Công nghệ Game vĩ đại từ Mỹ và Nhật, với những nhu cầu là những đoàn quân lập trình viên kinh nghiệm và những họa sĩ 3D tài hoa đã khám phá một nguồn tài năng mới - Việt Nam! |
báo Wall Street Journal Asia đăng tải (*) |
Tiên phong khai phá
Khi toàn Á Châu kể cả Trung Quốc và các nước láng giềng chưa ai bước vào một lãnh vực công nghệ cao với yêu cầu kỹ thuật và mỹ thuật, thì từ năm 1995, trong một căn nhà ba gian dột nước ở Quận 10 (TP.HCM), ông Phil Trần đã âm thầm đào tạo và xây dựng lên những hạt giống đầu tiên của ngành "nghệ thuật thứ tám" này. Đó là những ngày đầu của công ty Glass Egg do Phil Trần sáng lập.
Tiếp theo bài báo mang tính "khám phá bất ngờ" của Wall Street Journal Asia là một chuỗi bài từ các báo và tạp chí nổi tiếng tìm đến và đăng tải thông tin về Glass Egg như Business Week (Bloomberg), Sacramento Bees, và New York Times.
Đặc biệt, một giáo sư đại học Harvard đã đưa Công Ty Glass Egg vào một chương trình học về chiến lược kinh doanh cho sinh viên MBA. Qua đó, Việt Nam không còn là một nơi xa lạ với các công ty công nghệ lớn trên thế giới tìm giải pháp gia công.
Ông Phil Trần tự hào chia sẻ bài viết Đại học Harvard đưa câu chuyện kinh doanh của Glass Egg vào bài giảng về kinh tế |
Đến hôm nay, tọa lạc tại tòa nhà Ree Tower, trên hai tầng lầu 17 và 16, nhìn ra sông Sài Gòn uốn khúc và toà cao ốc Bitexco, Glass Egg, với gần 400 nhân viên làm game gia công cho Microsoft, Sony, Electronic Arts, Activision,… đã được công nhận trong ngành như một công ty lớn, nhanh phát triển và uy tín nhất.
Các game của Glass Egg tham gia làm đồ họa gồm những tên quen thuộc như Need for Speed, Forza Motorsport, Drive Club, Titan Fall 2, Call of Duty...
Trí tuệ Việt được thừa nhận và ngưỡng mộ trong một ngành công nghiệp đòi hỏi chuyên môn cao, những yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn |
Ông Phil Trần tự hào chia sẻ |
"Suýt phá sản năm lần"
Game đua xe là một trong những sản phẩm hàng đầu của Glass Egg được cả ngành game thế giới công nhận trong bao năm qua |
"Sự thành công hôm nay không dễ dàng chút nào, đã có ít nhất 5 lần suýt phá sản, lần cuối là năm 2009 khi cơn bão của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đập vào ngành game" ông Phil Trần nhớ lại.
"Khi đó, các hãng bên Mỹ, Anh, đột nhiên ôm chặt lấy vốn không dám đầu tư bất cứ game nào cho tới khi tình hình kinh tế khả quan hơn.
Từ tháng 6 đến cuối năm 2009, cả lũ ngồi chơi xơi nước. Để đối phó với tình hình vô cùng khó khăn này, tôi đã kêu gọi toàn thể nhân viên phải chịu giảm lương từ 25 đến 40%. Với chính mình, tôi tự giác giảm 50% và hứa sẽ phục hồi lương mọi người trước rồi mới tới mình".
“Hồi đó nếu chần chừ không dứt khoát giảm chi phí thì Glass Egg chắc tiêu rồi. Nghĩ lại mà rùng mình.” ông Phil Trần cười nói’ “đau nhất là mình phải chịu 13 tháng liền húp cháo, nhưng giữ được hầu hết nhân viên vì chỉ ba tháng sau là đã bắt đầu phục hồi lương lại từ dưới lên.”
Ông Phil Trần (Trần Thanh Phi), nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành Glass Egg |
"Hết cơn bĩ cực tới hồi thái lai, lèo lái con thuyền qua được cơn hồng thủy đó là đến lúc áp lực giá cả khiến việc gia công đồ họa là tất yếu.
Các hãng làm game lớn ở Mỹ và Châu Âu đều có lệnh từ nhà đầu tư và giám đốc buộc phải tìm nơi gia công. Thế là Glass Egg đương nhiên được thế thượng phong vì là lão làng trong ngành với biết bao kinh nghiệm khan hiếm cũng như những vết sẹo hằn qua những dự án trời đánh thánh đâm từ các đối tác trời ơi.", ông Phil kể.
Bí quyết thành công là sự minh bạch
Điều gì giúp Glass Egg giữ vững sức cạnh tranh và thành công trước hàng ngàn studio khác trên thế giới và tiếp tục thu hút đội ngũ nhân tài?
“Glass Egg không có người lập trình giỏi nhất Việt Nam, cũng không có hoạ sĩ đồ hoạ giỏi nhất khu vực, thay vào đó, điều khiến tôi cùng đội ngũ của mình tự hào đó là văn hoá của công ty, gói gọn trong một điều duy nhất: sự minh bạch!”, ông Phil khẳng định.
Vui vẻ và trung thực là phong cách trao đổi công việc của đội ngũ lãnh đạo "đa quốc gia" tại Glass Egg |
Được biết, sự minh bạch, ân cần và chân thật là ba tôn chỉ trong văn hoá của Glass Egg, và nhờ đó, công ty đã xây dựng một dây chuyền sản xuất tối tân và đặc biệt nhất là đa số nhân sự quản lý cấp cao do chính người Việt đảm nhận.
Từ những người không kinh nghiệm, chưa từng ra nước ngoài, được uốn nắn thành những vị quản lý tài ba là niềm tự hào nhất của ông Phil Trần và cộng sự Steve Reid, người giữ chức CFO (giám đốc tài chính) kiêm "quân sư quạt mo" (theo cách nói dí dỏm của ông Phil), tham gia hội ý với ông trong những quyết định chiến lược quan trọng nhất từ ngày thành lập công ty.
“Không bao giờ nói dối với nhau, ăn ngay nói thẳng, không bao giờ hứa hão với khách hàng. Có một sự minh bạch mới có thể làm việc với nhau. Văn hoá công ty được hình thành theo kim chỉ nam này, và tên gọi Glass Egg với từ Glass - thuỷ tinh - cũng thể hiện giá trị cốt lõi này." - ông Phil Trần nói về triết lý kinh doanh và quản lý của mình.
Sứ mệnh của chúng tôi là "hạnh phúc"
Trong một bài báo ông Phil Trần viết cho tờ Wall Street Journal Asia năm 2006 mang tựa "A Dark Horse" (tạm dịch Một con Ngựa Ô), ông cho rằng với con số sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin trong cả nước Việt Nam khi đó ước tính khoảng 9.000 người một năm, một con số quá thấp, Việt Nam sẽ có nhiều thử thách so với những nước như Ấn Độ và Trung Quốc.
Để cạnh tranh, Việt Nam phải tìm những mẫu thị trường chuyên môn đặc biệt, không cần những số lượng kỹ sư khổng lồ, mới có thể cạnh tranh được.
Đúng như dự báo đó, 11 năm sau, đa số những công ty thành công trong lãnh vực gia công công nghệ cao ở Việt Nam đều nằm ở con số 500 nhân viên đổ lại, và phần lớn cái gây "nghẽn mạch" là do thiếu nguồn nhân lực lập trình và đồ hoạ.
"Thuyền trưởng" Phil Trần luôn mong muốn đào tạo thêm nhiều nguồn nhân lực công nghệ cao tại Việt Nam |
Để giữ cương vị hàng đầu trong ngành, Glass Egg gần đây đã phải thu hút thêm những chuyên gia từ Âu Châu và Canada sang để tiếp thu được những công nghệ mới nhất. Đồng thời nhân viên của Glass Egg hàng năm cũng được cử đi Mỹ, Thuỵ Điển, Anh, Nhật, Canada để nghiên cứu và tiếp xúc với khách hàng.
Khi được hỏi về sứ mệnh và tầm nhìn chiến lược của Glass Egg là gì, ông Phil Trần trả lời sứ mệnh của chúng tôi là "happy" (hạnh phúc) còn tầm nhìn chiến lược là "happier" (hạnh phúc hơn nữa), vì người nhân viên vui vẻ thì công việc sẽ trôi chảy nhẹ nhàng. Câu trả lời đơn giản này là nền tảng của Glass Egg, một công ty tiên phong đóng góp rất lớn trong việc để thế giới biết đến tài năng của con người Việt Nam.
Phòng giải trí cho nhân viên trang bị những thiết bị tối tân |
Một trong nhiều hoạt động gắn kết tại Glass Egg |
(*) Báo in Wall Street Journal Asia đăng bài về Glass Egg ngày 30-10-2001.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận