Tại cuộc họp báo của Bộ KH&CN sáng 6-10, theo ông Tấn, việc gắn thiết bị giám sát đối với các nguồn phóng xạ di động được bắt đầu triển khai từ ngày 1-10. Hiện cả nước có khoảng 600 nguồn phóng xạ trong diện phải gắn thiết bị theo dõi này.
“Chúng tôi đã thông báo cho tất cả các cơ sở quản lý các nguồn phóng xạ tiến hành gắn thiết bị giám sát. Hạn cuối cùng để các cơ sở hoàn thành việc gắn thiết bị này đối với các nguồn phóng xạ đã được cấp phép hoạt động là ngày 30-10.
Đối với những nguồn phóng xạ mới lắp đặt, đưa vào sử dụng, chúng tôi yêu cầu phải gắn thiết bị giám sát rồi mới cấp phép hoạt động” - ông Tấn cho biết thêm.
Việc gắn thiết bị theo dõi đối với các nguồn phóng xạ di động nhằm để cơ quan quản lý giám sát hoạt động, vị trí khi xảy ra sự cố… thiết bị sẽ phát tín hiệu cảnh báo để chủ sở hữu, cơ quan quản lý từ địa phương đến Cục An toàn bức xạ và hạt nhân kịp thời có biện pháp xử lý, giảm thiểu các nguy cơ xấu, gây mất an toàn có thể xảy ra.
Cũng theo ông Tấn, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã nghiên cứu chế tạo thành công thiết bị giám sát giúp kiểm soát và quản lý các nguồn phóng xạ theo đơn đặt hàng của Bộ Khoa học và công nghệ.
Sau hai năm thực hiện, từ tháng 10-2014 đến nay, nhóm thực hiện đề tài "Nghiên cứu và phát triển hệ thống quản lý và giám sát từ xa các nguồn phóng xạ theo thời gian thực" của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã tạo ra sản phẩm là hệ thống quản lý và giám sát nguồn phóng xạ di động mang tên BKRAD.
Thiết bị do Đại học Bách khoa tạo ra có giá hơn 30 triệu đồng, bằng một nửa so với sản phẩm có tính năng tương đương từ nước ngoài.
Với chức năng cảm biến - truyền thông - cảnh báo, hệ thống BKRAD giúp người dùng giám sát từ xa nhanh nhất về vị trí cũng như trạng thái hoạt động của nguồn phóng xạ. Việc giám sát có thể thực hiện qua Internet hoặc điện thoại thông minh. Khi nguồn phóng xạ hoạt động hoặc di chuyển, BKRAD sẽ gửi dữ liệu trực tuyến về trung tâm theo dõi với chu kỳ 30 giây/lần.
Nếu nguồn phóng xạ không hoạt động, BKRAD sẽ tự động chuyển về chế độ tiết kiệm năng lượng và gửi dữ liệu 60 phút/lần. Khi nguồn phóng xạ lưu kho, BKRAD sẽ gửi dữ liệu 10 tiếng/lần. Bên cạnh đó, nó còn giúp tìm kiếm nguồn phóng xạ bị đánh cắp hoặc thất lạc.
Tiến sĩ Trần Quang Vinh, chủ nhiệm đề tài, cho biết BKRAD được tích hợp nhiều công nghệ về định vị, truyền thông và cảm biến tiên tiến giám sát liên tục các nguồn phóng xạ trong các điều kiện môi trường khác nhau. Thiết bị có kết cấu cơ khí chống bụi, nước, va đập mạnh. Pin được sạc có thể sử dụng trong bảy ngày, mỗi ngày 8-10 tiếng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận