chẳng hạn từ 20-40 Mb (megabyte)/giây. Tuy nhiên, cùng với đó còn có thêm công cụ đánh giá bổ sung khác là MGALS (tốc độ đường truyền truy cập được đảm bảo ở mức tối thiểu). Như vậy, trong vòng 90 ngày đầu tiên sử dụng, nếu tốc độ đường truyền ở dưới mức MGALS, khách hàng có quyền chấm dứt hợp đồng bất cứ lúc nào mà không bị phạt, trừ khi họ sẵn sàng tạo cơ hội cho nhà cung cấp “sửa sai” trong vài tuần. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận