Đông đảo người dùng di động đang bị các dự án bất động sản "giội bom" ngày đêm - Ảnh: Quang Định |
Hiện nay một trong những biện pháp đang được các nhà mạng áp dụng để ngăn chặn tin nhắn rác là theo dõi tần suất nhắn tin từ các thuê bao di động và thực hiện chặn nếu thuê bao đó có tần suất nhắn tin bất thường.
Người ngay bị chặn, kẻ xấu lách luật
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện một nhà mạng cho biết tùy theo quy định mỗi nhà mạng, hạn mức gửi tin nhắn có thể là 40, 50 hay 70 tin/5 phút, tuy nhiên số lượng tin nhắn giới hạn thường xuyên được điều chỉnh linh động tùy từng thời điểm phù hợp.
Trước đó, hồi tháng 6-2015, Cục An toàn thông tin đã từng trình lãnh đạo Bộ Thông tin và truyền thông dự thảo “Tiêu chí hướng dẫn phát hiện, ngăn chặn và quy định về xử lý thuê bao phát tán tin nhắn rác” với đề xuất hạn mức tin nhắn gửi đi từ một thuê bao di động dự kiến là 5 tin/phút hoặc 20 tin/giờ hoặc 50 tin/24 giờ.
Hạn mức này do Bộ Thông tin và truyền thông quy định và có thể điều chỉnh theo từng thời điểm để phù hợp với thực tế. Những thuê bao có nhu cầu nhắn tin vượt hạn mức phải đăng ký với doanh nghiệp viễn thông di động cung cấp dịch vụ theo hướng dẫn của doanh nghiệp.
Dự thảo này ngay lập tức gặp nhiều phản ứng từ người dùng và chính các nhà mạng di động. Mục tiêu của đề xuất hạn mức tin nhắn là nhằm chống tin nhắn rác nhưng lại có thể gây nhiều phiền phức với những người dùng có nhu cầu thật sự.
Chẳng hạn những người có nhu cầu nhắn tin trò chuyện với người thân, thông báo một sự kiện quan trọng đến bạn bè, thông báo đến các đồng nghiệp công ty… Những người này có thể ít khi có nhu cầu gửi trên 50 tin mỗi ngày nhưng theo dự thảo, họ phải đi đăng ký với nhà mạng rất phiền phức.
Các nhà mạng lo ngại khách hàng sẽ không muốn sử dụng tin nhắn SMS nữa, qua đó làm suy giảm doanh thu của nhà mạng.
115 triệu thuê bao di động trả trước Theo số liệu của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và truyền thông, tính đến tháng 10-2015 Việt Nam có 120,6 triệu thuê bao di động có phát sinh lưu lượng. Trong đó, lượng thuê bao trả trước (gồm cả 2G và 3G) hơn 115 triệu thuê bao, chiếm hơn 95%. So với thời điểm tháng 12-2014 (136 triệu thuê bao), lượng thuê bao di động của Việt Nam đã giảm gần 16 triệu thuê bao. |
Trong khi đó, nhiều người dùng cho rằng việc đưa ra giới hạn tin nhắn mỗi ngày không làm ảnh hưởng đến nhu cầu liên lạc của họ. Đơn giản vì cách thức liên lạc qua các ứng dụng OTT hiện nay tại Việt Nam đang rất phổ biến, lấn áp mạnh nhu cầu sử dụng SMS.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia (xin giấu tên) cho rằng: “Việc quy định hạn mức tin nhắn không hề làm suy giảm tin nhắn rác. Đơn giản là khi có quy định 50 tin/mỗi ngày, kẻ phát tán chỉ cần gửi 49 tin nhưng dùng nhiều SIM để gửi. Người dùng vẫn sẽ bị làm phiền như bình thường.
Trong khi đó, cần lưu ý vấn nạn tin nhắn rác hiện nay đã tập trung sang các ứng dụng nhắn tin OTT khác chứ không còn chủ yếu ở tin nhắn SMS nữa.
Xu hướng tương lai, người dùng chuyển hầu hết liên lạc sang các ứng dụng OTT thì tin nhắn rác chắc chắn cũng phải chuyển đổi môi trường hoạt động cho phù hợp. Như vậy, quy định nếu được thực thi sẽ gây ra nhiều rắc rối cho các nhà mạng và chính những người dùng có nhu cầu nhưng lại chẳng đạt được mục đích mong muốn.
Hiện tại Bộ Thông tin và truyền thông vẫn chưa thông qua đề xuất này.
Xử lý sao khi bị chặn nhầm?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong quá trình triển khai các biện pháp mạnh nhằm hạn chế tin nhắn rác, bảo vệ khách hàng, nhiều khách hàng có nhu cầu sử dụng nhắn tin nhiều đã bị hệ thống của nhà mạng chặn chiều nhắn tin đi.
Nguyên nhân của hiện tượng này là do nhà mạng áp dụng chế độ tự động để chặn thuê bao gửi tin nhắn với số lượng lớn trong thời gian ngắn. Sự việc này từng khiến nhiều người dùng có nhu cầu thật bức xúc vì bị ảnh hưởng đến công việc liên lạc đang diễn ra dở chừng.
Có người dùng từng phản ảnh đến Tuổi Trẻ việc nhắn tin mời bạn bè đến nhà dự tiệc của gia đình, nhưng sau đó rất nhiều người đã không đến vì không nhận được tin nhắn. Kiểm tra qua tổng đài, khổ chủ mới biết thuê bao của mình đã bị chặn vì bất ngờ phát sinh lượng tin nhắn gửi đi nhiều bất thường.
Việc quản lý, xử lý tin nhắn rác cũng có những cái tương tự xử lý việc xả rác, phế thải trong xã hội hiện nay… Do đó cần nhiều biện pháp, các bên liên quan, cần cân đối về hiệu quả, có lộ trình. Việc ngăn chặn lừa đảo cũng vậy. |
Ông Nguyễn Sơn Hải - phó ban nghiên cứu thị trường và phát triển dịch vụ VNPT Vinaphone |
Thừa nhận khuyết điểm của biện pháp này, đại diện một nhà mạng cho biết: “Giải pháp hạn chế chặn nhầm trước mắt của chúng tôi là khi nhận được phản ảnh của khách hàng bị chặn dịch vụ nhắn tin chiều đi, chúng tôi sẽ kiểm tra, xác minh thuê bao. Nếu xác định thuê bao không vi phạm về việc phát tán tin nhắn rác, chúng tôi sẽ mở lại dịch vụ trong vòng 5 phút”.
Bên cạnh đó, theo đại diện nhà mạng này, để phục vụ khách hàng có nhu cầu sử dụng nhắn tin với số lượng lớn, ngoài việc điều chỉnh về số lượng, tần suất cũng như quy định chặn phù hợp hơn, các nhà mạng nên phân loại danh sách khách hàng theo các tiêu chí cụ thể hơn, ví dụ như: khách hàng đặc biệt (khách VIP, cơ quan chính phủ, nhà nước…), khách hàng thường xuyên của nhà mạng, những khách hàng có nhu cầu nhắn tin số lượng lớn, có mục đích chính đáng, hợp pháp và có đăng ký sử dụng dịch vụ với nhà mạng để tránh bị chặn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận